Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

'Ổn định để du lịch dần phục hồi'

NGƯỜI ĐƯA TIN 10:12 07/03/2022

Mặc dù dịch bệnh kéo dài và gây ra những thiệt hại nặng nề nhưng các doanh nghiệp du lịch vẫn đang nỗ lực vượt qua, đợi du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn ngày 15/3.

Chia sẻ với Người Đưa Tin về lộ trình mở cửa du lịch từ nay đến ngày 15/3, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) cho biết: "Tổng cục Du lịch đang phối hợp với các Sở Du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để hoàn thiện các bước mở cửa hoàn toàn và chúng tôi cũng cần các doanh nghiệp chung tay để việc mở cửa này thuận lợi.

Văn hoá - 'Ổn định để du lịch dần phục hồi'

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL).

Hiện tại, có 3 vấn đề mấu chốt để du lịch phục hồi và phát triển là: An toàn - Mở - Đồng bộ. Trong đó, yếu tố an toàn là tiên quyết quyết định đến yếu tố "mở”. Với các doanh nghiệp du lịch đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh trong 2 năm qua nên việc mở cửa chính là giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp. Mở cửa ở đây chính là kết nối giao thông, thị trường khách…".

Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, đơn vị đã có những hỗ trợ doanh nghiệp lúc này như mang thị trường về cho doanh nghiệp, mang khách đến cho điểm đến. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn phải có sự đồng bộ, nhất quán giữa các địa phương, các ngành. Nếu một số địa phương cát cứ, quy định không thông suốt, không thể nối tour thì khách không đến được, có khi khách đến thì không về được.

Ông Hà Văn Siêu cho hay, vấn đề đảm bảo an toàn và mở cửa có thực hiện được hay không phụ thuộc lớn vào sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ban, ngành, các địa phương, điểm du lịch, doanh nghiệp. Để ngành du lịch phát triển bền vững trong bối cảnh bình thường mới, ông Hà Văn Siêu cho rằng, ngành du lịch tiếp tục cơ cấu lại phát triển theo xu hướng mới về điểm đến, sản phẩm du lịch xanh, thiên nhiên. Đặc biệt, cần khai thác các thế mạnh của Việt Nam về văn hóa, du lịch đêm, kinh tế chia sẻ…

Nói về việc chuẩn bị đón khách du lịch từ 15/3, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị - Công ty Du lịch Vietravel cho biết: "Chúng tôi đã sẵn sàng các công tác chuẩn bị, chỉ chờ khách đến là phục vụ. Vietravel đã hoàn thiện các bộ sản phẩm phù hợp với các yêu cầu trong chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế và đáp ứng các yêu cầu đi du lịch của du khách tại các thị trường Đông Nam Á, Trung Đông, Mỹ, châu Âu... Đồng thời tăng cường công tác tiếp thị đến các đối tác và khách hàng ở những thị trường nói trên. Chúng tôi cho rằng, cả khách quốc tế và nội địa đều đáng quý như nhau. Bên cạnh việc đón khách quốc tế vào Việt Nam (Inbound), chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ và các cơ quan ban ngành nhanh chóng đưa ra chính sách hỗ trợ việc đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài (Outbound) theo hình thức hợp tác song phương giữa Việt Nam và các quốc gia".

Bà Khanh cũng cho hay, cuối tháng 2, Vietravel đã có đoàn 180 khách đi hành hương Ấn Độ, khởi hành từ Hà Nội vào ngày 26/2 và đoàn khoảng 45 khách đi Dubai khởi hành từ TP.HCM vào ngày 4/3. Đây cũng là 2 đoàn khách du lịch nước ngoài đầu tiên của Vietravel trong năm 2022.

Văn hoá - 'Ổn định để du lịch dần phục hồi' (Hình 2).

Ngày 15/3 sắp tới là mốc quan trọng của ngành du lịch Việt Nam.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam thì chia sẻ: "Trong bối cảnh mới, chúng ta cần xác định "sống chung với dịch" một cách an toàn. Lúc này, các địa phương và các đơn vị kinh doanh du lịch xây dựng sản phẩm phù hợp với tình hình mới, bảo đảm đưa khách đi du lịch an toàn khép kín từ “vùng xanh” đến “vùng xanh”, nói cách khác là thực hiện mô hình “bong bóng du lịch”, để làm sao cho việc mở cửa được đồng bộ, du khách được tạo điều kiện hết sức và cảm thấy thoải mái, họ sẽ quay lại Việt Nam nhiều lần nữa".

Nói về tính cấp thiết trong việc mở cửa du lịch, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho hay: "Ngay từ giữa năm 2021, chúng tôi đã chuẩn bị các công tác để đón khách du lịch. Theo khảo sát của chúng tôi, khách du lịch ở các thị trường như: Anh, Pháp, Đức... sẵn sàng trở lại Việt Nam du lịch. Hiện các sản phẩm có thể đón khách ngay khi mở cửa là nghỉ dưỡng du thuyền, kết hợp tham quan vùng núi phía Bắc...

Không chỉ doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở lưu trú cũng trông mong rất nhiều vào thị trường khách quốc tế. Chúng tôi mong lượng khách quốc tế và nội địa sau ngày 15/3 là ổn định để du lịch dần phục hồi".

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, có tới 90-95% số lượng doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động. Các khách sạn hầu như không có khách trừ một số cơ sở đón khách cách ly. Tổng số cơ sở lưu trú du lịch trong toàn quốc là 38.000 với 780.000 buồng, công suất phòng trung bình năm ước tính chỉ đạt 5%. Nhân lực ngành du lịch đa số bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng, một số khác phải chuyển đổi ngành nghề. Vì vậy, để vực lại ngành kinh tế "không khói", du lịch Việt Nam cần có thời gian và cần các chính sách ưu tiên, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch có thể hồi sinh mạnh mẽ.

Văn hoá - 'Ổn định để du lịch dần phục hồi' (Hình 3).

Bộ VH,TT&DL sẽ tạo điều kiện mọi mặt cho doanh nghiệp du lịch, lữ hành Việt Nam phát triển.

Trước tình hình thực tế này, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết, Bộ đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023, trong đó coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng. Các doanh nghiệp du lịch dịch vụ nắm bắt tốt các cơ hội sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành du lịch. Các địa phương cần tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ cho giai đoạn tăng trưởng mới, hỗ trợ người lao động dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ và tham gia đào tạo nghề, bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm đến du lịch

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/on-dinh-de-du-lich-dan-phuc-hoi-a544640.html

Bạn đang đọc bài viết 'Ổn định để du lịch dần phục hồi' tại chuyên mục Nghe xem đọc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Nghe xem đọc