Tính đến 6h ngày 23/6, Việt Nam bước sang ngày thứ 68 liên tiếp không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, số người nhiễm virus corona tại nước ta là 349.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 6.519. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 74; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.653; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 792.
Đến nay có 328/349 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 94% tổng số ca bệnh. Trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài được Việt Nam điều trị khỏi.
Hiện chỉ còn bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 21 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khoẻ ổn định.
PGS-TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo (bìa phải) thăm BN91 ngày 22-6. Ảnh: BVCC. |
Liên quan đến bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, sức khoẻ của nam phi công tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu.
Bệnh nhân đã cai hoàn toàn máy thở, tự thở khí phòng 24/24h. Đề xuất về chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy, có thể cho bệnh nhân xuất khoa, ra khỏi khu vực hồi sức cấp cứu, chuyển phục hồi chức năng để tiếp tục hồi phục hồi chức năng cho bệnh nhân
Đánh giá sơ bộ cho thấy, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt, giao tiếp tốt bằng lời nói, sức cơ 2 tay bình thường, sức cơ 2 chân cải thiện 4/5, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy.
Tuy nhiên, bệnh nhân chưa ăn được nhiều, mỗi bữa dùng được khoảng 1/4 phần ăn nên vẫn tiếp tục được truyền dung dịch đạm.
"Khi tiếp nhận từ BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân nặng 88 kg. Sau thời gian điều trị, bệnh nhân còn khoảng 80 kg. Chúng tôi đang cố gắng giúp bệnh nhân ăn nhiều hơn để mau lấy sức” - chị Lê Thị Hồng Thắm - điều dưỡng Khoa hồi sức cấp cứu thuộc BV Chợ Rẫy nói thêm.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng hơi bướng bỉnh khi không chịu ăn và ngại vận động nên y, bác sĩ phải thường xuyên thủ thỉ thuyết phục, nắm tay động viên người bệnh với câu nói quen thuộc “Be stronger” (Mạnh mẽ lên). Sau khi được giải thích từng chút, cặn kẽ, bệnh nhân cũng dần hiểu ra và hợp tác dễ dàng hơn.
Hiện tại, bệnh nhân đã thoải mái hơn rất nhiều, nhất là với những người gần gũi chăm sóc mình hằng ngày. Đặc biệt, anh còn chia sẻ về dự định trong tương lai của mình khi xuất viện là sẽ chở các y, bác sĩ đã chăm sóc cho mình trên chuyến bay do chính mình lái.
Đến nay, bệnh nhân đã trải qua 96 ngày điều trị tại bệnh viện, trong đó giai đoạn từ ngày 22.5 (thời điểm bệnh nhân chuyển điều trị từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP hồ Chí Minh sang Bệnh viện Chợ Rẫy chưa xác định được chi phí.
Nếu chỉ tính giai đoạn điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh thì đây là bệnh nhân có chi phí điều trị cao nhất mùa dịch COVID-19 ở Việt Nam. Tại khu vực phía Bắc, bệnh nhân 19 có chi phí điều trị cao nhất (khoảng 1,5 tỉ đồng).
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ