Cụ thể, tại thị trường thế giới tính đến đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) ngày 26/2, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,58% xuống 63,17 USD/thùng vào lúc 7h20 (giờ Việt Nam) ngày 26/2. Giá dầu thô Brent giao tháng 5 cũng giảm 0,09% xuống 66,12 USD/thùng.
Giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (25/2) với giá dầu thô Mỹ lên cao nhất kể từ năm 2019 vì các nhà máy lọc dầu tại Texas khởi động lại sau đợt giá lạnh vào tuần trước.
Ảnh minh họa |
Trong khi đó, giá dầu thô Brent giảm vì lo ngại đà tăng kéo dài trong 4 tháng sẽ khiến các nhà sản xuất tăng sản lượng.
Đầu phiên giao dịch, sự đảm bảo về lãi suất của Mỹ sẽ ở mức thấp và sản lượng dầu thô tại đây giảm mạnh vào tuần trước do thời tiết lạnh giá bất thường ở Texas, đã giúp kéo cả giá dầu thô WTI và dầu Brent lên mức giá cao nhất trong ngày kể từ tháng 1/2020.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu Brent giao sau giảm 0,2% xuống 66,88 USD/thùng. Hợp đồng dầu thô Brent giao tháng 4 sẽ đáo hạn vào thứ Sáu (26/2).
Ngược lại, giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,5% lên 63,53 USD/thùng. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 5/2019.
Các nhà phân tích cho biết giá dầu WTI tăng vào cuối phiên khi nhiều nhà máy lọc dầu ở Texas bắt đầu hoạt động trở lại, gồm cả nhà máy Port Arthur của công ty Valero Energy và nhà máy Corpus Christi của công ty Citgo Petroleum.
Thời tiết đóng băng khiến sản lượng dầu thô của Mỹ giảm hơn 10%, tương đương mức kỷ lục 1 triệu thùng/ngày, vào tuần trước, trong khi hoạt động lọc dầu giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ năm 2008, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA) cho biết.
Tuy nhiên, nhìn chung các nhà phân tích nhận thấy đà tăng của giá dầu đã chậm lại trong phiên giao dịch ngày 25/2.
Theo chuyên gia phân tích cấp cao của OANDA, thị trường đang tồn tại rất nhiều rủi ro giảm giá và một trong số chúng là sự thống nhất của nhóm OPEC+ trong những tháng sắp tới. Trước khi cuộc họp tiếp theo của nhóm OPEC+ diễn ra, giá dầu thô có thể có những điều chỉnh nhỏ.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) và các đồng minh gồm cả Nga, được biết đến là OPEC+, sẽ nhóm họp vào ngày 4/3.
Các nhà phân tích lưu ý đợt tăng gần đây của giá dầu thô có thể khuyến khích các nhà sản xuất dầu Mỹ tăng sản lượng và OPEC+ nới lỏng thoả thuận giảm sản lượng. Cả giá dầu thô Brent và dầu WTI đã tăng hơn 75% trong suốt 4 tháng qua, theo Reuters.
Các nguồn tin OPEC cho biết nhóm sẽ thảo luận về việc nới lỏng thoả thuận hạn chế nguồn cung dầu từ tháng 4 vì giá dầu phục hồi, mặc dù một số ý kiến cho rằng nên giữ sản lượng ổn định trong thời điểm hiện tại trước nguy cơ thất bại mới trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
Tại thị trường trong nước, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng hiện phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 17.031 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 18.084 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 13.843 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 12.610 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.127 đồng/kg.
Theo Kinh tế Chứng khoán