Theo ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Trường Hải Thaco, doanh nghiệp thành lập năm 1997 khởi đầu là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô, đến nay Thaco đã phát triển thành tập đoàn đa ngành như: ô tô, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, logistic, thương mại dịch vụ và đầu tư xây dựng… thực hiện sứ mệnh mang lại giá trị cho khách hàng, đối tác, xã hội và phát triển kinh tế đất nước với tinh thần tận tâm phục vụ.
Xác định ứng dụng KHCN trong sản xuất là xu thế tất yếu thúc đẩy tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa kinh phí vận hành trong sản xuất kinh doanh, Thaco đã ứng dụng công nghệ kĩ thuật và số hóa một cách phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, lộ trình nhanh và hợp lý với xu thế thị trường trong và ngoài nước.
Thaco luôn xác định đổi mới và nâng cấp công nghệ là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng năng lực cạnh tranh. Công nghệ chính là đòn bẩy quan trọng tạo động lực phát triển cho ngành sản xuất ô tô, phụ tùng của Thaco đáp ứng nhu cầu thị trường.
Về hoạt động khoa học công nghệ và kĩ thuật của Thaco bao gồm 4 hoạt động chính: Hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm với hơn 1.500 kỹ sư tập trung phát triển các sản phẩm mới theo xu thế xe tiết kiệm nhiên liệu; Hoạt động chuyển giao công nghệ từ đối tác nước ngoài, các kỹ sư Thaco sẽ từng bước tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới và nắm bắt công nghệ; Hoạt động sáng chế, cải tiến kĩ thuật công nghệ hướng tới tăng năng suất, giảm chi phí cho sản xuất.
Cuối cùng là hoạt động triển khai các đề án, đề tài khoa học cấp Nhà nước, Thaco đã phối hợp với Bộ KH&CN triển khai các dự án nghiên cứu và ứng dụng KHCN trong sản xuất, gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm, tạo hiệu ứng lan tỏa lớn, thúc đẩy hoạt động sản xuất thông minh tại Nhà máy Thaco Chu Lai. Điển hình là dự án KHCN cấp quốc gia Nghiên cứu thiết kế chế tạo xe khách cao cấp mang thương hiệu Việt Nam và Dự án tự động hóa quá trình sản xuất nhíp ô tô theo hướng xây dựng nhà máy thông minh.
Ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Trường Hải Thaco. Ảnh VGP
Về hoạt động KHCN số hóa, Thaco đã tiến hành đầu tư và đưa vào vận hành các nhà máy thông minh theo các cấp độ và đưa toàn bộ khu công nghiệp từng bước quản trị theo hướng số hoá, đàm phán với các đối tác công nghệ nghiên cứu nền tảng kĩ thuật số trên toàn hệ thống. Đầu tư mua mới, chỉnh sửa và tự sản xuất các nền tảng số riêng để phục vụ sản xuất kinh doanh của THACO.
Lãnh đạo Thaco kiến nghị, với dân số 100 triệu người, Việt Nam hiện đang là thị trường ô tô tiềm năng hàng đầu ASEAN. Tuy nhiên so với các nước trong khu vực phát triển công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam thiệt thòi là đã phải hội nhập khi thị trường chưa đủ lớn để tổ chức sản xuất kinh doanh quy mô lớn với giá thành cạnh tranh.
Từ năm 2018 khi Việt Nam hội nhập ASEAN, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam ngày càng tăng, sản lượng ô tô nhập khẩu từ năm 2019 đến nay gấp đôi lượng ô tô nhập khẩu những năm trước đó. Hầu hết công ty nước ngoài trong hiệp hội VAMA mặc dù đã đầu tư nhà máy tại Việt Nam từ rất lâu nhưng lượng xe nhập khẩu vẫn chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí tới 80, 90% tổng lượng xe bán ra, cùng với đó là rất nhiều hãng xe của Hiệp hội VIVA cũng nhập khẩu 100% xe nguyên chiếc và các hãng xe đều đang gia tăng xe nhập khẩu vào Việt Nam.
Nói về giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của xe sản xuất lắp ráp trong nước, cạnh tranh được với xe nhập khẩu nhằm duy trì và phát triển sản xuất trong nước một cách bền vững, Thaco cho rằng cần phải xây dựng và bảo vệ thị trường ô tô trong nước phát triển một cách ổn định, hợp lý và phù hợp các quy định quốc tế.
Hiện nay, thị trường ô tô ngày càng phát triển, cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ sản xuất ô tô trên thế giới, đặc biệt là đối với các dòng xe du lịch cao cấp, xe điện hóa vốn yêu cầu các vật liệu mới và công nghệ sản xuất mới,… Đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành rà soát toàn bộ chính sách, kể cả các chính sách mới như: ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế linh kiện đặc biệt cũng như tính hợp lý của các quy định hiện hành. Ví dụ như chính sách hoàn thuế linh kiện phụ tùng chưa được sản xuất trong nước để sản xuất ô tô thì phải đảm bảo sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu mới được hoàn thuế trong khi xe nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN dù là 1 chiếc cũng được hưởng thuế suất 0%.
Vừa qua Bộ KHCN đã rà soát, bãi bỏ một số quy định trong Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô. Việc bãi bỏ các quy định này được cho là phù hợp với sự phát triển, thay đổi quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Thaco cũng đề nghị Bộ KH&CN đơn giản hóa các thủ tục xem xét, rút ngắn thời gian hậu kiểm các giải pháp KHCN để nhanh chóng đưa vào sản xuất, gia tăng thị trường, đây là chìa khóa giảm giá thành, gia tăng hàm lượng công nghệ và tạo ra sản phẩm có tính khác biệt.