TP.HCM có một người nhận lương hơn nửa tỷ/ tháng
Bộ LĐ-TB&XH thông tin như trên trong báo cáo gửi Chính phủ về tình hình tiền lương năm 2020 và thưởng tết năm 2021.
Cụ thể, qua báo cáo của 62.640 doanh nghiệp trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố, Bộ LĐ-TB&XH nhận thấy tiền lương bình quân năm 2020 ước đạt 7,54 triệu đồng/tháng, giảm khoảng 3% so với năm 2019 (7,77 triệu đồng/tháng).
Trong đó, Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trả lương 9,1 triệu đồng/người/tháng, giảm 2,5% so với năm 2019 (9,34 triệu đồng/tháng).
Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước trả lương 8,08 triệu đồng/người/tháng, giảm 1,7% so với năm 2019 (8,18 triệu đồng/tháng).
Doanh nghiệp dân doanh là 7,13 triệu đồng/người/tháng, giảm 1,7% so với năm 2019 (7,25 triệu đồng/tháng). Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trả lương 8,12 triệu đồng/người/tháng, giảm 4% so với năm 2019 (8,46 triệu đồng/tháng).
Về tiền thưởng tết, theo Bộ LĐ-TB&XH mức thưởng tết Dương lịch năm nay bình quân là 2,34 triệu đồng/người, tăng 151% so với dịp tết Dương lịch 2020 (0,93 triệu đồng/người). Trong đó, mức thưởng cao nhất tết Dương lịch năm 2021, thuộc về một cá nhân ở Ngân hàng Deutsche TP Hồ Chí Minh, với mức thưởng gần 1 tỉ đồng.
Việc thưởng tết Dương lịch cao là điều khá bất ngờ, tuy nhiên, bộ này cho rằng nguyên nhân là do năm 2020 khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp hỗ trợ thêm cho người lao động để họ vượt qua khó khăn.
Đối với mức thưởng tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, theo Bộ LĐ-TB&XH trung bình một tháng lương (6,36 triệu đồng/người), bằng 95% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2020 (6,69 triệu đồng/người).
Trong đó, tiền thưởng cao nhất dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 là 1,07 tỉ đồng,thuộc về một người quản lý tại Công ty TNHH Shinryo Việt Nam (TP Hồ Chí Minh), chuyên thiết kế, lắp đặt hệ thống dàn lạnh.
Bầu Đức và HAGL bán vốn tại HNG, HAG để cơ cấu nợ
Cổ phiếu công ty ông Phạm Nhật Vượng "kéo" chứng khoán tăng "sốc"
Mức tăng tới 40 điểm của VN-Index ngày 2/2 nằm ngoài kỳ vọng của phần lớn nhà đầu tư và giới chuyên gia. Thị trường vượt lên ngoạn mục với đầu kéo từ bộ đôi VIC-VHM và cổ phiếu VN30
Ngày 2/2 thực sự là một phiên giao dịch bùng nổ và để lại nhiều dư vị cảm xúc đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Mở đầu phiên, chỉ số chính đã có một nhịp "nhúng" nhẹ khiến không ít nhà đầu tư "thót tim". Tuy nhiên, ngay sau đó, với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu trụ trong rổ VN30, thị trường đã xác lập đà tăng mạnh mẽ cho đến hết khi đóng cửa.
Kết phiên, VN-Index hồi phục mạnh mẽ hơn 40 điểm tương ứng 3,86% lên 1.075,53 điểm; HNX-Index cũng tăng 6,51 điểm tương ứng 3,12% lên 215,36 điểm và UPCoM-Index tăng 0,58 điểm tương ứng 0,82% lên 71,66 điểm.
Nhóm trụ ở thời điểm này cho thấy vai trò cực kỳ lớn đối với xu hướng hồi phục của thị trường chung. VN30-InIndex có biên độ tăng vượt hẳn so với VN-Index phản ánh rõ thị trường đi lên nhờ trụ kéo.
Cụ thể, VN30-Index tăng 49,84 điểm tương ứng 4,84% lên 1.079,7 điểm. Trong rổ chỉ số này không hề có mã nào giảm. Đáng chú ý, rất nhiều mã tăng mạnh, nhiều mã lớn tăng trần: VIC, VHM, VPB, SBT tăng kịch biên độ.
REE tăng 6,8%; STB tăng 6,5%; VRE tăng 6,5%; MBB tăng 6,1%; CTG tăng 5,9%; VCB tăng 5,9%; HPG tăng 5,6%; TCB tăng 5,6%; HDB tăng 4,5%; FPT tăng 3,9%; TPB tăng 3,9%; SSI tăng 3,7%; VNM tăng 3,6%...
Trong đó, VIC kéo chỉ số tăng thêm tới 6,2 điểm; VHM kéo 5,43 điểm; VCB kéo 5,33 điểm; VHM kéo hơn 2 điểm, HPG, CTG, TCB cũng có đóng góp lớn.
TPHCM: 4 doanh nghiệp "xù" gần 74 tỷ đồng tiền bắn pháo hoa
Thanh tra TPHCM đã có thông báo kết luận về việc Thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và quản lý, sử dụng tài chính tại Sở Văn hóa và Thể thao. Thời kỳ thanh tra là năm 2018 và 2019.
Trong kết luận thanh tra có nội dung đáng chú ý là việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đóng góp tài trợ bắn pháo hoa thành phố (kinh phí xã hội hóa).
4 doanh nghiệp tham gia vào việc bắn pháo hoa tại TPHCM theo kinh phí xã hội hóa vẫn chưa nộp gần 74 tỷ đồng. Ảnh: S.T |
Theo Thanh tra TPHCM, từ năm 2018 cho đến nay, 4 doanh nghiệp tham gia vào việc bắn pháo hoa của thành phố chưa thực hiện đúng cam kết và chưa nộp số tiền 73,88 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư phát triển Bất động sản Bình Minh chưa nộp số tiền hơn 27 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Viễn Đông chưa nộp hơn 46 tỷ đồng; Công ty Megacom Việt Nam chưa nộp số tiền 500 triệu đồng; Công ty Cổ phần I Sáu Mươi Tám chưa nộp 350 triệu đồng.
"Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện báo cáo UBND thành phố về các nội dung thu, chi và công nợ của các công ty tham gia thực hiện sự kiện, lễ hội (xã hội hóa) nhưng chưa đề xuất hướng xử lý việc các công ty có vi phạm cam kết, chậm thực hiện nghĩa vụ đóng góp kinh phí ngân sách nhà nước trong hoạt động xã hội hóa nêu trên. Để xảy ra các thiếu sót này, trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở, cá nhân và các công ty có liên quan đến vụ việc", kết luận thanh tra nêu rõ.
Thanh tra TPHCM giao Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất hướng xử lý, lập kế hoạch cụ thể và thu đủ số tiền đóng góp hỗ trợ hoạt động bắn pháo hoa đối với các công ty chưa thực hiện đúng theo cam kết là 73,88 tỷ đồng, trình UBND thành phố xem xét, quyết định.
Điện Quang của gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa lãi thụt lùi 6 năm liên tiếp
Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang mới đây đã chính thức công bố báo cáo tài chính hợp nhất trong đó thể hiện, mặc dù quý 4 doanh nghiệp đã nỗ lực nhằm cải thiện đáng kể các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh nhưng vẫn không "cứu" nổi kết quả thụt lùi của cả năm 2020.
Cụ thể, trong năm vừa rồi, doanh thu thuần quý 4 của Điện Quang tăng trưởng 30,7% so với cùng kỳ lên 294,6 tỷ đồng. Giá vốn tăng và chiếm tỉ trọng khá lớn tương ứng hơn 75% doanh thu, theo đó, lợi nhuận gộp đạt 71,6 tỷ đồng, tăng gần 12% so cùng kỳ.
Trong kỳ, công ty còn nhận được khoản lợi nhuận hơn 3,6 tỷ đồng từ công ty liên kết, liên doanh (cùng kỳ mảng này ghi nhận lỗ).
Cộng thêm lợi nhuận khác đạt 4,2 tỷ đồng, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Điện Quang là 11,9 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ (tăng 137,6%). Lãi sau thuế đạt hơn gần 11 tỷ đồng, tăng gấp gần 3 lần cùng kỳ. Trong đó, lãi ròng thuộc về công ty mẹ đạt 9,1 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 3,4 tỷ đồng của quý 4/2019.
Dù vậy, quý 4 cũng chỉ cải thiện phần nào kết quả kinh doanh của cả năm vì hệ quả 3 quý đầu để lại.
Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của Điện Quang vẫn tăng gần 14% so với năm 2019; lợi nhuận gộp tăng 8,5% so cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí của doanh nghiệp trong kỳ lại bị "phình" ra đáng kể và đây chính là yếu tố khiến Điện Quang bị sụt giảm lợi nhuận trong năm qua.
Chi phí bán hàng tăng tới 28,5% lên 156 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 29% lên 82,5%. Theo đó, lợi nhuận thuần bị "bóp" lại chỉ còn xấp xỉ 16 tỷ đồng, bằng chưa tới một nửa của năm 2019.
Bởi vậy, lãi trước thuế hợp nhất giảm 40% xuống 22,2 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất cũng giảm hơn 39% còn xấp xỉ 18 tỷ đồng; lãi ròng của cổ đông công ty mẹ còn 15,6 tỷ đồng, bằng gần 55%. Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp Điện Quang trượt dài, suy giảm lợi nhuận (kể từ năm 2015 đến nay).
Nhìn ở góc độ tích cực mức lợi nhuận Điện Quang đạt được trong năm 2020 vẫn vượt xa kỳ vọng của lãnh đạo doanh nghiệp. Kế hoạch mà Điện Quang đặt ra cho năm 2020 là 610 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất và lãi trước thuế 1,8 tỷ đồng ở kịch bản thứ nhất; kịch bản thứ hai bi quan hơn là doanh thu thuần đạt 543 tỷ đồng và thậm chí lỗ trước thuế 10 tỷ đồng; không chia cổ tức cho cả 2 kịch bản.
Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với người nộp dưới mức 50.000 đồng
Theo Nghị quyết số 954/2020/NQ-UBTVQH ngày 2/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh về thuế thu nhập cá nhân thì mức giảm trừ gia cảnh mới được chỉnh chỉnh tăng lên cụ thể như:
- Mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế tăng từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng.
- Mức giảm trừ cho người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng/người/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/người/tháng.
Với mức giảm trừ gia cảnh mới này, người nộp thuế sẽ được tính từ thời điểm ngày 1/1/2020 khi cá nhân thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Đặc biệt, theo quy định này, cá nhân phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân trong các trường hợp: có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa và có đề nghị hoàn thuế.
Nhằm cắt giảm thủ tục hành chính cho người nộp thuế cũng như giảm áp lực xử lý hồ sơ quyết toán cho cơ quan thuế, theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH13 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định miễn thuế thu nhập cá nhân phải nộp thêm đối với cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống.
Ngoài ra, theo Tổng cục Thuế, các cá nhân được ủy quyền quyết toán cho tổ chức trả thu nhập trong các trường hợp:
- Cá nhân có thu nhập duy nhất tại một nơi theo hợp đồng lao động; Cá nhân có thu nhập duy nhất tại một nơi theo hợp đồng lao động đồng thời có thu nhập vãng lai tại ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10%.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, từ kỳ tính thuế năm 2020, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với cá nhân khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế.
Với tổ chức trả thu nhập, thời hạn hộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ ba kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.
Với cá nhân, kể từ kỳ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế đã được kéo dài trên 1 tháng so với quy định trước đây nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
T.Anh (TH)/SHTT