Mới đây, Công ty CP Đầu tư tài sản Koji (MCK: KPF) đã có văn bản số 2310/2024/CV-KPF gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) về phương án khắc phục cổ phiếu bị cảnh báo.
Phía KPF cho biết, trong quý II/2024, Công ty đã tiến hành trích lập dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi, các khoản tạm ứng có khả năng không thu hồi được. Quý III/2024, công ty thay đổi ban lãnh đạo mới, cần phải có thời gian để tái cấu trúc lại Công ty sao cho hiệu quả hơn.
Để giải quyết tình trạng này, công ty đã đề ra các biện pháp và lộ trình khắc phục cụ thể. Theo đó, để đảm bảo báo cáo kiểm toán được chấp nhận toàn phần, Công ty đã thực hiện trích lập dự phòng.
Về thu hồi nợ, ngay trong quý I/2024, Công ty đã thu hồi gần 1/3 số dư nợ cho vay, bao gồm cả gốc và lãi. Số còn lại sẽ được tiếp tục đôn đốc thu hồi trong năm 2024.
Ngoài ra, Ban lãnh đạo cũng đang tìm kiếm các dự án, các Công ty mới có kết quả kinh doanh tốt để đầu tư.
Với các biện pháp trên, Đầu tư tài sản Koji cam kết sẽ khắc phục tình trạng cổ phiếu KPF bị cảnh báo trong năm 2024.
Cổ phiếu KPF của Đầu tư tài sản Koji bị cảnh báo trong bối cảnh công ty này bị thông báo vi phạm thuộc trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Cụ thể, Phòng Đăng ký kinh doanh- Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã có thông báo ngày 17/9/2024 gửi KPF về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh/văn phòng đại diện.
Quyết định thu hồi căn cứ điểm đ Khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp ngày 17/6/2020; Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp; Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp; Văn bản số 8999/CTTPHCM-QLN ngày 10/9/2024 của Cục Thuế TP.HCM về việc đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo nội dung vi phạm của KPF thuộc trường trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp ngày 17/6/2020 (Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật).
Về Đầu tư tài sản Koji, tiền thân là Công ty CP tư vấn dự án Quốc tế KPF, được thành lập năm 2009.
Về tình hình kinh doanh, theo BCTC quý III/2024, doanh nghiệp gần như không phát sinh doanh thu trong kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng mạnh từ hơn 41,4 triệu đồng (quý III/2023) lên hơn 318,3 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lên hơn 1 tỷ đồng. Khấu trừ các khoản thuế, phí, KPF lỗ ròng hơn 1,6 tỷ đồng trong quý III/2024 trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi hơn 5 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, doanh thu từ hoạt động tài chính chỉ ở mức gần 9,6 tỷ đồng; nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới hơn 291,9 tỷ đồng khiến doanh nghiệp lỗ ròng hơn 283,5 tỷ đồng. Khoản lỗ này khiến doanh nghiệp lỗ lũy kế tại thời điểm 30/9/2024 ở mức gần 142 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý III/2024, tổng cộng nguồn vốn của doanh nghiệp giảm gần 35% so với thời điểm đầu năm, về còn 524,2 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm từ 792,9 tỷ đồng về mức 509,2 tỷ đồng.
BCTC của KPF ghi nhận khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi lên tới gần 323,8 tỷ đồng (thời điểm đầu năm chỉ ở mức 34,2 tỷ đồng); trong đó, Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm gần 90,9 tỷ đồng, Công ty CP Dịch vụ và Công nghiệp Bình Dương 57 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu 79,8 tỷ đồng; ông Nguyễn Khánh Toàn hơn 71,1 tỷ đồng;...