Rau củ chợ dân sinh Việt Hưng hôm nay đa dạng rau củ, nhưng người mua chưa thực hiện việc giãn cách 2m. |
Có mặt tại chợ dân sinh trên địa bàn phường Việt Hưng (quận Long Biên) trong sáng nay (7-4) phóng viên ghi nhận không khí mua sắm diễn ra bình thường. Thời tiết tiếp tục mưa rét nên lượng người tới chợ có phần giảm hơn thường ngày. Tại đây, các loại rau, củ, quả… vẫn giữ mức giá như các ngày trước, trong khi giá thịt lợn vẫn chưa giảm.
Chị Vũ Thị Khá, kinh doanh thịt lợn tại chợ cho biết: “Người bán hàng như chúng tôi cũng muốn bán giá thấp để có nhiều người mua, nhanh hết hàng nhưng giá lợn hơi móc hàm đã là 112.000 đồng/kg thì tới tay người tiêu dùng không thể thấp hơn 140.000 đến 150.000 đồng/kg”.
Những ngày qua nghe thông tin ngành chức năng đã có giải pháp nhằm giảm giá thịt lợn nhưng bà Trần Thị Bình (63 tuổi, trú tại khu dân cư Phú Hà, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) cho biết giá thịt lợn tại chợ Đại Mỗ, nơi bà vẫn đi chợ hằng ngày, chưa giảm, ở mức 140.000 đến 150.000 đồng/kg. Vì thế, bà Bình chọn giải pháp chuyển sang ăn tôm, cá, thịt gà, vịt…
Giá thịt lợn tại các chợ dân sinh vẫn cao. |
Nhìn chung ghi nhận của phóng viên tại nhiều chợ trên địa bàn thành phố như Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng), Gia Lâm (quận Long Biên), Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm)… trong ngày hôm nay (7-4), giá đa số các mặt hàng vẫn giữ ổn định, riêng giá thịt lợn vẫn ở mức cao, từ 140.000 đến 180.000 đồng/kg.
Trong khi giá lương thực, thực phẩm tại các chợ truyền thống giữ ổn định như nhiều ngày qua thì tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm… hàng hóa cũng luôn luôn được cung ứng dồi dào, với giá ổn định đúng như cam kết của các doanh nghiệp.
Tại siêu thị Vinmart 27 Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) trong sáng nay, phóng viên ghi nhận lượng khách hàng không đông. Tương tự tại siêu thị Big C Long Biên, cửa hàng Hapro Food trên phố Trần Nhật Duật, siêu thị Co.opmart Nguyễn Trãi…, dù hàng hóa rất dồi dào nhưng số người tới mua sắm không đông so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Siêu thị Big C hôm nay vắng khách dù hàng hóa rất dồi dào. |
Trước tâm lý ngại tới nơi đông người của nhiều người dân, các siêu thị đã triển khai các chương trình bán hàng qua điện thoại với số đơn hàng tăng nhanh trong thời gian qua, do đó, mức tiêu thụ hàng hóa tại các siêu thị vẫn ổn định. Giải pháp này cũng góp phần hạn chế tối đa lượng người di chuyển tới nơi công cộng trong mùa dịch.
Tuy lượng khách hàng khá thưa vắng, nhưng các siêu thị trên địa bàn đặc biệt coi trọng công tác phòng dịch. Ngoài trang bị mũ có lớp kính chống giọt bắn cho nhân viên, một số siêu thị như Big C mới đây đã lắp thêm hệ thống kính trong ngăn cách giữa khách hàng và nhân viên thu ngân nhằm bảo đảm phòng tránh lây nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, việc đánh dấu điểm đứng cho khách hàng tại lối vào và quầy thanh toán cũng là biện pháp hiệu quả để giữ khoảng cách an toàn.
Mũ có lớp kính chống giọt bắn được trang bị cho nhân viên siêu thị nhằm phòng dịch Covid-19. |
Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch tại các chợ truyền thống, dân sinh cũng như một số chuỗi kinh doanh thực phẩm còn chưa được toàn diện, nhất là việc giữ khoảng cách an toàn. Ban quản lý các chợ liên tục nhắc nhở người dân và các chủ hộ kinh doanh thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách nhưng đa số người dân vẫn đứng rất gần nhau. Tương tự tại các cửa hàng thực phẩm, không gian nhỏ hẹp khiến đa số người tới mua hàng chưa giữ được khoảng cách an toàn như khuyến cáo.
Theo Hà Nội Mới