Tự nhận cung cấp dịch vụ chứng nhận
Đối với doanh nghiệp, việc áp dụng ISO mang lại nhiều lợi ích như giúp lãnh đạo quản lý hoạt động khoa học và hiệu quả, củng cố uy tín lãnh đạo; Cải thiện hiệu quả kinh doanh, tăng lợi nhuận nhờ sử dụng hợp lý các nguồn lực, tiết kiệm chi phí; Kiểm soát chặt chẽ các công đoạn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Sản phẩm có chất lượng ổn định hơn, nâng cao năng suất, giảm phế phẩm và chi phí không cần thiết; Tăng sản lượng do kiểm soát thời gian trong quá trình sản xuất; Kiểm soát chất lượng nguyên vật liệu đầu vào do kiểm soát được nhà cung cấp...
Chứng chỉ ISO còn góp phần nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt khách hàng, nhân viên và cổ đông công ty, cung cấp lợi thế cạnh tranh của một tổ chức trong thương mại. Nhận thức được lợi ích thiết thực từ việc áp dụng cũng như phấn đấu đạt chứng nhận ISO, thời gian qua, không ít doanh nghiệp đã nỗ lực thay đổi, cải tiến quá trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn ISO. Sau thành công của quá trình đổi mới chính mình, nhiều doanh nghiệp đã nhận được chứng nhận ISO từ các tổ chức chứng nhận được cấp phép.
Trung tâm Chứng nhận chất lượng và Phát triển doanh nghiệp (QCC), có địa chỉ tại số 6 - TT3, khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.
Trong quá trình này, không ít doanh nghiệp đã tìm đến các công ty có chức năng chứng nhận ISO để hỗ trợ quá trình thực hiện dự án ISO từ khâu khảo sát, đánh giá đến khi đạt được chứng nhận. Đáp ứng nhu cầu này, tại Việt Nam, nhiều tổ chức chứng nhận ISO đã ra đời.
Tuy nhiên, do chứng nhận là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên các tổ chức, doanh nghiệp trước khi kinh doanh dịch vụ chứng nhận bắt buộc phải đăng ký hoạt động theo Nghị định 107/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp. Sau khi nộp và hoàn thiện hồ sơ theo quy định pháp luật, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chứng nhận sẽ được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận. Kèm theo đó là danh mục sản phẩm hàng hoá đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận. Giấy chứng nhận do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thể hiện rõ tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chứng nhận được phép chứng nhận những loại sản phẩm, hàng hoá nào.
Tại Việt Nam, đa phần doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chứng nhận đã đảm bảo thực hiện đầy đủ quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, thời gian qua, có hiện tượng một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận chưa tuân thủ quy định này. Cá biệt có trường hợp chưa đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận theo Nghị định 107 nhưng đã tiến hành chứng nhận hoặc không trung thực về năng lực chứng nhận. Điều này khiến khách hàng, người tiêu dùng và dư luận không khỏi bức xúc.
Thông qua đường dây nóng, toà soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh về trường hợp Trung tâm Chứng nhận chất lượng và Phát triển doanh nghiệp (QCC), có địa chỉ tại số 6 - TT3, khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội mập mờ trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn, chứng nhận ISO cho khách hàng. Tìm hiểu được biết, Trung tâm QCC thành lập theo quyết định số 595 /QĐ-LHHVN ký ngày 19 tháng 7 năm 2022 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và hoạt động theo Giấy phép số A-2509 ký ngày 18 tháng 8 năm 2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Người đại diện của Trung tâm này là ông Tạ Quang Kiên.
Trung tâm chứng nhận QCC quảng cáo các dịch vụ nổi bật bao gồm chứng nhận ISO (9001:2015, 45001:2018, 14001:2015 và 13485). Tuy nhiên, QCC hiện chưa có giấy phép, do đó chưa được phép chứng nhận những hệ thống ISO này.
Theo giấy phép trên, Trung tâm QCC được phép hoạt động trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ cụ thể. Một là nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài, dự án, chương trình trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hoá, kiểm định chất lượng sản phẩm, chứng nhận hệ thống quản lý, sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn, chống gian lận thương mại và phát triển thương hiệu. Hai là thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ: tư vấn, phản biện khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu nêu trên. Ba là, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm.
Giấy phép cũng nêu rõ, đối với những lĩnh vực hoạt động có điều kiện theo quy định của pháp luật, trước khi thực hiện phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này có nghĩa, nếu muốn kinh doanh dịch vụ chứng nhận ISO, Trung tâm QCC bắt buộc phải có giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, tuân thủ theo đúng quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP.
Mặc dù chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận nhưng theo phản ánh, thời gian qua, Trung tâm QCC vẫn tiến hành quảng cáo, thậm chí nhận làm chứng nhận ISO cho khách hàng. Điều đáng nói, sau khi nhận làm ISO cho khách hàng, QCC lại đẩy việc này sang tổ chức chứng nhận khác. Có trường hợp khách hàng phản ánh, sau khi nhận làm chứng nhận ISO, phía Trung tâm chứng nhận QCC tìm cách kéo dài thời gian, không trả quyền lợi (giấy chứng nhận ISO) cho khách hàng theo như đã hứa hẹn. Việc này đem lại rủi ro lớn cho khách hàng bởi họ không biết rằng QCC không có chức năng chứng nhận ISO do chưa được cấp phép.
Doanh nghiệp đang chờ cấp phép
Để có thông tin khách quan về sự việc, trong vai khách hàng, phóng viên đã liên hệ với người đàn ông tên Hải (tự nhận là quản lý chung của QCC). Phóng viên bày tỏ nhu cầu muốn làm chứng nhận ISO (ISO 9001:2015, ISO 45001:2018, ISO 13485:2016), không ngần ngại, ông Hải nhận mình có khả năng làm được chứng nhận ISO này. Đồng thời, ông Hải báo giá, 3 chứng nhận ISO có giá 68 triệu đồng (nếu làm cả 3 cùng lúc thì mức giá giảm còn 60 triệu đồng). Thời gian được nhận chứng nhận là 20 ngày làm việc (trừ thứ 7, chủ nhật).
Khi phóng viên ngỏ ý muốn xem mẫu giấy chứng nhận mà Trung tâm chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (QCC) cấp cho doanh nghiệp, ông Hải lại gửi cho phóng viên mẫu giấy chứng nhận ISO 9001:2015 do Công ty Cổ phần chứng nhận Quốc gia Good Việt Nam cấp.
Khi phóng viên hỏi tại sao phía QCC nhận làm chứng nhận ISO nhưng giấy chứng nhận lại của một đơn vị khác thì ông Hải giải thích: "Bên em hiện tại chỉ đóng vai trò chuyên gia, tư vấn, còn cấp bên em có tổ chức chứng nhận riêng, hoạt động lâu rồi. QCC bên em cũng mới thành lập thêm".
Đến lúc này, phóng viên mới hiểu rõ tính chất của sự việc. Đó là khi khách hàng liên hệ, QCC nhận làm được chứng nhận ISO, tuy nhiên, sau đó, QCC sẽ chuyển việc làm chứng nhận sang một tổ chức chứng nhận khác.
Trên thực tế, việc QCC tư vấn cho khách hàng về chứng nhận ISO không có gì sai. Tuy nhiên, cách làm này khiến khách hàng không khỏi băn khoăn. Bởi lẽ ra ngay từ đầu QCC phải giải thích rõ với khách hàng rằng Trung tâm chỉ tư vấn, không cấp chứng nhận để khách hàng hiểu và có lựa chọn phù hợp. Chính sự mập mờ này khiến khách hàng và dư luận không khỏi bức xúc, thậm chí cho rằng QCC đang "treo đầu dê, bán thịt chó". Giả sử QCC đẩy yêu cầu làm chứng nhận sang một đơn vị khác không có uy tín, rủi ro sẽ thuộc về khách hàng. Hơn nữa, việc phải thông qua một đơn vị trung gian với cách làm việc như trên khiến khách hàng cảm thấy không thoả đáng.
Với mong muốn đi đến tận cùng sự việc, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Quang Kiên, người đại diện pháp luật của QCC. Ông Kiên cho biết, Trung tâm QCC hiện mới đang làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận. Hồ sơ đã được nộp tại Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) nhưng chưa được duyệt. Do đó, tính đến thời điểm hiện tại, QCC chưa được phép kinh doanh dịch vụ chứng nhận.
Nhìn vào sự việc có thể thấy, rõ ràng QCC dù chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận nhưng vẫn tự nhận với khách hàng rằng Trung tâm này có khả năng làm chứng nhận ISO. Thậm chí, còn mập mờ trong cách tư vấn, không giải thích rõ cho khách hàng về khả năng của Trung tâm. Câu hỏi đặt ra là, liệu Trung tâm chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp QCC có đang "gài bẫy" khách hàng? Khách hàng liệu có nhận rủi ro pháp lý cũng như những phát sinh chi phí không đáng có khi thông qua QCC?