Nguyên nhân của sự việc bắt đầu bắt đầu từ những bất đồng từ việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng Khu công nghiệp, đô thị - dịch vụ và sân Golf Vân Trung, tỉnh Bắc Giang.
Trong đơn phản ánh của các hộ dân nêu rõ: Thực hiện chủ trương, đường lối chính sách công nghiệp hóa, tạo ra nhiều công việc cho mọi người dân để xóa đói giảm nghèo, dân có giàu thì nước mới mạnh. Chủ trương, đường lối chính sách của Đảng bộ Bắc Giang đưa công nghiệp vào huyện Việt Yên và huyện Yên Dũng.
UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 71/2007/QĐ-UBND ngày 21/8/2007 về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng Khu công nghiệp, đô thị - dịch vụ và sân Golf Vân Trung tỉnh Bắc Giang.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, người dân ở đây cho rằng còn tồn tại một số vướng mắc chưa được giải quyết như, diện tích đất được bồi thường là diện tích được đo đạc thực tế. Tuy nhiên, khi thu hồi và đền bù thì phần diện tích dôi dư ra chưa giải quyết theo quy định.
Khi thu hồi 1.250 m2 đất nông nghiệp giao ổn định lâu dài thì hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất được giao 72 m2 để ở và kinh doanh dịch vụ, theo quy hoạch phân lô của dự án. Nhưng, tính đến thời điểm này, người dân vẫn chưa nhận được, mặc dù đất đã thu hồi.
Được biết, từ năm 2016, người dân thôn Vân Cốc 3 đã có nhiều văn bản, đơn thư gửi các cấp chính quyền giải đáp những thắc mắc nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Khu Công nghiệp Vân Trung |
Chia sẻ với báo giới, bà Hoàng Thị Thứn (xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Hiện giờ, bức xúc của người dân thôn Vân Cốc 3 là mong chính quyền làm rõ diện tích GPMB còn bao nhiêu diện tích, mỗi gia đình được bao nhiêu % đất dịch vụ, đất giãn dân để cho người dân không bị thiệt thòi về quyền lợi”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Biên (xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) thông tin thêm, theo chính sách của chính quyền, mỗi hộ dân bị thu hồi 1.250m2 đất nông nghiệp sẽ được hưởng 72m2 đất dịch vụ để ổn định đời sống.
Đến năm 2016, khi người dân đồng thuận nhường đất nông nghiệp cho công nghiệp thì được nhà nước đền bù 78 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, không có văn bản nào kèm thông báo cho người dân biết nhận số tiền đó không được nhận thêm đất dịch vụ.
“Người dân chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi cũng cần phải được bảo đảm. Tuy nhiên, quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi cũng cần phải được bảo đảm. Chúng tôi luôn luôn mong mỏi và hy vọng được nhận 72 m2 để có thể xây nhà trọ cho thuê, kiếm thêm thu nhập hàng tháng vì lứa tuổi chúng tôi cũng đã già. Hơn nữa, một xã có bốn thôn nhưng một thôn thì đã được nhận và ba thôn thì không được nhận khiến người dân rất bức xúc”, kiến nghị của người dân cho hay.
Trao đổi với báo chí liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Phương, Phó Chủ tịch huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện tại, người dân vẫn đang nhầm tưởng tăng thêm phải bồi thường là đất giao thông thủy lợi.
"Phần đất này là đất giao thông thủy lợi, không phải là đất giao cho người dân. Thời điểm năm 2016, trên cơ sở đề nghị của nhân dân và dựa theo luật đất đai 2013, UBND huyện Vĩnh Yên đã báo cáo UBND tỉnh Bắc Giang, Sở Tài nguyên Môi trường báo cáo đề xuất UBND tỉnh Bắc Giang theo nguyện vọng của nhân dân cho chỉ đạo huyện. Thời điểm trên đã lập phương án thay đổi, toàn bộ các hộ dân đã nhận đủ tiền theo quy định", ông Phương cho hay.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật. Đối với nội dung trên, luật sư Bình cho rằng, căn cứ theo quy định tại khoản 6 điều 210 luật Đất đai 2013, quy định rất rõ:
Đối với những dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng theo quy định của Luật này.
"Do vậy, vấn đề ở đây là phương án hỗ trợ cho người dân thôn Vân Cốc 3 đã được phê duyệt từ năm 2007, nên không có lý gì để chúng ta không giải quyết cho người dân", luật sư Bình nhận định.
Sắp tới, chính quyền xã Vân Trung và huyện Việt Yên tiếp tục đối thoại với người dân Vân Cốc 3 để giải quyết triệt để vấn đề đền bù, UBND tỉnh Bắc Giang cũng cần có những chỉ đạo sát sao, không để sự việc kéo dài, gây mất an ninh trật tự tại địa bàn.
T.Kiên/Sở hữu trí tuệ