Ngày 27/3, CTCP Tập đoàn Gelex (GEX) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2025.
Theo ông Nguyễn Trọng Hiền, Chủ tịch HĐQT, trong quý 1/2025, doanh thu của Gelex tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận trước thuế cũng đạt khoảng 600 tỷ đồng, tăng 58% so với quý 1/2024.
Năm 2024, doanh thu thuần hợp nhất của Gelex đạt 33.752 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.613 tỷ đồng, lần lượt vượt 4,5% và 88,1% kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra.
Công ty cho biết, doanh thu thuần tăng 12,5% so với năm 2023 nhờ sự tăng trưởng mạnh của lĩnh vực thiết bị điện, được thúc đẩy bởi đầu tư công ngành điện trong năm 2024 và sự phục hồi của thị trường chung từ quý 2. Các lĩnh vực khác của Tập đoàn như vật liệu xây dựng, khu công nghiệp và bất động sản, Hạ tầng tiện ích đều ghi nhận doanh thu giảm so với năm 2023.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm 2024 đạt 3.613 tỷ đồng, tăng 158,6% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng mạnh lợi nhuận các lĩnh vực cốt lõi là Thiết bị điện, Vật liệu xây dựng, KCN & BĐS; tiết giảm và tối ưu các chi phí gián tiếp; và lợi nhuận tài chính tăng mạnh từ thoái vốn các dự án năng lượng, giảm chi phí vay.
SẼ KHÔNG THAM GIA ĐIỀU HÀNH EXIMBANK
Trong năm 2024, Gelex cũng đã mở rộng đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng thông qua việc tăng sở hữu lên gần 187 triệu cổ phần, tương đương 10% vốn điều lệ tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và trở thành cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này.
Tổng giám đốc Gelex Nguyễn Văn Tuấn
Trả lời về vấn đề này, theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn, Gelex là tập đoàn đầu tư hàng đầu, chiến lược đầu tư vào Eximbank là đầu tư dài hạn, mục tiêu đầu tư không phải là bổ sung lĩnh vực tài chính ngân hàng vào hệ sinh thái. Khoản đầu tư vào Eximbank được xem là khoản đầu tư dài hạn để mang lại lợi nhuận hiệu quả cho tập đoàn trong tương lai.
Về việc Gelex có tham gia vào ban điều hành của Eximbank hay không, ông Tuấn cho biết, Gelex coi Eximbank là khoản đầu tư nên sẽ không tham gia vào điều hành, tuy nhiên, nếu HĐQT cần Gelex tham gia đóng góp để bảo vệ quyền lợi cho cổ đông thì Gelex sẽ tham gia nếu phù hợp vs chiến lược của công ty.
KẾ HOẠCH 2025 VỚI DOANH THU KỶ LỤC
Tại Đại hội, HĐQT trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh của Gelex với mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 37.600 tỷ đồng – tăng 11,5% so với năm 2024 và là mức doanh thu kỷ lục của doanh nghiệp. Trong khi đó, mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 3.041 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2024.
HĐQT cũng trình kế hoạch chia cổ tức 10% năm 2024 với 5% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu và kế hoạch chia cổ tức của năm 2025 mức 10%.
Lý do thay đổi kế hoạch cổ tức năm 2024 thành 5% tiền mặt, 5% cổ phiếu, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết do năm 2023 và 2024 có rất nhiều biến động, Gelex phải có lượng tiền đủ để dự phòng cho các tình huống xấu xảy ra. Kế hoạch của Tập đoàn từ 2024 trở đi, mức cổ tức tối thiểu là 10% trong đó duy trì mức 5% bằng tiền, 5% cổ phiếu.
Năm 2025, đối với lĩnh vực thiết bị điện và Vật liệu xây dựng, Gelex dự kiến tiếp tục mở rộng thị trường trong nước, đồng thời phát triển thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động R&D để phát triển các sản phẩm mới, hợp tác với đối tác nước ngoài.
Đối với lĩnh vực năng lượng, tiếp tục nghiên cứu và thực hiện đầu tư có chọn lọc các dự án năng lượng tái tạo tiềm năng trong danh mục đang nghiên cứu phát triển.
Đối với lĩnh vực nước sạch, tiếp tục đầu tư và hoàn thành đúng tiến độ Dự án nước sạch Sông Đà giai đoạn 2 và nghiên cứu đầu tư các dự án cung cấp nước sạch tại các địa phương, cung cấp nước sạch tại các khu công nghiệp.
Đối với lĩnh vực khu công nghiệp và Bất động sản, Gelex dự kiến phát triển quỹ đất tại nhiều địa phương thông qua các CTTV, công ty liên doanh; Phát triển các hình thức KCN mới như KCN thông minh, thành phố công nghiệp tích hợp đô thị sinh thái; Tiếp tục tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội, đồng thời phát triển quỹ đất cho các dự án BĐS thương mại; Mở rộng đầu tư vào sản phẩm nhà xưởng xây sẵn (RBF); nhà kho xây sẵn (RBW), nhà xưởng, nhà kho xây theo yêu cầu (BTS) thông qua liên doanh Titan Corporation.
BẦU BỔ SUNG THÀNH VIÊN HĐQT
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán: GEX) diễn ra sáng ngày 27/3, các cổ đông đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Nguyễn Văn Tuấn, theo đơn từ nhiệm của ông đề ngày 03/03/2025. Đồng thời, Đại hội cũng đã bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Minh Giang làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026.
Đáng chú ý, dù rời khỏi HĐQT, ông Nguyễn Văn Tuấn vẫn tiếp tục đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của Gelex.
Trước thắc mắc của một cổ đông về lý do ông từ nhiệm thành viên HĐQT trong khi vẫn giữ chức Tổng Giám đốc và là cổ đông lớn nhất, cùng người liên quan nắm giữ gần 27% cổ phần, ông Tuấn đã có những chia sẻ thẳng thắn.
Ông cho biết, Gelex từ nhiều năm nay đã xây dựng là một tập đoàn minh bạch, quản trị hiệu quả. Ông nhấn mạnh việc ban lãnh đạo đã xây dựng một hệ thống quản trị bài bản từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên, kèm theo hệ thống quản trị rủi ro chặt chẽ.
Ông Tuấn dẫn chứng việc ông đã từng rút khỏi vị trí lãnh đạo tại các công ty con như Cadivi và Điện lực Gelex (GEE), và sau đó các đơn vị này đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tốt.
Lý giải sâu hơn, ông Tuấn cho rằng, ở các doanh nghiệp quốc tế, cổ đông lớn thường không trực tiếp tham gia vào HĐQT hay ban điều hành, dù việc tham gia cũng có những mặt tích cực. Ông tin rằng việc cổ đông lớn giữ vai trò giám sát, thay vì điều hành trực tiếp là tốt nhất khi công ty đã có hệ thống vững mạnh về công nghệ thông tin, kiểm toán nội bộ, giám sát,...
Ông Tuấn khẳng định Gelex đang tập trung củng cố hệ thống thông qua việc đầu tư vào công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Tìm kiếm các thành viên HĐQT độc lập có năng lực; Tăng cường hệ thống kiểm toán nội bộ; Đầu tư vào con người và tạo động lực phát triển cho các đơn vị thành viên.
GELEX SẼ KHÔNG GIA TĂNG SỞ HỮU TẠI VIGLACERA
Về việc gia tăng sở hữu tại Viglacera, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết Gelex đầu tư vào công ty này từ năm 2019 với giá khoảng 23.000 đồng một cổ phiếu. Hiện tại giá cổ phiếu VGC đã tăng gấp đôi. Ông Tuấn cho biết mức định giá hiện nay của Viglacera không phù hợp để gia tăng sở hữu vì giá cổ phiếu đã quá cao.
Gelex sẽ tiếp tục tìm đối tác tốt có năng lực về quản trị và tài chính để tham gia mua cổ phần tại Viglacera. Nếu không có ai mua thì Gelex vẫn sẽ làm tiếp. Gelex đã thực hiện việc tái cấu trúc Viglacera, vào để tìm ra cách làm chứ không phải đưa người vào để đại diện hay điều hành.
Tương tự, Thiết bị điện Đông Anh cũng vậy, tập đoàn không có nhu cầu tăng thêm sở hữu vì định giá quá cao, không phù hợp với chiến lược của tập đoàn.
Về HEM, theo ông Tuấn, Gelex đánh giá không còn tiềm năng nữa, Gelex đã tách mảng động cơ điện ra riêng, doanh thu giảm liên tục trong vòng nhiều năm và không thể tiếp tục đầu tư vào ngành Tập đoàn không có lợi thế. Do đó, Gelex đã tách ra một công ty riêng về sản xuất và chỉ bán phần sản xuất, còn lại phần bất động sản, và các liên doanh đều giữ lại.
Ông Tuấn cũng đánh giá HEM là một bài học của Gelex về việc chậm ra quyết định thoái vốn khỏi những đơn vị không mang lại hiệu quả. Ông cũng chia sẻ, sắp tới Gelex sẽ có những công cụ để đánh giá, kỷ luật đầu tư.
Ông Lương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch HĐQT cho biết Gelex đang nắm 65% vốn điều lệ tại Tổng CTCP Đầu tư và Phát triển KCN Dầu khí - Long Sơn (Mã: PXL). Hiện dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư và đã được điều chỉnh chủ trương đầu tư. Dự án đang trong quá trình triển khai điều chỉnh quy hoạch, lập các quy hoạch phân khu liên quan, đang thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư cho dự án. Gelex đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công năm 2026.
Ông Nguyễn Trọng Hiền, Chủ tịch HĐQT chia sẻ, dự án số 10 Trần Nguyên Hãn là đất thuê của nhà nước, diện tích khoảng 10.000 m2. Tập đoàn đầu tư tổ hợp gồm khách sạn 5 sao với 242 phòng, 9.000 m2 văn phòng, 300 m2 thương mại và 38.000 m2 gồm 8 tầng, 1 tum, 4 tầng hầm với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ.
Hiện 100% diện tích văn phòng đã có khách hàng thuê và phần diện tích thương mại của dự án sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025.
Về quỹ đất của Viglacera, Viglacera đã vận hành 14 khu công nghiệp, tổng quỹ đất của Viglacera khoảng 3.700ha, diện tích thương mại khoảng 2.700ha, đã cho thuê khoảng 1.700ha. Về cấu trúc cho các dự án KCN của Viglacera thì Viglacera không nắm 100%.