Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Đại gia ngành thép Hòa Phát đang thế chấp ngân hàng những tài sản gì?

sohuutritue. 20:38 30/03/2023

Hiện nay, chủ nợ lớn nhất tại Tập đoàn Hòa Phát là một trong 4 ngân hàng quốc doanh. Tài sản bảo đảm cho các khoản vay này khá đa dạng từ tiền gửi, hàng tồn kho đến bất động sản đầu tư, ….

Hòa Phát đưa hàng tồn kho, bất động sản đầu tư và tài sản cố định đi thế chấp

Tính đến 31/12/2022, Hòa Phát còn hơn 74.222 tỷ đồng nợ phải trả. Trong đó có hơn 46.748 tỷ đồng dư nợ vay ngắn hạn, tăng nhẹ 7% so với đầu năm, tương đương tăng thêm 3.000 tỷ đồng; dư nợ vay dài hạn hơn 11.151 tỷ đồng, giảm 17%, tương đương giảm 2.313 tỷ đồng so với đầu năm. Như vậy, tổng vay nợ ngắn và dài hạn tại Hòa Phát ghi nhận gần 57.900 tỷ đồng, chiếm tới 78% nợ phải trả.

Đặc biệt, tài sản bảo đảm cho các khoản vay này bao gồm hàng tồn kho, tài sản cố định hữu hình, vô hình, bất động sản đầu tư và cả tiền gửi.

tap-doan-hoa-phat-4
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tổ chức đại hội cổ đông thường niên vào ngày 30/3/2023. (Ảnh: Hòa Phát)

Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 tại Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) cho thấy, tính đến thời điểm 31/12/2022 ghi nhận gần 34.500 tỷ đồng hàng tồn kho, giảm 16% so với đầu năm, trong đó đã có khoản trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 1.236 tỷ đồng (tăng dự phòng thêm 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm).

Hàng tồn kho tại Hòa Phát chủ yếu là tồn kho nguyên vật liệu ghi nhận hơn 16.409 tỷ đồng và tồn kho thành phẩm hơn 10.205 tỷ đồng. Còn lại là tồn kho công cụ và dụng cụ hơn 2.000 tỷ đồng, hàng hóa hơn 1.864 tỷ đồng,…

Năm 2022 có rất nhiều sự kiện ảnh hưởng đến ngành bất động sản nói chung và nhóm ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là nhóm ngành sắt thép khiến giá sụt giảm, hệ quả là khối hàng tồn kho giá cao trước đó buộc doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 chỉ rõ, trong hàng tồn kho tại ngày 31/12/2022 có 19.244 tỷ đồng hàng tồn kho (1/1/2022 là 2.756 tỷ đồng) được ghi nhận theo giá trị thuần có thể thực hiện được. Tại ngày 31/12/2022, hàng tồn kho có giá trị ghi sổ là 15.603 tỷ đồng (ngày 1/1/2022 là 15.947 tỷ đồng) được thế chấp tại các ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay của Tập đoàn.

tap-doan-hoa-phat
Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2022 tại Hòa Phát.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Hòa Phát còn sử dụng tài sản cố định hữu hình và vô hình để thế chấp ngân hàng.

Cụ thể, tính đến 31/12/2022, tổng giá trị tài sản cố định hữu hình tại Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận hơn 70.199 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tài sản liên quan đến máy móc và thiết bị có hơn 40.073 tỷ đồng; có 27.438 tỷ đồng là tài sản liên quan tới nhà cửa; 2.509 tỷ đồng là giá trị liên quan phương tiện vận chuyển; còn lại là dụng cụ văn phòng, vật nuôi và tài sản cố định khác.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 ghi nhận tại ngày 31/12/2022 Hòa Phát dùng tài sản cố định hữu hình có giá trị còn lại là 46.291 tỷ đồng (ngày 1/1/2022 là 47.698 tỷ đồng) để thế chấp tại ngân hàng nhằm để bảo cho các khoản vay của Tập đoàn.

Về tài sản cố định vô hình, tính đến 31/12/2022, tổng tài sản cố định vô hình ghi nhận gần 634 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Tài sản cố định vô hình tập trung ở giá trị quyền sử dụng đất với hơn 218 tỷ đồng (tăng 38% so với đầu năm); ở các phần mềm máy tính hơn 75 tỷ đồng (tăng 134%) và các tài sản khác hơn 340 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, tài sản cố định vô hình tại Hòa Phát có giá trị còn lại là 47 tỷ đồng (1/1/2022: 48 tỷ đồng) đang được thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay của Tập đoàn.

tap-doan-hoa-phat-2
tap-doan-hoa-phat-3
Nguồn:; BCTC hợp nhất năm 2022 tại Hòa Phát.

Đáng chú ý, bất động sản đầu tư tại Hòa Phát cũng mang đi thế chấp ngân hàng. Cụ thể, tính đến 31/12/2022, bất động sản đầu thư cho thuê ghi nhận hơn 629 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Trong đó tập chung chủ yếu ở nhà cửa hơn 573 tỷ đồng, còn quyền sử dụng đất ghi nhận hơn 55,7 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2022, bất động sản đầu tư có giá trị 7,6 tỷ đồng đang thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay của công ty con.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, bất động sản đầu tư của Tập đoàn Hòa Phát và các công ty con gồm: quyền sử dụng đất và nhà xưởng cho thuê tại KCN Phố Nối A tại tỉnh Hưng Yên, KCN Hòa Mạc tại tỉnh Hà Nam; quyền sử dụng đất và diện tích cho thuê thương mại như Dự án Khu phức hợp Mandarin Garden 1 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội và Khu phức hợp Mandarin Garden 2 tại quận Hoàng Mai, HN. Ngoài ra còn Khu chung cư tại 70 Nguyễn Đức Cảnh và văn phòng cho thuê tại 257 Giải Phóng tại Hà Nội.

Đặc biệt, Hòa Phát còn dùng cả khoản đầu tư tài chính để thế chấp tại ngân hàng đảm bảo cho các khoản vay.

tap-doan-hoa-phat-1
Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2022 tại Hòa Phát.

Qua số liệu trình bày trên, có thể thấy đa số tài sản đảm bảo của Hòa Phát tại ngân hàng là tài sản cố định và hàng tồn kho.

Vietcombank đang là chủ nợ lớn nhất tại Tập đoàn Hòa Phát?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, trong 46.748 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn có đến 39.000 tỷ đồng là tiền vay ngắn hạn và 7.645 tỷ đồng là tiền vay dài hạn đến hạn trả.

Số dư vay ngắn hạn tính đến 31/12/2022 bao gồm các khoản vay bằng VNĐ và các khoản vay bằng USD với giá trị tương ứng là 24.834 tỷ VNĐ và 14.270 tỷ VNĐ.

Thông tin cũng cho biết khoản vay ngắn hạn bằng VND giá trị 19.282 tỷ đồng và bằng USD giá trị 5.470 tỷ đồng (tổng 24.752 tỷ đồng) được bảo đảm bằng số tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng (thuyết minh phía trên), phải thu ngắn hạn của khách hàng giá trị 553 tỷ đồng; hàng tồn kho; tài sản cố định vô hình; giá trị xây dựng cơ bản dở dang của một số dự án thuộc Tập đoàn và tài sản hình thành trong tương lai ở một số dự án…. thậm chí cả cổ phiếu HPG thuộc sở hữu của một số thành viên HĐQT.

Các khoản vay ngắn hạn còn lại khoảng 22.000 tỷ đồng không có tài sản đảm bảo. Các khoản vay bằng VNĐ chịu lãi suất từ 3,47% đến 8,5%/năm trong khi thời điểm 1/1/2022 chỉ từ 2,4% đến 6,5%/năm. Còn các khoản vay bằng USD chịu lãi suất từ 1,6% đến 6,1%/năm trong khi tại thời điểm 1/1/2022 chỉ từ 1,2% đến 2,3%/năm.

Về vay dài hạn, tính đến 31/12/2022, hai ngân hàng là chủ nợ lớn nhất tại Tập đoàn Hòa Phát là Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội với hơn 5.199 tỷ đồng (hồi đầu năm cho vay hơn 7.364 tỷ đồng); chủ nợ lớn thứ 2 là Vietcombank chi nhánh Thành Công với hơn 5.164 tỷ đồng (hồi đầu năm cho vay 6.823 tỷ đồng).

Ngoài ra, Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng đang cho vay gần 3.4823 tỷ đồng (hồi đầu năm chỉ cho vay 1.313 tỷ đồng); Ngân hàng BNP Paribas với 1.460 tỷ đồng; Techcombank cũng đang cho vay hơn 783 tỷ đồng trong khi hồi đầu năm chỉ cho vay gần 14 tỷ đồng.

no-vay-tap-doan-hoa-phat-1
no-vay-tap-doan-hoa-phat
Chi tiết vay nợ tại Hòa Phát (nguồn: BCTC hợp nhất năm 2022).

Hòa Phát lên kế hoạch phát triển các đại đô thị 300-500 ha, mục tiêu có 10 KCN trong 10 năm tới

Trong Báo cáo thường niên 2022 vừa công bố, bên cạnh mảng kinh doanh chiến lược thép, Tập đoàn Hòa Phát đã đề cập đến kế hoạch phát triển mảng bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp (KCN).

Theo đó, trong 10 năm tới, Hòa Phát có kế hoạch phát triển 10 KCN, bao gồm cả các khu công nghiệp hiện hữu. Ngoài bất động sản KCN, Hòa Phát còn phát triển mảng nhà ở với dự án đầu tiên là tòa nhà Hòa Phát 257 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội (gồm 5 tầng văn phòng và 133 căn hộ) thông qua hoạt động M&A vào năm 2010.

Hòa Phát đang tìm kiếm các dự án tiềm năng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước với mục tiêu tập trung phát triển các đại đô thị diện tích 300-500 ha, đóng góp vào quá trình đô thị hóa các khu dân cư hiện hữu của địa phương.

Năm 2022, các công ty thành viên của Hòa Phát đã tham gia đấu thầu các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ.

Tính đến nay, tổng quỹ đất KCN đã được duyệt quy hoạch của Hòa Phát trên 1.130 ha. Doanh nghiệp đang sở hữu và vận hành ba KCN lớn, bao gồm KCN Phố Nối A có quy mô hơn 688,94 ha (Hưng Yên), KCN Hòa Mạc quy mô 131 ha (Hà Nam), KCN Yên Mỹ II quy mô 313,5 ha (Hưng Yên). Các KCN này đã thu hút các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia, Singapore, Hà Lan, Đức,…

Với kế hoạch kinh doanh “khủng”, Hòa Phát sẽ cần rất nhiều vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Vì vậy, nợ vay của doanh nghiệp trong tương lai có thể sẽ còn cao hơn nữa.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/dai-gia-nganh-thep-hoa-phat-dang-the-chap-ngan-hang-nhung-tai-san-gi-d158734.html

Bạn đang đọc bài viết Đại gia ngành thép Hòa Phát đang thế chấp ngân hàng những tài sản gì? tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần