Hà Nội, Thứ Ba Ngày 15/10/2024

Đề nghị báo cáo Thủ tướng trước 15/1 về đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường không khí

DTVN 08:59 20/12/2019

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có chỉ đạo các Bộ, ngành và tỉnh/thành đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, đề xuất giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường không khí.

Xét đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường về các giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, nhất là ở các đô thị lớn.

Khẩn trương đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 về Kế hoạch hành động quốc gia quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025, đề xuất giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường không khí, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/01/2020.

Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, đề xuất mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ; tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố; nghiên cứu, áp dụng các giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông.

Phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thúc đẩy các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải chất gây ô nhiễm môi trường không khí; chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng sạch đối với phương tiện giao thông cơ giới; chuyển đổi sử dụng xe cơ giới cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng; chuyển đổi vận tải hàng hóa đường bộ sang vận tải hàng hóa bằng đường sắt, vận tải ven biển.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội chạm ngưỡng rất xấu (Ảnh minh họa)

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo công tác quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, đặc biệt trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch; tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, như: nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản…

Bộ Xây dựng đẩy mạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện công tác quản lý vệ sinh lao động, môi trường trong thi công xây dựng công trình; nghiên cứu, sử dụng vật liệu chống ồn tại các công trình xây dựng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn, kiểm soát các hoạt động xử lý phụ phẩm, sản phẩm thải sau thu hoạch đảm bảo được xử lý an toàn, đúng quy định.

UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn; triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế, giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, đặc biệt đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm, có nguồn phát thải cao ra khỏi khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung, thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường, hoàn thiện hệ thống cung cấp thông tin về môi trường để làm cơ sở cảnh báo, khuyến cáo người dân về chất lượng môi trường không khí.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục bố trí nguồn lực, tăng cường thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025.

Đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; trong phạm vi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ ngay từ nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí, nhất là từ các phương tiện giao thông vận tải, hoạt động của các ngành công nghiệp, xây dựng và hoạt động dân sinh đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương.

Triển khai các giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn, trong đó chú trọng kiểm soát chặt chẽ bụi, khí thải nói riêng, các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nói chung từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tổ chức thực hiện chính sách phát triển khu công nghiệp sinh thái tại địa phương.

Bộ Tài nguyên - Môi trường mời báo chí ra khỏi phòng họp về ô nhiễm không khí

Cụ thể, chiều 19/12, Bộ TN-MT họp với các Bộ, ngành, địa phương về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Nhưng chỉ sau khoảng 15 phút cuộc họp diễn ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bất ngờ mời báo chí ra ngoài.

Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết, cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh cuối năm chất lượng môi trường không khí ở 2 TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có những thời điểm ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, đã gây ra sự lo lắng chính đáng của người dân.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, chất lượng không khí, không khí bị ô nhiễm là vấn đề hết sức cấp bách, nghiêm trọng và rất nhạy cảm. Để đánh giá về chất lượng không khí có nhiều chỉ số nhưng riêng về bụi mịn, các chỉ số trong 5 năm vừa qua cho thấy, bụi mịn có xu hướng gia tăng. Đây là tác nhân trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Theo đó, ông Hà nhấn mạnh, cuộc họp hôm nay tập trung đánh giá 3 nội dung nguyên nhân bụi mịn đến từ đâu; đánh giá mức độ ô nhiễm và giải pháp trước mắt, sẽ thực hiện ngay sau hội nghị này để bảo vệ sức khoẻ người dân.

Bộ Tài nguyên - Môi trường mời báo chí ra khỏi phòng họp về ô nhiễm không khí - ảnh 1
Chất lượng không khí, giải pháp cải thiện chất lượng không khí đang là mối quan tâm hàng đầu của người dân nhưng khi cơ quan quản lý nhà nước họp lại hạn chế báo chí tham dự

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng bày tỏ bất ngờ khi có sự tham dự của rất đông phóng viên đến từ các cơ quan báo chí. Bộ trưởng Hà cho rằng, sự quan tâm đặc biệt của báo chí sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của các ý kiến thảo luận. Ngay sau khi phát biển mở đầu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có lời mời hàng chục phóng viên báo chí ra khỏi cuộc họp.

“Tôi đề nghị cách làm việc thế này, nếu không sẽ rất khó làm việc, các đại biểu bị tâm lý khi phát biểu. Các cơ quan báo chí tác nghiệp đông quá, tôi rất sợ ảnh hưởng đến việc trao đổi, thảo luận. Tinh thần anh chị em dự phần đầu cuộc họp, trao đổi chung. Còn ngay sau cuộc họp, sẽ có ngay thông cáo báo chí về kết quả cuộc họp”, Bộ trưởng Hà nêu lý do.

Nguồn: Thanh Niên

T.Hường/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn//de-nghi-bao-cao-thu-tuong-truoc-15-1-ve-de-xuat-giai-phap-bao-ve-moi-truong-khong-khi-d67428.html

Bạn đang đọc bài viết Đề nghị báo cáo Thủ tướng trước 15/1 về đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường không khí tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự