Theo Cổng thông tin của Chính phủ, sáng 27/9, trong cuộc họp quý III của Ban chỉ đạo điều hành giá, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết trong thời gian tới, giá dầu có xu hướng tăng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính bám sát các diễn biến, điều hành theo giá thị trường những vẫn đảm bảo không sốc, không tác động quá lớn đến sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Theo đó, trong báo cáo về tình hình biến động giá xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin thị trường này đang có diễn biến "khá phức tạp".
Cụ thể, sau vụ máy bay không người lái tấn công vào kho xăng dầu ở Arab Saudi ngày 14/9, hai ngày sau đó, giá dầu thô trên thế giới tăng vọt, tới 10,39 USD/thùng so với ngày trước (tăng 15,3%), là mức tăng cao nhất trong vòng 7-8 năm gần đây.
Thứ trưởng nhận định mặc dù Arab Saudi khẳng định sẽ đảm bảo 70% lượng dầu cung cấp ra thị trường và Mỹ cũng khẳng định không thiếu nguồn cung dầu sau sự cố máy bay không người lái tấn công kho xăng dầu ở Arab Saudi, giá dầu vẫn có xu hướng tăng.
Về công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu, ông cho biết đã có văn bản và trực tiếp chỉ đạo các đầu mối xăng dầu nhập khẩu có kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước cho sản xuất kinh doanh và cho tiêu dùng.
Tại kỳ điều hành gần nhất, ngày 16/9, nhà điều hành giảm 109 đồng với mỗi lít xăng E5 RON 92 và 92 đồng với RON 95. Các mặt hàng dầu cũng giảm 139-262 đồng.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo. Ảnh: Thành Chung/VGP. |
Cũng trong cuộc họp, đề cập đến vấn đề nguồn cung thịt lợn, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo thị trường sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn vào cuối năm, tương đương 3-4%.
Vụ trưởng Nguyễn Văn Việt đánh giá giá thịt có khả năng tăng nhưng không tăng cao vì từ nay đến cuối năm không có xuất chính ngạch mà chỉ có tiểu ngạch và qua con đường này sẽ rất ít. Đó là cơ hội để bình ổn giá trong nước.
Bày tỏ lo lắng về đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tính toán, đánh giá thận trọng hơn và có kịch bản rất chi tiết, bởi hiện nay Trung Quốc đang lo khủng hoảng thịt lợn vì thiếu hụt đến 20 triệu tấn, tình trạng gom thịt lợn của Việt Nam xuất sang Trung Quốc bắt đầu gia tăng.
“Phải tính toán kỹ cung, cầu của từng tháng, không chỉ áng chừng bảo là giá sẽ tăng khoảng 2-3%, không có căn cứ. Tổng cung cầu thiếu hụt thế nào, tháng nào cao điểm nhất, cần tính toán kỹ và Bộ phải chịu trách nhiệm. Không đơn thuần lấy thịt trâu, bò, gia cầm để thay cho thịt lợn được. Với người châu Á nói chung, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm quan trọng", Phó thủ tướng nêu rõ.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ