Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Ngành du lịch bất ngờ hứng chịu 'cú đấm' của diễn biến mới dịch bệnh Covid-19

DTVN 16:24 04/08/2020

Bức tranh u ám ngành du lịch nhìn từ các công ty trên sàn: Sheraton Đà Nẵng, công viên Đầm Sen lỗ cả trăm tỷ, Vietravel lỗ gấp 3 lần dự tính chỉ sau nửa năm

Sheraton Đà Nẵng, công viên Đầm Sen lỗ cả trăm tỷ, Vietravel lỗ gấp 3 lần dự tính chỉ sau nửa năm

Dịch Covid-19 bùng phát đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên nền kinh tế nói chung, đặc biệt mảng du lịch nói riêng. Khi mà, khách quốc tế đến du lịch Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế do số tiền khách quốc tế chi tiêu tại Việt Nam. Nguồn ngoại tệ này tăng liên tục qua các năm (năm 2005 đạt 2.300 triệu USD, năm 2010 đạt 4,45 tỷ USD, năm 2015 đạt 7,35 tỷ USD, năm 2019 đạt 11,83 tỷ USD – cao nhất từ trước đến nay). Mặc dù người Việt Nam đi du lịch nước ngoài ngày một nhiều, với số chi tiêu ngày một tăng; tuy nhiên dịch vụ du lịch vẫn xuất siêu ngày một tăng.

Bước sang năm 2020, nhất là từ tháng 3, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bị giảm sâu. So với cùng kỳ năm trước, tháng 6/2020 giảm tới 99,3%, hay giảm 1.246 nghìn lượt người. Có thể coi tháng 6/2020 là “đáy” của sụt giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong nhiều năm qua. Hiện, dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, theo đó dự báo cả năm 2020 lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ giảm mạnh so với năm 2019.

Sự khó khăn của toàn ngành phần nào được phản ánh qua kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trên sàn. Rất nhiều công ty ghi nhận doanh thu quý 2 sụt giảm 70-80% so với cùng kỳ, hệ quả là lợi nhuận sụt giảm mạnh hoặc lỗ rất lớn như Sheraton Đà Nẵng, Vietravel hay Đầm Sen Park.

Trong đó, Du lịch Phú Thọ (DSP) – chủ sở hữu công viên văn hóa Đầm Sen – khép lại quý 2/2020 với doanh thu sụt giảm 87% xuống còn 12 tỷ đồng, giá vốn tăng khiến Công ty lỗ gộp hơn 144 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 có lãi gần 18 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí còn lại, Du lịch Phú Thọ báo lỗ ròng 146,5 tỷ, giảm mạnh so với mức lợi nhuận 17 tỷ hồi quý 2/2019.
Công viên Nước Đầm Sen (DSN): từng là doanh nghiệp luôn có lợi nhuận cao và ổn định hàng đầu trong ngành du lịch nhưng trong quý 2 công ty đã lần đầu báo lỗ với mức lỗ 4,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 42 tỷ. Lũy kế 6 tháng, công ty chỉ lãi vỏn vẹn 0,1 tỷ đồng.

Đáng kể nhất, Vietravel (VTR) chỉ mới nửa đầu năm đã thua lỗ gấp 3 lần dự kiến cho cả năm. Chi tiết, doanh thu hợp nhất quý 2/2020 Vietravel tiếp tục giảm mạnh, từ mức 2.204 tỷ về 206 tỷ đồng, khấu trừ chi phí Công ty báo lỗ ròng 38 tỷ. Luỹ kế nửa đầu năm, VTR ghi nhận doanh thu 996 tỷ đồng, giảm hơn 72% so với cùng kỳ và lỗ ròng hơn 76 tỷ.

Vietravel là công ty lữ hành lớn nhất nước với nguồn thu chính đến từ các tour du lịch quốc tế trong khi đây là hoạt động bị đình trệ do Covid-19. Chưa kể, dịch Covid-19 hiện bùng phát giai đoạn 2 và diễn biến phức tạp.

Năm 2020, Vietravel đặt kế hoạch doanh thu giảm sâu, xuống chỉ còn 3.065 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 60% so với năm trước. Đáng chú ý, Vietravel dự kiến sẽ lỗ khoảng 22 tỷ đồng sau nhiều năm liền liên tục có lãi. Nửa đầu năm, mức lỗ thực tế đã vượt xa dự kiến.

Cùng báo lỗ, doanh thu lữ hành và doanh thu vé máy bay đồng loạt giảm mạnh 98% và 77% so với cùng kỳ đã làm cho Dịch vụ Du lịch Bến Thành (BenThanh Tourist, BTV) phải báo lỗ hơn 7 tỷ đồng trong quý 2. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, BTV ghi nhận doanh thu thuần giảm 60%, khấu trừ chi phí khiến Công ty báo lỗ hơn 15 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 6 tỷ đồng).

Thậm chí, Du lịch Dịch vụ Hội An (HOT) không chỉ báo lỗ 8,4 tỷ đồng trong quý 2/2020, HĐQT dự báo tiếp tục gặp khó khăn và có thể tiếp tục lỗ hơn 6 tỷ đồng trong quý 3. Được biết, 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của HOT giảm sút ngay từ tháng 2 và tháng 3, riêng Khu du lịch biển đã ngưng hoạt động từ ngày 14/3 để bàn giao cho ban chỉ đạo phong chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam trưng dụng làm khu cách ly. Khách sạn Hội An ngưng đón khách từ ngày 36/4-15/6, Khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Thanh cũng ngưng đón khách từ 1/4-23/4…

Ngành du lịch hứng chịu cú đấm bồi của Covid-19

Nỗ lực khống chế Covid-19 của Chính phủ đã đạt kết quả tốt đẹp. Các hoạt động trong nước bắt đầu bình thường trở lại. Nhiều biện pháp kích cầu du lịch được khởi động.

Nhiều mô hình liên doanh và liên kết nhằm phục hồi ngành du lịch được triển khai rầm rộ. Không khí ấm lên một chút, kể cả không khí tiêu dùng lẫn không khí đầu tư. Những doanh nghiệp du lịch vừa bị trắng tay bởi Covid-19 lại vay mượn tài chính để làm lại từ đầu bằng các tour trong nước.

Một số địa chỉ du lịch vốn có thế mạnh về khách nội địa như Đà Lạt, Sa Pa dần dần đông đúc. Đầu tháng 7, những địa chỉ du lịch gắn với biển đã tung ra nhiều đợt khuyến mại dành cho khách nội địa và những con số ấn tượng lại xuất hiện.

Những tín hiệu tích cực thấy rõ ở Phú Quốc, Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Sầm Sơn, Lăng Cô, Hạ Long… Tuy nhiên, từ một nguồn lây nhiễm khó đoán, virus corona lại hoành hành. Đà Nẵng áp dụng giãn cách xã hội, Hội An cũng áp dụng giãn cách xã hội, những tỉnh thành khác như Quảng Ngãi, Đắk Lắk cũng bàng hoàng vì đợt lây nhiễm thứ hai.

Khi hai đô thị lớn nhất là Hà Nội và TPHCM thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng, mọi người hiểu ra cuộc tái chiến đại dịch toàn cầu đã xảy ra. Và đây là cú đấm bồi thứ hai vào ngành du lịch đang liêu xiêu chống đỡ hệ lụy đợt lây nhiễm thứ nhất.

Hàng loạt tour bị hủy. Hàng triệu lao động phục vụ trong ngành công nghiệp không khói, đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp lâu dài, vì chưa ai dám đoán định diễn biến tiếp theo của Covid-19. Không thể phục vụ khách nước ngoài, giờ đây cơ hội phục vụ khách trong nước cũng biến mất.

Những doanh nghiệp du lịch phải làm sao để tồn tại trong bối cảnh hiện nay, khi các khoản vay đang dần đáo hạn? Cú đấm bồi ngành du lịch đang hứng chịu một cách nghiệt ngã, có thể hình dung là chuỗi đòi nợ dây chuyền. Khách hàng đòi lại tiền từ công ty du lịch đã đặt tour.

Công ty du lịch đòi tiền đã đặt tiệc từ nhà hàng, tiền đã đặt phòng từ khách sạn và tiền đã đặt vé từ hãng hàng không. Kết quả, các công ty du lịch đứng giữa hai làn đạn, một bên là khách hàng và một bên là các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Cú đấm bồi lần này của Covid-19 quá nặng, bởi nhân lực và tài lực của ngành du lịch đang chới với. Lương bổng tối thiểu cho người lao động để duy trì hoạt động đang quá khó đối với giám đốc các công ty du lịch. Trong khi đó, sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch chỉ dừng ở những lời an ủi và động viên.

Tương lai của ngành du lịch thực sự là bức tranh ảm đạm, nếu không có được sự hỗ trợ cụ thể nào từ chiến lược kinh tế vĩ mô thời hậu Covid-19. Bởi lẽ, nếu để các công ty du lịch đồng loạt đóng cửa sau cú đấm bồi thứ hai của Covid-19, sẽ vô cùng khó khăn trong việc tái thiết ngành du lịch.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nganh-du-lich-bat-ngo-hung-chiu-cu-dam-cua-dien-bien-moi-dich-benh-covid-19-d80143.html

Bạn đang đọc bài viết Ngành du lịch bất ngờ hứng chịu 'cú đấm' của diễn biến mới dịch bệnh Covid-19 tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội