Hà Nội, Thứ Hai Ngày 29/04/2024

Trường ngoài công lập có cần được 'giải cứu' vì dịch Covid-19?

Ngân Hà 21:34 06/03/2020

Họ cần được đối xử bình đẳng trong các chính sách với doanh nghiệp tư nhân, với các ngành nghề đang chịu tổn thất vì thảm họa chung này.

Trong bối cảnh các trường ngoài công lập cùng một số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đang gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin “giải cứu” khi đại dịch Covid-19 kéo dài, có nhiều ý kiến trái chiều. Dư luận xã hội đang hết sức chú ý: Vì lợi ích trước mắt, các chủ trường sẵn sàng mở cửa để khỏi phá sản, bất chấp sự an toàn tính mạng của học sinh và nỗ lực dập dịch của các cơ quan chức năng hay sao?

Phóng viên của báo Đất Việt đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Thị Ngân Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Victoria Thăng Long, mới thành lập năm 2019, hiện đang có 400 học sinh theo học, 82 giáo viên, nhân viên đang làm việc tại trường để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

PV:- Bà có thể cho biết rõ hơn về lí do hơn 150 đơn vị gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng để xin “giải cứu”?

PGS. TS. Nguyễn Thị Ngân Hoa: - Các trường ngoài công lập, đặc biệt là các trường mới thành lập, trường mầm non và các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ giáo dục khác cũng đều đang gặp khó khăn, giống như các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu… Họ cũng mong muốn có được sự quan tâm và hỗ trợ từ nhà nước.

Điều đó là bình thường. Đó là mong muốn chung, tuy nhiên cần có cách đặt vấn đề chuẩn xác và xử lý thông tin một cách đúng đắn hơn. Nhưng họ không làm gì sai trái hay vi phạm đạo đức nghề nghiệp gì cả. Họ cần được đối xử bình đẳng trong các chính sách với doanh nghiệp tư nhân, với các ngành nghề đang chịu nhiều tổn thất vì thảm họa chung này. Đặc biệt, đây là lĩnh vực đầu tư cho con người, phát triển nguồn nhân lực bền vững.

PV: - Nhưng đâu phải chỉ có các trường ngoài công lập và các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục gặp khó khăn, thưa bà? Rất nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác cũng có nguy cơ phá sản và gặp nhiều rủi ro không kém?

PGS. TS. Nguyễn Thị Ngân Hoa: - Đúng thế! Chính vì vậy chính phủ cũng cần xem xét và hỗ trợ lĩnh vực giáo dục ngoài công lập ở mức độ hợp lý, bình đẳng với các lĩnh vực đầu tư khác: giảm thuế thu nhập, tăng thời gian miễn thuế trong giai đoạn đầu tư ban đầu, cho vay với lãi suất thấp để duy trì việc trả lương hợp lý cho giáo viên và đảm bảo cơ sở vật chất ổn định cho nhà trường. Nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của một nhà trường, nhất là các trường phổ thông rất cần sự bền vững và ổn định. Giáo viên cần được đảm bảo đời sống trong thời gian này để yên tâm làm việc khi quay trở lại trường.

PV: - Phải chăng một biện pháp để chống đỡ với việc thất thu, phá sản cho các trường là mở cửa trường sớm khi chưa an toàn? Có mạo hiểm quá không thưa bà?

PGS. TS. Nguyễn Thị Ngân Hoa: - Hình như có sự hiểu sai về vấn đề này. Các trường chỉ kiến nghị là mở cửa khi đảm bảo được điều kiện an toàn. Nếu trường nào thực sự cam kết được như vậy thì các cơ quan chức năng có thể xem xét. Nhưng là một người trực tiếp quản lý nhà trường, tôi sẽ không mở cửa khi thấy chưa an toàn, chưa có sự chỉ đạo rõ ràng từ các cấp có thẩm quyền và chưa thực sự thống nhất với phụ huynh để có giải pháp tốt hơn. Có sức khỏe và an toàn thì mới học tập và phát triển lâu dài được.

Phải rất thận trọng chứ không thể mạo hiểm. Trong thời gian qua vì liên tục có công bố rằng Việt Nam không có thêm ca nhiễm mới, không ai chết vì Covid19 nữa nên có thể một số trường cho rằng đã có khả năng an toàn.

PV: - Các trường không có nguồn lực dự trữ phòng ngừa rủi ro gì hay sao mà mới có hai tháng không thu và phải trả lương giáo viên đã cần “giải cứu” nhà trường ngoài công lập? Dư luận đang bức xúc về vấn đề này. Nhà nước còn cần phải cứu những doanh nghiệp lớn hơn, có nhiều ảnh hưởng hơn.

PGS.TS. Nguyễn Thị Ngân Hoa: - Các doanh nghiệp lớn đương nhiên phải có nguồn lực dự trữ mà còn khó khăn thì doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư giáo dục hay trường ngoài công lập cũng thế. Tiền thuê đất, tiền xây trường, tiền trả lương giáo viên, đầu tư xây dựng chương trình, nâng cấp cơ sở hạ tầng trường học hằng năm… của trường ngoài công lập hiện tại chỉ có 2 nguồn: nguồn vốn của nhà đầu tư và nguồn thu từ học phí. Như vậy, cũng như mọi doanh nghiệp khác, khi không có nguồn thu thì doanh nghiệp sẽ phải chịu rủi ro rất cao.

Mức độ rủi ro và những hệ lụy về mặt xã hội khi một trường học phải đóng cửa không kém gì bất kỳ một doanh nghiệp lớn nào. Để vận hành tốt, nguồn nhân lực cần đầu tư của trường ngoài công lập khá lớn: 10 học sinh cần 1 giáo viên, tỷ lệ của các trường mới thành lập còn cao hơn: 5-6 học sinh phải có 1 giáo viên để đảm bảo chất lượng dạy học và phục vụ. Thời gian đầu tư ban đầu và chịu lỗ của các trường rất dài. Nên nguồn vốn có thể cạn kiệt là điều bình thường nếu đại dịch kéo dài 6 tháng.

Cần chú ý là các trường mong muốn được hỗ trợ lãi suất hợp lý như các doanh nghiệp khác chứ không phải đi xin tiền. Không nên làm sai lệch vấn đề. Đầu tư cho giáo dục cần được ưu tiên như mọi ngành mũi nhọn khác.

PV: - Trong thời gian này trường bà thực hiện chính sách lương như thế nào cho giáo viên? Đã có giáo viên nào bị buộc nghỉ việc hay không trả lương vì dịch bệnh tại cơ sở của bà chưa?

PGS. TS. Nguyễn Thị Ngân Hoa: - Chúng tôi thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng. Nhà trường gửi thông báo rõ ràng tới từng giáo viên. Trong tháng 2, chúng tôi trả 70% lương theo hợp đồng vì giáo viên không đứng lớp trực tiếp. Khi giáo viên quay lại trường dạy học và dạy bù trong tháng 6 như quy định của Nhà nước, chúng tôi thanh toán đủ theo hợp đồng.

Trong tháng 3, được nghỉ phép trước, GV lĩnh lương trung bình tương tự như các giáo viên trường công lập (từ quỹ lương của trường). Cần đảm bảo duy trì đời sống bình thường cho giáo viên: đủ trả tiền nhà, tiền sinh hoạt phí cơ bản khác.

PV:- Nhà trường có dự định kêu gọi phụ huynh học sinh hỗ trợ để trả lương giáo viên tốt hơn không?

PGS. TS. Nguyễn Thị Ngân Hoa: - Trong điều kiện bình thường, trường ngoài công lập và các phụ huynh chọn trường ngoài công lập cho con thực sự đã có ý thức tự gánh vác trách nhiệm, chia sẻ gánh nặng ngân sách với Nhà nước rồi. Thời gian này phụ huynh nghỉ việc trông con cũng rất khó khăn về tài chính. Chúng tôi không thể đẩy rủi ro thêm cho phụ huynh. Nhà trường và Thầy Cô sẽ vượt qua những khó khăn này.

Nhưng chúng tôi cần sự bình đẳng về chính sách đối với giáo viên và học sinh, phụ huynh các trường ngoài công lập. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư giáo dục không phải để “giải cứu” các chủ trường, mà để hỗ trợ về tinh thần và vật chất (dù là rất ít) cho GV, phụ huynh học sinh và tất cả các học sinh. Chỉ cần sự hỗ trợ từ chính phủ bằng 30-50% so với các học sinh và giáo viên của trường công là đã rất quý rồi.

PV: - Cảm ơn bà vì những chia sẻ thẳng thắn này!

Theo Đất Việt

Link gốc : https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/truong-ngoai-cong-lap-co-can-duoc-giai-cuu-vi-dich-covid-19-3398088/?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30

Bạn đang đọc bài viết Trường ngoài công lập có cần được 'giải cứu' vì dịch Covid-19? tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội