Hà Nội, Thứ Năm Ngày 12/12/2024

Vinamilk chững lại

DTVN 11:17 11/11/2024

Ông lớn ngành sữa vừa ghi nhận quý có lợi nhuận sụt giảm đầu tiên sau 5 quý tăng trưởng liên tiếp

Thị trường trong nước phục hồi chậm

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) ghi nhận doanh thu thuần quý III/2024 đạt 15.500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Trong quý III, động lực tăng trưởng của Vinamilk tiếp tục là thị trường nước ngoài khi ghi nhận doanh thu đạt hơn 2.600 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ.

Riêng xuất khẩu đạt 1.375 tỷ đồng, tăng 10,3% và duy trì mức tăng trưởng hai chữ số.

Tuy nhiên, thị trường trong nước ghi nhận doanh thu gần 13.000 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân sụt giảm được Vinamilk cho biết là do ảnh hưởng bởi yếu tố thiên tai là cơn bão Yagi đã tác động tới tâm lý người tiêu dùng.

Sự sụt giảm của thị trường trong nước khiến biên lợi nhuận gộp của Vinamilk cũng suy giảm so với cùng kỳ, trong khi chi phí bán hàng không đổi.

Trừ đi các chi phí, Vinamilk ghi nhận lợi nhuận ròng hơn 2.400 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Đây là quý đầu tiên lợi nhuận của Vinamilk sụt giảm sau 5 quý tăng trưởng liên tục.

Luỹ kế 9 tháng của năm 2024, Vinamilk đạt 46.306 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 7.269 tỷ, tăng trưởng lần lượt 3% và 11% so với cùng kỳ.

Trong đó, thị trường nội địa mang về xấp xỉ 38.000 tỷ đồng doanh thu, gần như đi ngang. Thị trường nước ngoài tích cực hơn khi tăng trưởng gần 16%, thu về hơn 7.200 tỷ đồng.

Sau ba quý, Vinamilk đã thực hiện được 78% kế hoạch lợi nhuận năm.

Doanh thu Vinamik. Ảnh: VNM

Tính tới cuối quý III/2024, quy mô tài sản của Vinamilk là 57.677 tỷ. Trong đó, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất nằm ở tiền, tiền gửi ngân hàng với 28.600 tỷ đồng. Khoản tiền gửi này đã mang về lãi tài chính hơn 1.000 tỷ đồng cho Vinamilk trong năm nay.

Cập nhật về dự án nhà máy sữa Hưng Yên, Vinamilk chia sẻ đã hoàn thành san lấp mặt bằng và có quy hoạch 1/500. Công ty dự kiến khởi công nhà máy trong năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Còn Tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò của Vinamilk và tập đoàn Sojitz đã được khởi công vào đầu năm 2023 tại Vĩnh Phúc đang bám sát kế hoạch. Công ty dự kiến vận hành tổ hợp và đưa sản phẩm ra thị trường trong quý IV năm nay.

Khó bứt phá

Thị trường sữa Việt Nam cũng đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hiện tại, có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong ngành này, trong đó 40 doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối sữa.

Số lượng các “ông lớn” trong ngành cũng không hề ít. Có thể kể tới hàng loạt cái tên như Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, IDP và Mộc Châu Milk. Cùng với các đối thủ nước ngoài như FrieslandCampina (Hà Lan), Nestlé (Thụy Sĩ), Abbott (Mỹ) hay Fonterra (New Zealand).

Để cạnh tranh, các doanh nghiệp sữa đều triển khai những chiến lược kinh doanh riêng như đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, mở rộng mạng lưới phân phối hay phát triển sang thị trường nước ngoài.

Công ty chứng khoán SSI đánh giá, Vinamilk đang phải đối mặt với nhiều thách thức tại thị trường nội địa. Điều này đến từ tốc độ tăng trưởng chậm lại do thị trường đã đạt điểm bão hòa, và cạnh tranh nội địa đối với sữa nước vẫn ở mức cao.

Đối với xuất khẩu, Vinamilk đang thâm nhập vào những thị trường mới, có quy mô nhỏ như thị trường Châu Phi, nơi có dân số đông hơn và môi trường cạnh tranh thấp hơn.

Đánh giá về triển vọng Vinamilk giai đoạn tới, chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, trong nửa cuối năm 2024, Vinamilk có thể duy trì được hoạt động kinh doanh tốt nhờ nhu cầu tiêu dùng khởi sắc và giá nguyên liệu đầu vào được chốt ở vùng giá hợp lý hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, BSC cũng cho rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Vinamilk sẽ chậm lại so với nửa đầu năm 2024.

Cả năm 2024, BSC dự báo Vinamilk có thể đạt hơn 64.300 tỷ đồng doanh thu và hơn 10.000 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng trưởng lần lượt 6,6% và 14% so với năm 2023. Con số này tích cực hơn khá nhiều so với kế hoạch ban lãnh đạo Vinamilk đề ra hồi đầu năm.

Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo doanh thu từ các thị trường nước ngoài của Vinamilk có thể tiếp tục đà tăng, nhưng không cao như trong quý II.

Sang năm 2025, ACBS dự phóng doanh thu của Vinamilk có thể tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, song biên lợi nhuận sẽ khó cải thiện hơn.

Chứng khoán Vietcap nhận định, khả năng sinh lời vượt trội và thanh toán cổ tức ổn định là những luận điểm đầu tư hấp dẫn cốt lõi của Vinamilk.

Mặc dù vậy, nhóm phân tích thận trọng về triển vọng tăng trưởng dài hạn của Vinamilk.

Công ty chứng khoán dự báo Vinamilk có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) doanh thu trong giai đoạn 2024-2028 ở mức trung bình.

“Nỗ lực marketing của Vinamilk có thể giúp cho CAGR doanh thu các sản phẩm có biên lợi nhuận cao của công ty như sữa tươi, sữa chua, sữa bột trẻ em đạt mức 5% trong giai đoạn 2024-2028”, Vietcap dự báo.

Link gốc : Nhà Quản Trị

Bạn đang đọc bài viết Vinamilk chững lại tại chuyên mục Thương hiệu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thương hiệu