Hà Nội, Thứ Ba Ngày 16/04/2024

Cá Koi Nhật cúng ông Công ông Táo có được không?

DTVN 15:11 30/01/2021

Cá Koi Nhật là loại cá cảnh được ưa chuộng nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, ngoài để chơi cảnh, loài cá này có được dùng để cúng trong lễ tiễn ông Công ông Táo về trời không?

Cá Koi còn gọi là cá chép Nishikigoi là một loại cá chép thường đã được thuần hóa, lai tạo để nuôi làm cảnh trong những hồ nhỏ, được nuôi phổ biến tại Nhật Bản.

Theo Wikipedia, chúng có quan hệ họ hàng gần với cá vàng và, trên thực tế, kiểu cách nhân giống và nuôi cảnh là khá giống với cách nuôi cá vàng, có lẽ là do các cố gắng của những người nhân giống Nhật Bản trong việc ganh đua với cá vàng. Cá chép Koi và các hình xăm trên cá được người Nhật coi là điềm may mắn, là biểu tượng của tình yêu, sự thành công và thịnh vượng.

Cá Koi có thể thay thế cá chép cúng ông Công ông Táo không?

Tại Việt Nam, theo quan niệm dân gian truyền từ xưa đến nay, vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hằng năm, người dân thường làm mâm cơm cúng cùng 3 con cá chép vàng để tiễn ông Công ông Táo về trời.

Chia sẻ với Zing.vn, Tiến sĩ văn hóa học Nguyễn Thị Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết nguồn gốc việc cúng cá chép trong ngày này là vì cá chép là một trong 3 thứ Tam sinh, tượng trưng cho phú quý. Đồng thời, quan niệm dân gian cho rằng cá chép có thể vượt vũ môn hóa rồng. Rồng có khả năng gọi mưa, rất cần cho cư dân nông nghiệp lúa nước.

Ngoài ra, cá chép còn đại diện cho sự phát triển và khả năng sinh sôi rất lớn. Điều này tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi, phát triển của người Việt xưa.

Do cũng là một loại cá chép, có màu vàng nên nhiều người nghĩ rằng cá Koi có thể được dùng để cúng ông Công ông Táo.

Tuy nhiên, trả lời trên Tiền Phong, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ giải thích, sở dĩ cúng cá chép vì theo quan niệm dân gian cá chép hóa rồng và bay lên trời. Vì thế cho nên người dân dâng cá chép để ông Công, ông Táo sử dụng làm phương tiện lên chầu trời. Cá Koi vì thế không đúng truyền thống và tâm linh trong lễ 23 tháng Chạp này, không thể thay thế cá chép.

Do đó, theo mặt tâm linh, cá Koi mặc dù cũng là loại cá chép nhưng là loại cá ngoại lai, không phải cá truyền thống của Việt Nam nên không dùng để thay cá chép được.

*Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không có giá trị khoa học.

Theo Sức khỏe Cộng đồng

Link gốc : https://suckhoecongdongonline.vn/ca-koi-nhat-cung-ong-cong-ong-tao-co-duoc-khong-d203072.html

Bạn đang đọc bài viết Cá Koi Nhật cúng ông Công ông Táo có được không? tại chuyên mục Đời sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống