Liên quan tới trường hợp diễn viên hài Chí Tài đột ngột tử vong do đột quỵ nhiều chuyên gia khuyên rằng, có khá nhiều người có thói quen dùng thực phẩm chức năng để thay thế thuốc phòng chống đột quỵ. Thực tế đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
Cụ thể, Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho biết trên báo VnExpress, thực phẩm chức năng không được gọi là thuốc, chỉ là chất bổ sung. Một người bị tăng huyết áp, bắt buộc phải uống thuốc điều trị huyết áp, sau đó có thể cân nhắc bổ sung thực phẩm chức năng chứ không thể dùng thay thế hoàn toàn thuốc điều trị.
"Nhiều người bỏ thuốc vì cho rằng uống lâu 'bị nóng', nhiều tác dụng phụ, còn thực phẩm chức năng xuất phát từ thiên nhiên nên lành tính. Đó là quan niệm sai lầm", ông Thắng khẳng định.
Thực phẩm chức năng không thể thay thế thuốc đột quỵ. Ảnh minh họa |
Ngoài ra, để cho ra đời một loại thuốc, các nhà khoa học phải tìm hiểu nghiên cứu kỹ, thử nghiệm lâm sàng trên số lượng người dùng lớn. Đến khi kết luận an toàn, mang lại hiệu quả điều trị, thuốc mới được đưa vào sử dụng.
Cũng theo ông Thắng, hiện nay rất nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo rầm rộ, do nhiều người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng khuyên dùng. Nhiều bệnh nhân không uống thuốc, chuyển sang dùng thực phẩm chức năng theo quảng cáo dù không hiểu rõ về hiệu quả sản phẩm. Y tế là lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe, tính mạng, người bệnh cần nghe theo chỉ định dùng thuốc của thầy thuốc.
Nhiều bệnh nhân tưởng rằng đột quỵ chỉ phòng ngừa trong giai đoạn ngắn mà không hiểu phải uống thuốc suốt đời. Ông Thắng khuyến cáo, người đã bị đột quỵ, may mắn sống được hoặc phục hồi tốt, không có nghĩa là đã hết bệnh mà cần tiếp tục sử dụng thuốc để phòng bệnh. Những trường hợp này nguy cơ cao tái phát đột quỵ.
Không ít trường hợp sau khi điều trị ổn thì ngưng đi khám, ngưng uống thuốc, hoặc tự mua thuốc theo toa cũ, uống theo toa thuốc người khác mách bảo. Có bệnh nhân được bác sĩ kê đơn thuốc gồm nhiều loại, song chỉ mua một hoặc hai loại, đôi khi bỏ qua những thuốc cực kỳ quan trọng giúp phòng ngừa đột quỵ.
Ông Thắng cũng cho rằng cần tầm soát yếu tố nguy cơ trước khi bị đột quỵ, kiểm soát nó từ rất sớm. Tuy nhiên hiện nay số người đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm để tầm soát bệnh vẫn chưa nhiều.
Còn theo các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y dược, đột quỵ là căn bệnh không thể phòng ngừa bằng các thực phẩm chức năng. Do đó, việc sử dụng “vô tội vạ” các loại thực phẩm chức năng cũng rất dễ gây nên những hậu quả không tốt đối với sức khỏe. Đó là chưa kể những loại thực phẩm chức năng là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được đưa vào thị trường dưới cái tên “hàng xách tay”.
Vì vậy, khi có những biểu hiện như tức nặng ngực, đau ở ngực, khó thở, đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn, nôn, choáng váng hay chóng mặt đột ngột, nhịp tim nhanh… mỗi người cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo Chất lượng Việt Nam Online