Thực phẩm chức năng “nổ” như thuốc biệt dược
Sản phẩm Linh Tự Đan do Công ty Cổ phần kinh doanh dịch vụ và thương mại Nam Phương (Số 17, Ngõ 144 Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội) chịu trách nhiệm phân phối. Theo tìm hiểu tại một số website: https://benhhiemmuon.com.vn, https://chuavosinhhiemmuon.vn sản phẩm Linh Tự Đan được quảng cáo công khai như là thuốc chữa bệnh, điều trị hiệu quả bệnh vô sinh, hiếm muộn.
Thực phẩm chức năng Linh Tự Đan quảng cáo "vống" sản phẩm chữa được vô sinh hiếm muộn. |
Trong đó, những nội dung vi phạm quảng cáo thể hiện như: “Linh Tự Đan là công thức chữa vô sinh hiếm muộn toàn diện được nghiên cứu kĩ lưỡng thích hợp cho cả nam giới và nữ giới, có tác dụng giúp tăng số lượng, chất lượng đặc biệt là khả năng di chuyển của tinh trùng (L- Arginine, L- Carnitine, Nhân sâm, Kẽm); điều hòa hormon sinh dục (Bạch tật lê, Nhân sâm), tăng cường miễn dịch, chống viêm nhiễm cho cả nam giới và nữ giới (Keo ong, Nhân sâm, cao Hoàng Bá)”.
Thậm chí, sản phẩm này còn được quảng cáo như một loại biệt dược đã được nghiên cứu lâm sàng. Cụ thể, tại trang web: benhhiemmuon.com.vn nêu rõ: “Nghiên cứu lâm sàng tại BV Phụ sản Từ Dũ. Chủ nhiệm đề tài TS Hoàng Thị Diễm Tuyết. Kết quả nghiên cứu cho thấy: “Sau 6 tuần sử dụng Linh Tự Đan, số lượng, chất lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng có sự thay đổi theo chiều hướng tốt. Đã có cặp vợ chồng hiếm muộn sử dụng Linh Tự Đan và có thai tự nhiên”.
Ngoài những lời quảng cáo “có cánh” gây hiểu lầm là thuốc điều trị, sản phẩm này còn được gắn với hình ảnh những y, bác sỹ của một số cơ quan y tế như Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), Bệnh viện Phụ sản Trung Ương (Hà Nội). Đặc biệt, sử dụng hình ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu trong một hội nghị, trong khi nội dung không hề liên quan đến sản phẩm và các đơn vị, cá nhân trên cũng không hề đánh giá sản phẩm theo như lời quảng cáo.
Hình ảnh Thứ trưởng Bộ Y tế và nguyên GĐ Bệnh viện Phụ sản TW bị sử dụng trong quảng cáo. |
Việc sử dụng hình ảnh y, bác sỹ, đơn vị cơ sở y tế để quảng cáo cho sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty Nam Phương là có dấu hiệu vi phạm Thông tư 13/BYT về hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc. Bộ Y tế nghiêm cấm “lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc”.
Vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Để làm rõ thông tin, PV đã liên hệ làm việc với đơn vị phân phối là Công ty Cổ phần kinh doanh dịch vụ và thương mại Nam Phương nhưng qua nhiều lần đến trực tiếp thì công ty này dường như không còn hoạt động tại địa chỉ nêu trên, đây chỉ là địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, việc quảng cáo TPCN phải tuân thủ Luật Quảng cáo 2012, Nghị định 181/NĐ-CP hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, Thông tư số 09/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân không quảng cáo TPCN có tác dụng chữa bệnh. Không dùng hình ảnh, thư cảm ơn của bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân để quảng cáo cho sản phẩm.
Hành vi cố ý quảng cáo TPCN có tác dụng điều trị bệnh được đánh giá thuộc mức nghiêm trọng và cần được xử lý nghiêm minh, thậm chí thu hồi giấy phép.
Ngoài ra, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng quy định: Tổ chức, cá nhân không được phép quảng cáo sản phẩm sai so với tác dụng thực tế. Đối với cá nhân quảng cáo sai sự thật và ở mức nghiêm trọng có thể xử lý hình sự.
Theo các chuyên gia pháp lý, trong trường hợp y, bác sĩ bị mạo danh có thể làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng như Sở Thông tin và Truyền thông, công an xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, những người bị mạo danh có thể khởi kiện người vi phạm ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án ra quyết định buộc họ chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Và để “dẹp loạn” quảng cáo TPCN, theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xử phạt với khung cao nhất, thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm; thanh, kiểm tra với tần suất lớn nhằm phát hiện sai phạm (nếu có) để ngăn chặn nguy cơ sản phẩm kém chất lượng tới tay người tiêu dùng. “Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát việc quảng cáo TPCN nhằm đưa ra các cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Và trong khi thị trường TPCN vẫn “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng cần sáng suốt khi lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để bảo vệ chính mình”, ông Phong nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ thông tin!
Theo Nguyễn Hương/VietQ