Hà Nội, Thứ Hai Ngày 02/12/2024

Vì sao lãi khủng, Gamuda vẫn nợ thuế nửa nghìn tỷ?

DTVN 13:10 10/01/2021

Theo BCTC niên độ kết thúc tại ngày 31/7/2020, Gamuda Land và Gamuda Land Việt Nam đóng góp 5.020 tỷ đồng cho công ty mẹ tại Malaysia, chiếm 24% doanh thu toàn tập đoàn.

Dù nằm trong top đầu doanh nghiệp nợ thuế năm 2020, nhưng kết quả kinh doanh của Gamuda Land năm này lại rất ấn tượng. Theo BCTC niên độ kết thúc tại ngày 31/7/2020, Gamuda Land và Gamuda Land Việt Nam đóng góp 5.020 tỷ đồng cho công ty mẹ tại Malaysia, chiếm 24% doanh thu toàn tập đoàn.

Một góc KĐT Gamuda Yên Sở (Hà Nội). Ảnh: VÕ QUYỀN

Vừa qua, giới đầu tư không khỏi bất ngờ khi CTCP Gamuda Land nằm trong danh sách nợ thuế năm 2020 với tổng số tiền là 541 tỷ (trong đó tiền thuê đất là 421 tỷ đồng, tiền chậm nộp 120 tỷ đồng).

Sở dĩ thông tin này có phần bất ngờ, bởi Gamuda Land (thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad gốc Malaysia) là tên tuổi nổi danh trong làng địa ốc Việt.

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Gamuda Berhad bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2007, và hiện đang nắm 2 dự án đáng chú ý là Gamuda City, công viên Yên Sở tại Hà Nội (quy mô 500 ha, tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD) và Celadon City tại TP.HCM (quy mô 82 ha, tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD).

Gamuda Berhad sở hữu các dự án nói trên thông qua nắm 100% 2 pháp nhân: Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam (trụ sở tại Km 1,5 Pháp Vân, Công viên Yên Sở, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) và CTCP Gamuda Land (HCMC) (trụ sở tại số 68, đường N1, phường Sơn Kỳ, quận Tân phú, TP.HCM).

Dù chỉ nắm trong tay 2 dự án trên, KQKD của Tập đoàn Gamuda Berhad và 2 công ty con này rất ấn tượng.

Theo đó, CTCP Gamuda Land (HCMC) năm 2019 (BCTC riêng) ghi nhận doanh thu thuần 4.141 tỷ đồng, tăng trưởng gần 130,7% so với năm 2018. Cùng với đó, lợi nhuận thuần công ty cũng đạt kết quả ấn tượng 955,3 tỷ, tăng gần 53,7%.

Tương tự, doanh thu thuần Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam năm 2019 (BCTC riêng) cũng tăng trưởng 28,2% lên 3.178 tỷ. Đặc biệt, lãi thuần công ty năm này đạt đến 559 tỷ, tức tăng 179%.

Con số doanh thu và lợi nhuận của hai pháp nhân tại Việt Nam thậm chí còn vượt trội hơn nếu nhìn vào báo cáo của công ty mẹ Gamuda Berhad.

Theo đó, trong năm tài chính 2020 của Tập đoàn Malaysia (kết thúc ngày 31/7, so với ngày kết thúc năm tài chính 30/6 của hai doanh nghiệp Việt Nam), doanh thu tại thị trường Việt Nam đạt tới 877,6 triệu RM, tương đương hơn 5.020 tỷ đồng, chiếm đến 81,5% tổng doanh thu nước ngoài và 24% toàn Tập đoàn.

Ngoài ra, tổng tài sản dài hạn của Tập đoàn Gamuda Berhad tại Việt Nam tính tới cuối kỳ BCTC là 990,4 triệu RM, tức 5.665 tỷ.

Một vài nét sơ phác như vậy đủ để giải thích lý do Việt Nam luôn được Gamuda Berhad xếp trong nhóm những thị trường có vai trò quan trọng nhất.

Trong một bài viết đăng tải vào năm 2017, tờ New Straits Times đánh giá, sau nhiều thách thức tại Việt Nam trong các năm 2013 và 2014, Gamuda Land đã có sự phục hồi mạnh mẽ về doanh số bất động sản khi đạt 125 triệu USD vào năm 2015 và 220 triệu USD trong 2016 tại Việt Nam.

Thời điểm đó, tập đoàn từ Malaysia rất kỳ vọng về các dự án bất động sản tại TP.HCM và Hà Nội khi đặt mục tiêu doanh thu hàng năm hơn 400 triệu USD kể từ năm tài chính 2019 trở đi.

Theo Nhà đầu tư

Link gốc : https://nhadautu.vn/vi-sao-lai-khung-gamuda-van-no-thue-nua-nghin-ty-d47312.html

Bạn đang đọc bài viết Vì sao lãi khủng, Gamuda vẫn nợ thuế nửa nghìn tỷ? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp