Vũ Hán chính thức dỡ lệnh phong tỏa
Ngày 7/4 vừa qua là ngày đầu tiên Trung Quốc không ghi nhận bất cứ ca tử vong nào trên toàn quốc. Người dân Trung Quốc bị mắc kẹt ở Vũ Hán trong hơn 2 tháng vì đại dịch Covid-19 nay chính thức được rời nơi từng được coi là vùng tâm dịch.
Người dân Trung Quốc lái xe rời Vũ Hán qua trạm thu phí. |
Video do kênh CGTN của Trung Quốc đăng tải, cho thấy đoàn xe đi qua trạm kiểm soát để hướng đến thành phố lân cận Ngạc Châu, vẫn nằm trong địa phận tỉnh Hồ Bắc.
Thành phố với 11 triệu dân sinh sống là nơi bị phong tỏa đầu tiên trên thế giới vì đại dịch Covid-19. Vũ Hán cũng là nơi áp dụng quy định phong tỏa nghiêm ngặt nhất, chỉ cho phép mỗi người trong gia đình hai ngày ra ngoài một lần mua lương thực.
Trung Quốc ước tính 55.000 người sẽ rời Vũ Hán ngay trong ngày đầu tiên dỡ lệnh phong tỏa, vốn có hiệu lực từ ngày 23.1 – ngay trước dịp Tết Nguyên đán. Sân bay quốc tế Vũ Hán cũng đón khách trở lại bắt đầu từ sáng sớm ngày 8.4.
Một tài xế lái xe nói trên CGTN rằng anh ta đã chờ đợi giây phút được về nhà từ lâu do bị mắc kẹt ở Vũ Hán trong những tháng dịch bệnh bùng phát. “Tôi là người tỉnh Hồ Nam nhưng làm việc ở Vũ Hán. Tôi đã chờ đợi giây phút này để về nhà”, người đàn ông nói. “Tôi đã ở Vũ Hán được 60 ngày, sống nhờ bữa ăn chính quyền cấp tại khu tập trung”.
Tổng thống Mỹ xem xét chuyện ngừng cấp tiền cho WHO
Trước cuộc họp báo, ông Trump đã chỉ trích WHO "quá tập trung vào Trung Quốc" và đưa ra các khuyến cáo "sai lầm" trong việc ứng phó với dịch bệnh.
"Chúng tôi sẽ ngừng cấp tiền cho WHO. Chúng tôi sẽ mạnh tay với việc đó và hãy chờ xem", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 7/4 về tình hình dịch Covid-19, theo Politico.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
"Ý tôi là tôi không nói tôi sẽ làm như vậy nhưng chúng tôi sẽ xem xét", tổng thống Mỹ nói. "Tôi nói chúng ta sẽ xem xét chuyện đó. Chúng tôi sẽ điều tra và xem xét. Chúng ta sẽ cân nhắc chuyện chấm dứt cấp tiền".
Phát biểu được đưa ra giữa lúc số ca nhiễm virus corona chủng mới trên toàn cầu đã lên đến hơn 1,4 triệu, trong đó Mỹ vẫn là nước đứng đầu với gần 400.000 ca nhiễm, bao gồm hơn 12.800 ca tử vong.
Ở một diễn biến khác, tại New York, Mỹ, một thuyền viên tàu bệnh viện USNS Comfort (hiện đang neo đậu tại New York, Mỹ) đã được xác nhận mắc COVID-19. Ngay sau khi nhận kết quả xét nghiệm, thuyền viên này lập tức được cách ly khỏi bệnh nhân và các thành viên thủy thủ đoàn khác.
Tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ cập cảng New York hồi đầu tuần trước với sứ mệnh ban đầu là điều trị cho những bệnh nhân không mắc COVID-19, để giảm tải cho các bệnh viện địa phương.
Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất từ chính quyền New York, siêu tàu bệnh viện 1.000 giường sẽ bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan y tế Mỹ phát hiện có ít nhất 5 trong số hàng chục bệnh nhân được đưa lên tàu USNS Comfort mắc COVID-19.
Thủ tướng Anh Boris Johnson không bị viêm phổi dù bệnh COVID-19 diễn biến xấu
Số 10 phố Downing hôm qua, 7/4, khẳng định Thủ tướng Anh Boris Johnson không bị viêm phổi, dù đang phải thở oxy vì bệnh COVID-19 diễn biến xấu.
Tình trạng của ông Johnson hiện vẫn ổn định. Thủ tướng Anh vẫn giữ tinh thần lạc quan. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab - người đang điều hành chính phủ thay ông Johnson - cho biết ông tin rằng Thủ tướng sẽ sớm bình phục.
Số người tử vong vì COVID-19 ở Pháp hiện đã vượt mốc 10.000 người, lên đến 10.343 người, theo số liệu của ĐH Johns Hopkins. Tính riêng trong ngày 7/4, Pháp ghi nhận thêm 607 bệnh nhân tử vong tại bệnh viện, và 820 người khác tử vong tại các viện dưỡng lão, cơ sở y tế.
80% số bệnh nhân tử vong tại bệnh viện từ ngày 1/3 đến nay là những người trên 70 tuổi.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ