Mới đây, tại buổi giao ban, cung cấp thông tin báo chí, ông Nguyễn Hà Lộc, Phó giám đốc Sở NN - PTNT Lâm Đồng cho biết, đến nay còn 20 hộ nuôi bò sữa ở Lâm Đồng có bò sữa bị chết do tiêm vắc xin Navet - LPvac phòng bệnh viêm da nổi cục của Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương Navetco (Navetco) chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. do chưa thống nhất đơn giá bồi thường.
Hiện tại, Công ty Navetco tiếp tục thỏa thuận với từng hộ về mức bồi thường hỗ trợ phù hợp, thỏa đáng.
Được biết, sự việc gia súc chết do tiêm vắc xin của Navetco không phải là lần đầu tiên.
ăm 2022, Navetco tuyên bố đã sản xuất thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi và đã đủ điều kiện để bán ra thị trường. Tuy nhiên, tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi, sau khi tiêm vắc xin, đã xảy ra tình trạng lợn chết hàng loạt với tổng số 743 con, cụ thể, tại Bình Định chết 282 con, Phú Yên chết 431 con và Quảng Ngãi chết 30 con.
Nhận định về nguyên nhân sự cố này, ông Nguyễn Văn Long, khi đó là quyền Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN - PTNT, cho rằng, Navetco cung ứng vắc xin cho các địa phương nhưng thiếu giám sát sử dụng. Chủ vật nuôi và thú y cơ sở sử dụng sai đối tượng.
Cụ thể, đối tượng chỉ định tiêm là lợn 8 - 10 tuần tuổi nhưng bà con, thú y cơ sở đã sử dụng để tiêm tất cả các loại lợn. Bên cạnh đó, vắc xin được sử dụng trong vùng chưa nắm bắt đầy đủ thông tin về dịch tễ dẫn đến khả năng khi tiêm vào đàn lợn hoặc có mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi hoặc có một số mầm bệnh khác.
Trong sự cố đó, Navetco đã hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn chết ở mức 2 triệu đồng/con đối với lợn nái, lợn đực giống và 1 triệu đồng/con lợn thịt.
Lợi nhuận liên tục 'lao dốc'
Tại báo cáo tài chính quý III/2024 của Navetco ghi nhận doanh thu gần 93,8 tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của Navetco giảm 8% về mức hơn 41,2 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 82% xuống còn hơn 2 triệu đồng, nhưng đổi lại khoản lợi nhuận khác tăng lên 3,4 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 47 triệu đồng). Các loại chi phí khác biến động nhẹ.
Kết quả, Navetco báo lợi nhuận sau thuế 1,8 tỷ đồng, giảm tới 83,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Navetco mang về 247,1 tỷ đồng doanh thu, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế hơn 8 tỷ đồng, giảm 68,4% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Lãi sau thuế 10 năm của Navetco nếu nhìn lại thấy rõ sự lao dốc và giảm dần đều từ năm 2018 đến nay. Cụ thể: Năm 2018 đạt 121,24 tỷ đồng, sang năm 2019 giảm còn 89,19 tỷ đồng, năm 2020 còn 72,85 tỷ đồng, năm 2021 là 67,04 tỷ đồng, năm 2022 còn 53,11 tỷ đồng, năm 2023 còn 34,7 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2024 chỉ còn hơn 8 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Navetco đạt hơn 894,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng tồn kho với hơn 427,3 tỷ đồng, trong đó thành phẩm tồn kho tới gần 225,4 tỷ đồng.
Navetco hiện đang góp vốn gần 83 tỷ đồng, tương ứng sở hữu 3,5% vốn Công ty cổ phần Bảo Trí Invest và gần 119 tỷ đồng, tương ứng sở hữu 5,7% vốn Công ty cổ phần NDC An Khang.
Về cơ cấu nguồn vốn, Navetco có tổng nợ phải trả đạt 546,1 tỷ đồng, tăng hơn 11 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó vay nợ ngắn hạn tại ngân hàng gần 64,7 tỷ đồng, vay nợ dài hạn hơn 201,5 tỷ đồng.
Cơ cấu sở hữu và đội ngũ lãnh đạo Navetco
Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco ( VET: UPCOM), tiền thân là Viện quốc gia Vi trùng học và bệnh lý gia súc, được thành lập từ năm 1955. Ngành nghề kinh doanh chính chuyên sản xuất dược phẩm thú y, bao gồm dung dịch kháng sinh tiêm cho gia súc, vaccine phòng bệnh (như viêm da nổi cục, lở mồm long móng), và các sản phẩm cho thú y hải sản.
Navetco có vốn điều lệ 160 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông, hiện có 3 cổ đông lớn gồm: Nhà nước (Bộ NN - PTNT) nắm 65,5% cổ phần, Công ty cổ phần Nova Consumer nắm 12,18% cổ phần và bà Phạm Thị Cúc nắm 5,85% cổ phần; số cổ phần còn lại thuộc về các cổ đông đại chúng. Trong đó, Nova Consumer, cùng với Novaland và Nova Services, là 3 trụ cột chính của NovaGroup. Ông Nguyễn Hiếu Liêm, Chủ tịch HĐQT Nova Consumer, cũng là thành viên HĐQT tại Navetco.
Về phần Ban Lãnh đạo Công ty (bao gồm HĐQT, Ban Tổng Giám đốc), do hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần, trong đó nhà nước nắm cổ phần chi phối, nên có 3 cá nhân được Bộ NN - PTNT bổ nhiệm làm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt để đại diện cho phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, gồm các ông bà: Trần Tuấn Khanh, Chủ tịch HĐQT (trình độ chuyên môn là kỹ sư cơ khí, kỹ sư máy tính); Nguyễn Thị Kim Lan, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc (trình độ cử nhân kinh tế); Nguyễn Thị Hồng Hoa, Thành viên HĐQT đều được bổ nhiệm vào ngày 14/12/2023 (thạc sĩ quản trị kinh doanh).
Theo quy định của pháp luật, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác phù hợp với yêu cầu của vị trí, chức danh được cử làm người đại diện.
Về mức chi thù lao, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2024, bà Nguyễn Thị Kim Lan được hưởng 412 triệu đồng, trong đó thù lao cho vị trí Tổng Giám đốc là hơn 328 triệu đồng, vị trí thành viên HĐQT là 84 triệu đồng; ông Trầm Tuấn Khanh nhận thù lao Chủ tịch HĐQT là 108 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa được hưởng 48 triệu đồng.