Vào những ngày này của 15 năm trước, tháng 12/2005, Bộ Văn hoá – Thông tin (tiền thân của 2 Bộ hiện nay: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông) đã bình chọn 2 tác phẩm “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” là 1 trong 10 sự kiện Văn hóa tiêu biểu của năm 2005. Đó là 2 cuốn nhật ký đã tạo nên hiện tượng xã hội hiếm có, với hàng triệu bản in đã được phát hành, cùng phong trào “Tiếp lửa truyền thống Mãi mãi tuổi 20” của các cựu chiến binh và tuổi hệ trẻ cả nước suốt một thời gian dài… 15 năm trôi qua (2005 – 2020) đã có thêm nhiều tác phẩm Nhật ký chiến trường được công bố, đặc biệt là sự ra đời của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1000 trang, của 31 tác giả do Nhà văn cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chủ biên.
Nhân kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2020) và 31 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2020); Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật, gặp gỡ nhân chứng lịch sử mang tên “Kiên cường Việt Nam” và Lễ công bố 2 kỷ lục Quốc gia tôn vinh giá trị bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”.
Tham dự sự kiện này, có TSKHQS. AHLLVTND, Trung Tướng Đoàn Sinh Hưởng - Chủ tịch Hội Đồng Quản lý Quỹ; bà Trần Hồng Dung – Phó Chủ tịch Thường trực và các thành viên Hội đồng Quản lý cùng Ban Giám đốc Quỹ; Đại diện lãnh đạo, Hội Cựu chiến binh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Đặc biệt, sự kiện còn có sự tham gia của 2 cựu chiến binh, là nhân chứng lịch sử đến từ Quảng Ngãi: Thương binh Huỳnh Đoàn Sang và cựu chiến binh Nguyễn Tấn Một, đều là bạn chiến đấu của chị Đặng Thuỳ Trâm tại địa bàn Đức Phổ ác liệt năm xưa. Anh Huỳnh Đoàn Sang là thương binh được chị Thùy trực tiếp mổ ruột thừa. Chị Thùy nhắc đến anh Sang ngay trang đầu tiên của Nhật ký. Anh Nguyễn Tấn Một là y tá ở cùng bệnh xá chị Trâm phụ trách.
“Nhật ký thời chiến Việt Nam” là một bộ sách đồ sộ, mang tính nhân văn sâu sắc, được xem như là “một công trình tượng đài di sản phi vật thể” (chữ dùng của TSKHQS. AHLLVTND Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”); là bộ hồ sơ đặc biệt về Văn hoá Việt Nam và Chiến tranh Giải phóng dân tộc (Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam).
Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang gồm 31 nhật ký của 31 tác giả, do nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng làm chủ biên; Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” phối hợp với CLB “Trái tim Người lính” tổ chức bản thảo, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép ấn hành.
Bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” là công trình tâm huyết được thực hiện trong thời gian 16 năm (2004 – 2020) của CCB nhà văn Đặng Vương Hưng, cùng Nhóm cộng sự: Bà Trần Hồng Dung (Phó Chủ tịch thường trực Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”); TS. LS Đồng Xuân Thụ (Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam); TS. Nhà văn Phạm Việt Long (Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam); Nhà thơ Bùi Minh Quốc (nguyên Chủ tịch Hội VH-NT Lâm Đồng); CCB, Nhà báo Ngô Văn Học (nguyên Tổng biên tập Báo Quân khu I); PGS. TS Nhà văn Lê Thị Bích Hồng (nguyên Phó Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương); ThS. Sử học Trần Trung Hiếu (Trường chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An); Nhà phê bình văn học Chu Thị Thơm (nguyên Trưởng ban Báo Giáo dục và Thời đại); Nhà báo Đặng Vương Hạnh (Tổng biên tập Báo Khoa học và Đời sống); PGS. TS Nguyễn Thị Ly Kha (Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh); TS. Sử học Ngô Vương Anh (Báo Nhân dân); PGS. TS Ngô Văn Giá (nguyên Trưởng khoa Viết văn và Báo chí – Đại học Văn hóa Hà Nội); TS. Trần Bách Hiếu (Phó Chủ nhiệm Bộ môn, Bí thư Đoàn cơ sở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội); ThS Nguyễn Hương Giang (NXB Chính trị Quốc Gia);… chắc chắn, giá trị của tác phẩm sẽ còn mãi với thời gian.
Điều đặc biệt là 2/3 số tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương hoặc vì di chứng chiến tranh, đã mất sau khi trở về. Có thể nói, ngoài giá trị tư liệu, lịch sử, văn hoá, xã hội… bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam còn được xem như một di sản vô giá, mà các anh hùng, liệt sĩ, các cựu binh đã để lại cho thế hệ mai sau.
Kể từ khi ra mắt độc giả, 30/4/2020, bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá rất cao của dư luận bạn đọc gần xa. Đã có 2 cuộc toạ đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử giới thiệu bộ sách với sự chứng kiến của báo giới tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội. Đã có hàng ngàn bài viết, chương trình phát thanh, truyền hình giới thiệu về bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”. Hàng vạn bản PDF nội dung ruột của bộ sách đã được chia sẻ miễn phí qua Nhóm facebook “Trái tim Người lính”, với hơn 40.000 thành viên tham gia diễn đàn.
Cũng chính vì thế mà Hội đồng Thẩm định của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã đồng thuận tuyệt đối trong việc bỏ phiếu xác lập và tôn vinh giá trị nội dung 2 kỷ lục quốc gia cho bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”.
1. Tôn vinh Quỹ Mãi mãi tuổi 20 (TP. Hà Nội) - Đơn vị có công tổ chức bản thảo và ấn hành bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, tổng hợp và biên soạn 31 tác phẩm nhật ký của 31 tác giả trong thời chiến tranh tại Việt Nam. Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1000 trang;
2. Tôn vinh Kỷ lục gia, Nhà văn Đặng Vương Hưng - Nhà văn Việt Nam có công sưu tầm, giới thiệu và chủ biên bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” trong 16 năm 2004 – 2020); tổng hợp và biên soạn 31 tác phẩm nhật ký của 31 tác giả trong thời chiến tranh Việt Nam.
Theo Sở hữu trí tuệ