Hà Nội, Thứ Ba Ngày 16/04/2024

Đại biểu Quốc hội lo ngại trước tình trạng giá xăng dầu tăng cao

VIETQ 18:19 02/06/2022

Vấn đề giá xăng dầu trong nước liên tục tăng trong thời gian vừa qua, các ĐBQH đều lo lắng và cho rằng đây là mặt hàng quan trọng, nếu tăng cao sẽ dẫn đến "hiện tượng domino" làm tăng giá các mặt hàng

Giá xăng dầu tăng cao nguy cơ lạm phát cao

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo. Đến nay không chỉ dừng ở xăng dầu, khí đốt mà đã lan sang vật tư phân bón, lương thực, thực phẩm, tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

"Bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,1%. Riêng tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp hai lần cùng kỳ các năm 2018 đến năm 2021 tạo sức ép lạm phát vào những tháng cuối năm" - đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.

Cũng cho ý kiến về giá xăng dầu, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) thì cho rằng, đời sống người lao động, người dân, người nghèo đang gặp nhiều khó khăn do giá cả xăng dầu và một số mặt hàng tăng cao.

Phân tích bối cảnh hiện tại, đại biểu nhận định, cho đến giờ phút này, các quốc gia lớn đã thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất điều hành làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế thế giới.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Nói đến giá xăng dầu có nhiều biến động trong thời gian qua, Đại biểu Trần Văn Lâm - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, việc kiểm soát giá xăng dầu là nội dung đặc biệt quan trọng mà Chính phủ, Bộ Công Thương - Tài chính quan tâm. Kiểm soát được đà tăng của giá xăng dầu thì mới kiểm soát được lạm phát, chỉ số CPI.

ĐBQH Hoàng Văn Cường - Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, giá xăng dầu tăng theo biến động thế giới. Việc giá tăng cao kỷ lục như thời gian qua, cả người dân, nền kinh tế đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Mục tiêu kiểm soát lạm phát rất khó khăn. Do vậy, làm thế nào kiểm soát, hạn chế giá xăng tăng cao để ổn định đời sống người dân và thực hiện vai trò điều hành vĩ mô của Nhà nước, ông Cường cho rằng, dư địa giảm giá vẫn còn.

Các giải pháp kiểm soát lạm phát

Trước những lo ngại về vấn đề trên các ĐBQH đã đề xuất các giải pháp nhằm hạ nhiệt thị trường xăng dầu và kiểm soát nguy cơ lạm phát diễn ra.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM)

ĐBQH Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ cân nhắc, đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu; Điều hành linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo thuận lợi để kiềm chế lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cũng nêu kiến nghị, để đạt mục tiêu kinh tế nước ta tăng trưởng 6 đến 6,5%, kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay, Chính phủ sớm trình Quốc hội, UBTVQH giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu, vì để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến domino làm tăng giá các mặt hàng khác.

ĐBQH Hoàng Văn Cường đề xuất cắt bớt thuế phí. Việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng vẫn phải chấp nhận, để giải quyết tình hình hiện nay. Ngoài vấn đề về điều hành giá cả, đại biểu Quốc hội cũng lưu ý đến yếu tố nguồn cung. Ông Cường cho rằng nguồn cung là quan trọng nhất, làm sao để không quá bị biến động.

Theo Đại biểu Trần Văn Lâm, để "hạ nhiệt" giá xăng, chúng ta có các công cụ, đó là Quỹ bình ổn xăng dầu, công cụ thuế phí. Công cụ nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Công Thương giải quyết được, cần làm ngay; còn nếu vượt quá thẩm quyền của Chính phủ cũng cần sớm tham mưu, kiến nghị, đề nghị các cấp có thẩm quyền cho ý kiến, quyết định.

Bên cạnh đó còn có rất nhiều ý kiến thảo luận của các ĐBQH về vấn đề bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên Chính phủ đã nhận định, vấn đề điều hành giá xăng dầu sẽ bảo đảm theo cơ chế thị trường nhưng có sự kiểm soát, không để mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng tới sản xuất, kinh tế vĩ mô. Chính phủ đã thực hiện một loạt giải pháp như sử dụng Quỹ bình ổn giá, đã có nghị quyết báo cáo cấp có thẩm quyền để giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Bên cạnh đó, nếu giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thì có cơ chế, chính sách hỗ trợ các đối tượng để bảo đảm sao cho sản xuất ổn định, giá cả ổn định.

Cũng trong chiều nay (1/6), Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo dự báo, giá xăng trong nước sẽ tiếp tục tăng lần thứ 5 liên tiếp. Nếu mức tăng tương ứng với mức lỗ hiện nay, xăng RON 95 sẽ vượt mốc 31.000 đồng/lít.

Link gốc : https://vietq.vn/dai-bieu-quoc-hoi-lo-ngai-truoc-tinh-trang-gia-xang-dau-tang-cao-d200854.html

Bạn đang đọc bài viết Đại biểu Quốc hội lo ngại trước tình trạng giá xăng dầu tăng cao tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn