Đây là 1 trong 7 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt trong đợt 11 năm 2020, tại Quyết định số 2280/QĐ- TTg ngày 31/12/2020.
Gành Đá Đĩa là một danh thắng thiên nhiên kỳ thú về cảnh quan và độc đáo về địa chất ở Việt Nam, thắng cảnh này nằm tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Đá ở đây là một tập hợp các trụ đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nọ nối hòn kia kề với sóng nước. Bãi đá trải rộng san sát nhau chung màu đen huyền bí. Có trụ thẳng đứng, có trụ nghiêng vẹo nhưng vẫn chồng chất tầng tầng trông như chồng bát dĩa nên có tên gọi là Gành Đá Đĩa. Nhìn từ xa, Gành đá trông giống một tổ ong thiên tạo khổng lồ vô cùng kỳ vĩ.
Gành Đá Đĩa là một danh thắng thiên nhiên kỳ thú về cảnh quan và độc đáo về địa chất ở Việt Nam. (Ảnh: Internet) |
Các cột đá badan của Gành Đá Đĩa được các nhà nghiên cứu cho là hình thành cách đây hàng triệu năm, khi các dòng nham thạch nóng chảy phun ra từ các núi lửa ở cao nguyên Vân Hoà (cách 30 km) gặp nước biển lạnh nên đông cứng và nứt vỡ mà thành.
Trên thế giới, một số địa danh nổi tiếng khác có cấu trúc đá tương tự, như: Giant’s Causeway ở Ireland, Los Órganos ở Tây Ban Nha và ghềnh đá đĩa ở hang động Fingal, Scotland.
Gành Đá Đĩa là một trong những danh thắng cảnh hấp dẫn bậc nhất ở nước ta, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Thắng cảnh Quốc gia vào năm 2005. Mỗi năm có hàng vạn du khách đến tham quan chiêm ngưỡng thắng cảnh này.
Cùng với Gành Đá Đĩa, các di tích được xếp hạng đợt này theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg còn có Di tích lịch sử hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế (TP.Huế và huyện Phú Vang); Di tích lịch sử An toàn khu II Hiệp Hòa (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang); Di tích lịch sử căn cứ Cái Chanh (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu); Di tích Kiến trúc Nghệ thuật đền An Xá (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên); Di tích Kiến trúc nghệ thuật Đình Hạ Hiệp (huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội); Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 119 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường