Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số và báo chí cũng không phải là ngoại lệ. Chuyển đổi số báo chí không chỉ là trào lưu mà cần phải được lan tỏa, triển khai đến các cơ quan báo chí từ Trung ương tới địa phương. Việc chuyển đổi số thành công hay không phải xuất phát từ nỗ lực tự thân của chính các cơ quan báo chí.
Cũng theo ông Minh, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là câu chuyện tư duy. Phải thay đổi tư duy từ người đứng đầu cho đến toàn bộ tòa soạn thì quá trình này mới có thể thành công. Nói về giải pháp cho quá trình chuyển đổi số báo chí, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho hay, việc kết hợp giữa báo chí và công nghệ được xem như một xu hướng chung của thế giới, theo mô hình Media-Tech hay Tech-Media.
Ảnh minh hoạ
Để giảm "gánh nặng" tài chính khi đầu tư công nghệ, đồng chí gợi ý về việc các cơ quan báo chí có thể tìm kiếm các đối tác nhỏ, thậm chí các nhóm sinh viên công nghệ để tìm ra "lời giải" ấn tượng. Lấy dẫn chứng ứng dụng chatbot của báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) vốn là sản phẩm hợp tác với các bạn sinh viên, ông cho biết: “Đôi khi chúng ta tìm ra các đối tác vừa phải nhưng lại đem lại những kết quả hiệu quả, thay vì các đối tác lớn và có nhiều kinh nghiệm”.
Ở góc độ cơ quan quản lý báo chí, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng, mục tiêu chuyển đổi số phải tập trung vào nội dung, lấy nội dung làm cốt lõi. Ở quan điểm người làm báo, chuyển đổi số không phải là mục đích mà là phương tiện để đạt được mục tiêu.
Ông Phúc cho rằng, cần thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan báo chí để hỗ trợ nhau trong quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, ông Phúc cũng cho biết thêm, thời gian tới đây, các cơ quan chức năng cũng sẽ xây dựng bộ chỉ số đánh giá mục tiêu chuyển đổi số để đo lường hiệu quả về mặt công nghệ, tài chính cũng như sự trải nghiệm của độc giả, khán thính giả.