Bản nghèo bị “mắc kẹt” giữa biên cương
Nậm Cười là một bản nghèo xa xôi của xã vùng biên Hua Bun (Nậm Nhùn, Lai Châu). Bản nằm đơn độc giữa thung lũng, cách trung tâm xã hơn 70km. Cách đây vài tháng, chính quyền đã san gạt một con đường đất băng qua các dãy núi để nối bản với thế giới bên ngoài. Con đường khá bé, trơn trượt, nhiều đoạn xói lở nghiêm trọng, người dân cho biết nếu chỉ cần mưa nhỏ là con đường này bị chia cắt hoàn toàn, không thể vượt qua, bản coi như bị cô lập. Nậm cười có hơn 30 nóc nhà với khoảng 150 nhân khẩu, dân bản đều là người dân tộc thiểu số. Đến nay, Nậm Cười vẫn là một bản “trắng” nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Một góc Nậm Cười |
Dù chính quyền có quan tâm nhiều nhưng vì điều kiện hạn chế, hiện Nậm Cười vẫn chưa có điện, không có nước sạch, không có trạm y tế, không có nhà văn hóa, người dân vẫn đi lại trên đường đất gồ ghề, trượt lở. Từ bậc tiểu học, các cháu nhỏ sẽ phải đi học xa nhà hơn 70km, vì thế mà non nửa trẻ em nơi đây không học đến cấp 3. Nếu chẳng may có người trong bản đau ốm, nếu ngày nắng ráo thì còn có thể đưa đi ra ngoài thăm khám, trời mưa thì đành chịu.
Không có điện để làm tiểu thủ công nghiệp, cũng chẳng có đường để giao thương buôn bán, các phương tiện truyền thông đại chúng với dân bản vẫn là thứ lạ lẫm. Bị những thiếu thốn “trói chân”, người dân Nậm Cười không có công việc gì ngoài làm lúa nương. Nhưng trong thung sâu núi dốc này đất trồng trọt cũng chẳng có nhiều.
Tính bình quân mỗi người cũng chỉ có hơn 250m2 đất canh tác, lại không có hệ thống thủy lợi để tưới tiêu, mỗi năm nương chỉ làm được một vụ với năng suất thấp.
Cuộc sống của dân bản khó lại càng thêm khó. Tỷ lệ hộ nghèo trong bản gần như tuyệt đối, chỉ có vài hộ được miễn cưỡng cho vào diện thoát nghèo. Bao trùm lên thung lũng Nậm Cười là bầu không khí u uấttĩnh mịch, ít tiếng nói cười. Dân bản đời này sang đời khác sống lặng lẽ giữa nơi thâm sơn cùng cốc với nỗi buồn chốn biên cương.
Đổi thay vẫn chỉ là mơ ước
Tâm sự với PV, ông Nguyễn Văn Cao (Chủ tịch xã Hua Bun) kể: “Tôi vốn người dưới xuôi nhưng lên đây công tác đã 15 năm rồi. Dù điều kiện cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện nhưng vẫn còn hết sức khó khăn.Nậm Cười nằm trái nẻo bên kia núi, cách trung tâm xã quá xa. Vừa rồi nhà nước có mở một con đường vào đây, điện lưới thì vẫn chưa có. Chúng tôi từng nghĩ đến chuyện làm tua bin nước nhỏ cấp điện cho bà con, nhưng chi phí lắp đặt và vận hành tại địa phương cũng rất cao, hiệu quả lại không tương xứng nên rất khó triển khai. Đến nay hầu hết dân bản chưa có điện thắp sáng. Chính quyền cũng đã cố gắng hết sức để khắc phục những khó khăn đó, nhưng bản vẫn còn thiếu thốn nhiều thứ. Không có điện nên người dân ít có điều kiện tiếp xúc với các thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Bản không có nước sạch, vì thế sức khỏe người dân cũng không đảm bảo…”
Ông Nguyễn Văn Cao |
“Chỉ mong cho cuộc sống người dân mỗi ngày một đầy đủ, điều kiện sống được nâng cao. Mỗi lần thấy dân bản xây dựng được một cái gì tôi lại thấy vui như chính nhà mình xây dựng được. Mỗi lần thấy dân bản tiến bộ tôi lại thấy sung sướng như chính mình tiến bộ. Gắn bó với mảnh đất này đã lâu, như quê hương của mình, nhìn nó thay đổi từng ngày và mong nó thay đổi từng ngày”, ông Cao tâm sự về tình cảm của mình với rẻo cao biên giới mà ông gắn bó.
Ông Cao cho biết với nguồn ngân sách hạn chế, rất khó để chính quyền có thể bố trí nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất cho Nậm Cười.
Nước sạch, đường sá và điện là những cơ sở vật chất thiết yếu để nâng cao sức khỏe và cải thiện đời sống người dân. Vị chủ tịch xã mong rằng có đơn vị, cá nhân nào biết được sự khó khăn của dân bản để có thể hỗ trợ.
“Nếu không có tấm lòng hảo tâm của đơn vị từ thiện nào thì có lẽ những thứ đơn giản đó với dân bản sẽ mãi chỉ là điều ước”, ông Cao tâm sự.