Vào ngày 29-3, Sở Y tế và Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam về quy trình mua hệ thống máy xét nghiệm Real-time PCR với mức giá 7,23 tỉ đồng. Báo cáo này cũng đã được 2 đơn vị trên trình bày công khai tại cuộc họp của UBND tỉnh Quảng Nam chiều 29-4.
Máy xét nghiệm giá 7,56 tỉ đồng tương đối hợp lý?
Trong báo cáo của mình, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết kể từ ngày 6-3, khi phát hiện ca bệnh thứ 17, cả nước bước vào giai đoạn 2 phòng chống dịch với nhiều khó khăn, thách thức. Quảng Nam ở trong tình huống nguy cơ xảy ra dịch cao khi phải liên tục cách ly, giám sát và thực hiện xét nghiệm các trường hợp liên quan đến các ca bệnh 17, 22, 23, 30 ở các tỉnh khác, các ca bệnh 31, 33 và 57 ở tỉnh này. Trong khi đó, việc gửi mẫu vào Viện Pasteur Nha Trang phải chờ đợi lâu, từ 2,5-3 ngày mới có kết quả khiến việc sớm phát hiện và quản lý các trường hợp F0, F1, F2 gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam bật khóc tại cuộc họp chiều 29-4 Ảnh: Hoài Nam |
Trước tình hình này, yêu cầu đặt ra là tỉnh Quảng Nam phải có máy để xét nghiệm tại chỗ. Máy đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế: hiện đại, đồng bộ, kết quả chính xác, công suất đảm bảo đáp ứng nhu cầu cần xét nghiệm, tự động để giảm công đoạn thao tác ngoài máy, khép kín để đảm bảo môi trường an toàn, hạn chế tối đa việc lây nhiễm từ bệnh phẩm cho nhân viên y tế.
Ngày 13-3, Sở Y tế Quảng Nam có tờ trình về việc thẩm định phân bổ kinh phí và kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động.
Sở đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn vì nếu thực hiện đấu thầu rộng rãi theo quy định phải mất từ 20-30 ngày, không đảm bảo kịp thời việc cung ứng thiết bị để phòng chống dịch.
Về giá gói thầu, Sở Y tế Quảng Nam cho hay đã tham khảo giá của 3 đơn vị, gồm: Công ty TNHH Thương mại Tâm Long giá 9,328 tỉ đồng, Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Y tế Việt giá 9,7 tỉ đồng, Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt 7,56 tỉ đồng.
Máy xét nghiệm 7,23 tỉ đồng ở Quảng Nam |
Về quy trình tổ chức, lựa chọn nhà thầu, ngày 25-3, sau một ngày UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phân bổ dự toán ngân sách cho Sở Y tế, sở này đã gửi dự thảo hợp đồng và mời thương thảo hợp đồng đến Công ty Giải Pháp Việt (đơn vị có báo giá thấp nhất).
Ngày 27-3, Sở Y tế và Công ty Giải Pháp Việt tiến hành thương thảo hợp đồng. Theo đơn đề xuất của Công ty Giải Pháp Việt, giá của thiết bị là 7,33 tỉ đồng, sở đã đàm phán giảm giá xuống còn 7,23 tỉ đồng. Cùng ngày, Sở Y tế có quyết định về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu trên với giá trúng thầu là 7,23 tỉ đồng.
Không có báo giá thấp hơn
Báo cáo của ông Phan Văn Chín, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam, cho hay thực hiện các văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Tài chính tiến hành khảo sát giá của gói thầu dựa theo các hồ sơ kèm theo tờ trình ngày 13-3 của Sở Y tế.
Trong hồ sơ, Sở Y tế cung cấp bảng báo giá của 3 công ty Giải Pháp Việt (7,56 tỉ đồng), Tâm Long (9,328 tỉ đồng), Y tế Việt (9,7 tỉ đồng). Ngay trong ngày 16-3, chuyên viên của Sở Tài chính có điện thoại trao đổi với đại diện công ty ở Đà Nẵng là đơn vị cung cấp máy cho Đà Nẵng, Kon Tum, Đắk Lắc, Bình Định, Quảng Trị (máy xét nghiệm bán tự động). Ngày 17-3, đơn vị này báo lại không đáp ứng được yêu cầu về cấu hình kỹ thuật mà Sở Y tế Quảng Nam đề xuất là máy xét nghiệm tự động nên đơn vị không báo giá.
Ông Nguyễn Văn Hai (trái) và ông Phan Văn Chín, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam tại cuộc họp chiều 29-4 |
Chuyên viên Sở Tài chính có điện thoại trao đổi thêm một số người hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị y tế nhưng không có đơn vị nào cung cấp báo giá được vì máy móc thiết bị của đơn vị hoặc là không theo đúng cấu hình hoặc không có hàng kịp thời.
Riêng Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông (chi nhánh miền Nam) cung cấp báo giá với các cấu hình máy móc theo đề xuất của Sở Y tế với giá hơn 7,885 tỉ đồng. Chuyên viên Sở Tài chính đề nghị đại diện công ty giảm giá thấp hơn giá của Công ty Giải Pháp Việt, người đại diện này nói sẽ làm việc với cấp trên nhưng ngày sau đó, chuyên viên Sở Tài chính gọi điện lại không thấy anh này nghe máy.
Chuyên viên Sở Tài chính điện thoại cho lãnh đạo Công ty Giải Pháp Việt chi nhánh Đà Nẵng trao đổi về gói thầu và đề nghị giảm giá nhưng người này nói không thể giảm giá.
Chuyên viên Sở Tài chính có tham khảo hợp đồng ký ngày 29-7-2019 (thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát) của Học viện Quân y mua một số máy móc thiết bị y tế phục vụ cho công tác xét nghiệm (có cấu hình giống nguyên cấu hình máy của Sở Y tế Quảng Nam yêu cầu), có giá 9,328 tỉ đồng.
Sở Tài chính cho rằng trước tình hình cấp bách mua máy để phòng chống dịch, qua quá tình tham khảo giá nhưng không có đơn vị nào cung cấp được và không có báo giá thấp hơn báo giá mà Sở Y tế đã cung cấp nên Sở Tài chính tham mưu đề xuất lấy theo báo giá thấp nhất trong 3 báo giá Sở Y tế cung cấp là 7,56 tỉ đồng.
Tại cuộc họp ngày 29-4, bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Công ty Giải Pháp Việt đưa ra đề xuất bán máy cho tỉnh Quảng Nam từ 7,23 tỉ đồng giảm xuống còn 4,853 tỉ đồng. Nguyên nhân là vì đơn vị bán cho công ty bà giảm giá và công ty bà muốn lãi 0 đồng để đóng góp cho tỉnh Quảng Nam chống dịch, "vì cái tình".
Bà Lê Thị Tuyền, Giám đốc Công ty Giải Pháp Việt nói muốn giảm giá máy xuống 4,853 tỉ đồng vì cái tình Ảnh: Thanh Đức |
Còn ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nói muốn trả lại máy cho Công ty Giải Pháp Việt. Hiện, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định yêu cầu thanh tra việc mua sắm hệ thống máy này, kết luận trước ngày 20-5.
Theo Người Lao Động