Những khoản vay kín tiếng
Như Người Đưa Tin đã đề cập trong kỳ trước, HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) ngày 31/8/2022 có Nghị quyết về việc đồng ý cấp tín dụng cho Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri La với số tiền 122,469 tỷ đồng. Mục đích là để thanh lý hợp đồng đặt cọc với CTCP Đầu tư Sản xuất Thương mại Mai Anh về việc đặt cọc mua phần vốn góp của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri La trong Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City.
Cùng trong ngày 31/8, HĐQT VietBank đã có Nghị quyết chấp thuận giao dịch cấp tín dụng 150 tỷ đồng giữa VietBank với Công ty TNHH VNS Sài Gòn, mục đích để thanh toán tiền mua các bất động sản và thanh toán tiền mượn bên thứ ba để mua các bất động sản khác tại xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn, Tp.HCM.
Cũng như Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri La, Công ty TNHH VNS Sài Gòn là thành viên Tập đoàn Hoa Lâm. Thành viên HĐTV VNS Sài Gòn, bà Dương Mai Anh là con gái của vợ chồng doanh nhân Trần Thị Lâm - Dương Ngọc Hòa, và là em gái ông Dương Nhất Nguyên - Chủ tịch HĐQT VietBank.
Tập đoàn Hoa Lâm có lịch sử từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khởi đầu từ lĩnh vực nhập khẩu, lắp ráp xe máy. Tới năm 2006, Hoa Lâm chính thức đầu tư vào VietBank, và từ đó tới nay được biết đến với vai trò chi phối tại nhà băng này, cho dù trong trong chặng đường phát triển của VietBank từng có dấu ấn của đại gia ngân hàng một thời - bầu Kiên "ACB".
Với dòng vốn VietBank, Hoa Lâm đã và đang vươn tầm trở thành một tập đoàn kinh tế tư nhân có chỗ đứng ở Việt Nam, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản, y tế, xổ số điện toán...
Theo thống kê của người viết, VietBank, phần lớn là VietBank chi nhánh Tp.HCM đã và đang nhận thế chấp hàng nghìn tỷ đồng giá trị tài sản với các thành viên trong hệ thống Hoa Lâm Group.
Ở một vài ví dụ, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Mai Anh cuối năm 2013 đã thế chấp tại VietBank chi nhánh Tp.HCM 50% quyền phát sinh từ thoả thuận hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư TCO Việt Nam tại dự án cao ốc 9-11 Tôn Đức Thắng, quận 1, Tp.HCM, với giá trị thế chấp 954 tỷ đồng. Toà nhà có tên gọi Lim Tower I hiện được biết đến là hội sở Techcombank Tp.HCM, với tỉ lệ sở hữu 50:50 của nhóm Hoa Lâm và Techcombank - Masterise Group.
Cũng trên trục đường Tôn Đức Thắng, CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm - pháp nhân lõi trong hệ sinh thái Hoa Lâm Group cuối năm 2017 đã thế chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án 4B Tôn Đức Thắng cho VietBank Tp.HCM, với giá trị tài sản thế chấp 184,4 tỷ đồng.
Các dự án trọng điểm của Hoa Lâm được triển khai các năm gần đây cũng nhận được sự tài trợ tín dụng dồi dào từ Hoa Lâm, như tổ hợp Hoa Lâm Shangri La, dự án The Marq hay Kingdom 101.
Công ty TNHH Điền Phát Land - một pháp nhân có liên hệ tới Hoa Lâm từ năm 2019 tới nay liên tục thế chấp 82,3 triệu cổ phần CTCP NDC An Khang - chủ đầu tư dự án The Marq tại VietBank Tp.HCM. Giá trị tài sản vào đầu năm nay được định giá lên tới 1.568 tỷ đồng, tương đương 19.000 đồng/CP.
Đáng chú ý, nhiều thành viên khác của Hoa Lâm đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Phát triển Đô thị Đông Dương - chủ đầu tư dự án Kingdom 101, rồi thế chấp chính hợp đồng hợp tác tại VietBank Tp.HCM.
Có thể kể tới CTCP Phú Tân Lộc thế chấp hợp đồng HTKD với Đô thị Đông Dương ngày 5/12/2018, giá trị tài sản đảm bảo 551,7 tỷ đồng; tương tự, Công ty TNHH Minh Khang Điền ngày 28/11/2018 ký hợp đồng thế chấp với giá trị TSĐB 459,77 tỷ đồng; Công ty TNHH Vinh An Điền ngày 23/10/2018 ký hợp đồng thế chấp với giá trị TSĐB 551,7 tỷ đồng; trước đó, vào năm 2016, Công ty TNHH Đầu tư Phú Trí đã thế chấp 148,5 tỷ đồng phần vốn góp trong Đô thị Đông Dương...
VietBank cũng là nhà tài trợ tín dụng chủ yếu cho Công ty TNHH Đầu tư Mai Tâm Anh - tổng đại lý của Công ty TNHH MTV Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott). Mai Tâm Anh vừa qua đã đổi tên thành Công ty TNHH Việt Bingo.
Ở một thương vụ đáng chú ý, CTCP Đầu tư Phú Trí vào cuối năm 2018 đã thế chấp 52,5 triệu cổ phiếu STB, tương đương khoảng 2,8% vốn Ngân hàng Sacombank tại VietBank. Sacombank trước đây từng thuộc quyền chi phối của doanh nhân Trầm Bê - một đối tác quen thuộc của nhà chủ Hoa Lâm Group.
1.808 tỷ đồng ở Lim Tower II
ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của VietBank đã thông qua đầu tư mua tòa nhà Lim II số 62A Cách mạng Tháng 8, Quận 3, Tp.HCM với giá dự kiến là 1.400 tỷ đồng để làm trụ sở.
Tới ngày 27/12/2019, Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường của VietBank đã thông qua không đầu tư vào toà nhà Lim II, với lý do thủ tục kéo dài, đối tác chưa hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng.
Tuy nhiên, chỉ nửa năm sau, ĐHĐCĐ thường niên ngày 25/5/2020 của VietBank lại một lần nữa chấp thuận mua một phần toà nhà Lim II. Phạm vi mua lúc này là 3 tầng hầm, tầng trệt đến tầng 11, tổng diện tích 18.713m2. Giá mua tài sản dự kiến là 1.340 tỷ đồng - tức là chỉ thấp hơn 60 tỷ đồng so với phương án mua cả toà nhà Lim II mà chính VietBank hủy bỏ cách đó không lâu.
Ngày 10/8/2020, VietBank ký hợp đồng đặt cọc với Công ty TNHH Lương Thạch để nhận chuyển nhượng một phần toà Lim II. Giá chuyển nhượng là 1.340 tỷ đồng.
Ngay ngày hôm sau, 11/8/2020, VietBank đã chuyển số tiền đặt cọc 1.100 tỷ đồng cho Lương Thạch. Ngân hàng nhận phí cam kết 8,25 tỷ đồng/ tháng, được trả hàng tháng. Theo điều khoản ban đầu, thời gian thực hiện hợp đồng tối đa 12 tháng. Tuy nhiên tới ngày 10/8/2021, VietBank và Lương Thạch ký phụ lục hợp đồng, gia hạn thời gian thực hiện đến 10/8/2022.
Tới ngày 13/5/2021, VietBank và Lương Thạch tiếp tục ký hợp đồng hứa mua, hứa bán phần còn lại của toà Lim II (tầng 12-19), với giá chuyển nhượng 944 tỷ đồng, thời gian ký kết hợp đồng mua bán không quá 25/5/2023.
Tương tự trước đó 1 năm, việc chuyển tiền cũng được thực hiện khá gấp gáp. Chỉ một ngày sau, ngày 14/5/202, VietBank đã chuyển tiền đặt cọc cho Lương Thạch 708 tỷ đồng, nhận phí cam kết 10%/ năm, được trả hàng tháng.
Như vậy, VietBank đã đặt cọc tổng cộng cho Lương Thạch số tiền lên tới 1.808 tỷ đồng để mua toà Lim II; còn tổng giá trị của thương vụ là 2.284 tỷ đồng, cao hơn tới 884 tỷ đồng, tương đương 63% so với phương án đã bị huỷ bỏ trước đó.
Kế hoạch mua toà Lim II của VietBank đã 4 năm tới nay vẫn chưa hoàn tất.
Tuy vậy, Điều 140 Luật Các tổ chức tín dụng quy định ngân hàng không được chi quá 50% vốn điều lệ đầu tư vào tài sản cố định. Trong khi đó, khoản đặt cọc 1.808 tỷ đồng để mua toà Lim II, nếu cộng với tài sản cố định, thì có số dư đã lên tới hơn 2.600 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2022, xấp xỉ 55% vốn điều lệ của VietBank.
Nói cách khác, dựa vào hợp đồng đặt cọc mua tòa nhà Lim II, hơn 1.800 tỷ đồng của VietBank đã “chảy sang” Lương Thạch - pháp nhân có liên hệ mật thiết tới Hoa Lâm mà không phải dưới hình thức khoản vay, không cần tài sản bảo đảm, không cần phương án sử dụng vốn và lãi suất chỉ chỉ 9%/ năm với khoản 1.100 tỷ đồng và 10%/ năm với khoản 708 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính VietBank năm 2018 cũng thể hiện nhà băng này đã chi ra 1.250 tỷ đồng đặt cọc mua bất động sản, có nhận lãi suất, tuy nhiên đã thu hồi vào đầu năm 2020. Đây cũng là khoảng thời gian trùng với giai đoạn VietBank đưa ra kế hoạch mua toà Lim II ban đầu.
Tính minh bạch của khoản đặt cọc tương đương hơn 38% vốn điều lệ của VietBank tại Lương Thạch càng là một vấn đề đáng bàn, nếu biết rằng trên website của VietBank, trong khi tất cả các tờ trình khác tại các Đại hội đồng cổ đông thường niên 3 năm 2020-2022 đều được công khai, thì duy nhất tờ trình đầu tư mua toà nhà Lim II và tiến độ mua bất động sản này không thể truy cập được.
Trở lại với Nghị quyết HĐQT VietBank ngày 31/8 vừa qua về việc cấp tín dụng 150 tỷ đồng cho Công ty TNHH VNS Sài Gòn. Chi tiết cần nhấn mạnh là khoản vay này đã phát sinh từ ngày 6/9/2019, tuy nhiên tới gần 3 năm sau, HĐQT VietBank mới có Nghị quyết chấp thuận giao dịch.
Theo Điều lệ VietBank, đây là khoản vay bắt buộc phải có Nghị quyết HĐQT thông qua, bởi là giao dịch với người có liên quan. Thêm một câu hỏi đặt ra là còn bao nhiêu khoản vay tương tự tại VietBank chưa có Nghị quyết HĐQT; cũng như còn bao nhiêu khoản vay với các thành viên khác của Hoa Lâm, mà không thuộc diện giao dịch với người có liên quan?