Từ ngày 3/4/2020, chương trình “Chia sẻ thực phẩm hàng ngày, cùng nhau vượt qua Covid - 19” chính thức khởi động tại Hà Nội. Theo đó, các đối tượng khó khăn, nhóm yếu thế đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch bệnh hàng ngày sẽ được nhận một suất thực phẩm gồm 2 đến 3kg gạo, 2 đến 4 gói mì tôm, 1 hộp cá, 1 gói xúc xích, tùy thời điểm có thêm 2 quả trứng, 0,3kg lạc.
Chương trình nhận được sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để chuyển thực phẩm hỗ trợ đến tận tay đúng đối tượng khó khăn |
Chương trình sử dụng túi Kraft để đóng gói thực phẩm. Mỗi ngày chương trình phát ra khoảng 3.000 gói thực phẩm, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn hơn 50 phường thuộc 11 quận nội thành Hà Nội. Do vậy, chương trình cần số lượng lớn túi kraft thân thiện với môi trường.
Để chung tay cùng chương trình, hỗ trợ người nghèo ở đô thị đi qua đại dịch, đoàn thanh niên Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam đã trích đoàn phí, huy động các cán bộ, nhân viên phóng viên, biên tập viên… đang công tác tại Tạp chí, bạn đọc cùng tham gia gấp túi Kraft để gửi đến chương trình.
Mỗi chiếc túi giấy được in thông điệp “Nói không với rác thải nhựa”, khuyến khích người dân sử dụng túi giấy nhiều lần nhằm bảo vệ môi trường.
Những chiếc túi giấy được phóng viên Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam gấp thủ công |
Trong vòng 3 ngày từ ngày 15 – 17/4/2020, Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam cùng một số bạn đọc đã gấp được gần 5.000 túi giấy kraft, trao trực tiếp đến tổng kho Tổng kho chương trình "Chia sẻ thực phẩm hàng ngày, cùng nhau vượt qua Covid-19" - Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngõ 43 phố Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên, TP. Hà Nội.
Ngoài ra, Tạp chí cũng liên hệ các xưởng đặt hàng sản xuất thêm số lượng lớn túi giấy. Dự kiến, Tạp chí sẽ trao 10.000 túi giấy cho các chương trình chia sẻ thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sau khi đọc được thông tin gấp túi giấy để bảo vệ môi trường và chung tay đẩy lùi dịch bệnh, nhiều bạn đọc đã liên hệ với Tòa soạn để được nhận giấy mang về nhà trực tiếp gấy thành túi gửi lại chương trình |
Các cán bộ, nhân viên phóng viên, biên tập viên… Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam gấp túi giấy hỗ trợ chương trình chia sẻ thực phẩm hàng ngày |
Chia sẻ về hoạt động này, TS.LS. Đồng Xuân Thụ, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam cho biết: “Trong những năm vừa qua, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã phát động nhiều chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Đặc biệt từ năm 2019, Tạp chí đã phát động và tổ chức chương trình “Nói không với rác thải nhựa” nhằm kêu gọi mọi người dân hạn chế sử dụng túi ny-lông và các loại nhựa sử dụng một lần để cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, để chương trình này tiếp tục được lan toả mạnh mẽ hơn, Tạp chí đã có nhiều sáng kiến thiết thực như việc tặng túi giấy Kraft thân thiện với môi trường có in chữ “Nói không với rác thải nhựa” cho người dân là một ví dụ".
"Tôi nghĩ rằng, thời gian tới, những mô hình như thế này cần phải được nhân rộng hơn nữa để có thêm nhiều người, nhiều nhà cùng chung tay hạn chế, tiến tới “Nói không với rác thải nhựa”, TS. Đồng Xuân Thụ nói.
Mỗi chiếc túi giấy được in thông điệp “Nói không với rác thải nhựa”, khuyến khích người dân sử dụng túi giấy nhiều lần nhằm bảo vệ môi trường |
Là người khởi xướng chương trình "Chia sẻ thực phẩm hàng ngày, cùng nhau vượt qua Covid-19" anh Nguyễn Phan Huy Khôi chia sẻ, cá nhân anh luôn tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, ngay việc đi siêu thị, đi chợ hàng ngày gia đình anh cũng mang theo túi vài riêng để đựng đồ sau đó về giặt và tái sử dụng.
“Thời điểm đầu khởi động chương trình do mô hình ban đầu rất đơn giản, 2 vợ chồng làm tất cả, đặt hàng Vinmart, họ xuất hàng đóng gói sẵn, do đó chương trình phát thực phẩm sử dụng túi của Vinmart.
Sau đó chúng tôi đã tự làm túi giấy, Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam, nhóm nói không với túi ni lông… đã hỗ trợ túi giấy cho chương trình, bản thân tôi hiện cũng mong muốn kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng túi ni lông, hạn chế tối thiểu chứ không thể hoàn toàn không sử dụng”, anh Khôi nói.
Người khởi xướng chương trình "Chia sẻ thực phẩm hàng ngày, cùng nhau vượt qua Covid-19" anh Nguyễn Phan Huy Khôi |
Anh Khôi cũng thông tin thêm hiện chương trình đang tiến hành thảo luận cùng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam để mở rộng chương trình, nếu triển khai mở rộng chắc chắn sẽ cần thêm nhiều túi giấy, hiện nay lượng túi giấy các đơn vị tài trợ sẽ giúp chương trình kéo dài đến ngày 30/4/2020.
Trước đó, chiều ngày 17/4/2020, nghệ sĩ Xuân Bắc, Tự Long cùng một số nghệ sĩ trẻ trực tiếp đóng gói thực phẩm và kêu gọi ủng hộ chương trình “Chia sẻ thực phẩm hàng ngày, cùng nhau vượt qua Covid - 19”.
Nghệ sĩ Tự Long cẩn thận xếp từng gói thực phẩm lên xe |
Theo nghệ sĩ Tự Long, chương trình không chỉ thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách mà còn tính toán đến những ý nghĩa mang tính vĩ mô như bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng túi giấy.
Từ đó, nghệ sĩ Tự Long kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ cho chương trình, đồng thời truyền đi thông điệp hãy sử dụng túi giấy nhiều lần, hạn chế sử dụng túi ni lông nhằm bảo vệ môi trường.
Những túi thực phẩm in thông điệp “Nói không với rác thải nhựa” sẽ được chính quyền địa phương trao tận tay các đối tượng khó khăn |
Được biết, trong thời gian qua, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực, chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch bệnh Covid 19.
Gần đây nhất, Tạp chí đã trao tặng hàng chục nghìn khẩu trang y tế, nước rửa tay, trang bị bảo hộ lao động cho các công nhân vệ sinh môi trường trực thuộc công ty vệ sinh môi trường khắp 3 miền Bắc Trung Nam.
Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam cũng là đơn vị tổ chức nhiều chương trình mang ý nghĩa nhân văn, vì môi trường như cuộc thi “Nói không với rác thải nhựa”, “Vẽ tranh thiếu nhi vì môi trường”, chương trình “Cây chổi vàng”, tôn vinh những người lao động trực tiếp tham gia công việc quét rác, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
Theo Môi trường và Đô thị Việt Nam