Ghi nhận của Petrotimes, tính đến đầu giờ sáng 25/9, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2019 đứng ở mức 56,74 USD/thùng, giảm 0,55 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 24/9 thì giá dầu WTI giao tháng 11/2019 đã giảm tới 1,39 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2019 đứng ở mức 61,43 USD/thùng, giảm 0,69 USD/thùng trong phiên nhưng giảm tới 1,9 USD/thùng so với đầu giờ sáng 24/9.
Giá dầu thế giới giảm mạnh chủ yếu do lo ngại nhu cầu trên thị trường năng lượng ảm đạm, đặc biệt sau khi số liệu sản xuất từ châu Âu và Nhật Bản không mấy lạc quan.
Ở diễn biến khác, theo Reuters thì Ả Rập Xê-út đã phục hồi được hơn 75% sản lượng dầu thô so với trước thời điểm 2 nhà máy dầu của nước này bị tấn công.
Ảnh minh họa. |
Trước đó, TTXVN cho biết, trong phiên giao dịch chiều ngày 24/9, giá dầu châu Á giảm do số liệu sản xuất yếu từ châu Âu và Nhật Bản làm các nhà đầu tư dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu ảm đạm của thị trường năng lượng thế giới, bất chấp sự gián đoạn của nguồn cung tại Saudi Arabia.
Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, lúc 13 giờ 24 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 40 xu Mỹ xuống 64,37 USD/thùng. Trong khi, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn giảm 33 xu Mỹ xuống 58,31 USD/thùng.
Chuyên gia phân tích thị trường Michael McCarthy thuộc CMC Markets (Sydney, Australia) cho rằng nhu cầu tiêu thụ năng lượng yếu trên toàn cầu đã trở thành tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư, trong bối cảnh số liệu sản xuất yếu ở những nền kinh tế hàng đầu tại châu Âu cũng như ở Nhật Bản. Do đó, chuyên gia trên cho rằng đó là lý do vì sao giá dầu Brent kỳ hạn giảm nhiều hơn giá dầu WTI vào thời điểm này.
Tuy nhiên, giá dầu thô vẫn ở mức tương đối cao trong năm nay sau vụ tấn công ngày 14/9 vào hai cơ sở lọc dầu hàng đầu của Saudi Arabia, nơi sản xuất hơn một nửa sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia và tương đương 5% sản lượng dầu mỏ toàn cầu.
Một báo cáo của hãng tin Reuters cho hay Saudi Arabia đã phục hồi hơn 75% sản lượng dầu thô so với trước thời điểm hai cơ sở lọc dầu quan trọng của nước này bị tấn công. Dự kiến, hoạt động sản xuất dầu thô của hai nhà máy trên sẽ phục hồi hoàn toàn vào đầu tuần tới.
Ngoài ra, xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang châu Á tăng cao để thay thế Saudi Arabia trong lúc Mỹ giảm nhập khẩu dầu thô từ Iraq cho thấy lượng dầu dự trữ của Mỹ sẽ giảm.