Chỉ trong 2 ngày gần đây, chỉ số Dow Jones đã rớt gần 1,900 điểm, đánh dấu chuỗi giảm điểm mạnh nhất trong nhiều năm qua và là lần đầu tiên chỉ số này có 2 phiên liên tiếp giảm trên 800 điểm. Riêng phiên 24/02 được xem là phiên tồi tệ nhất của thị trường trong 2 năm qua.
Những tưởng chứng khoán Mỹ sẽ vượt qua được cơn khủng hoảng Corona khi từ đầu tháng 2 đến nay, bất chấp nhiều thị trường châu Á chìm trong sắc đỏ vì dịch Corona, các chỉ số tại nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn duy trì đà đi lên. Nhưng trong 2 phiên vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã đánh mất sạch thành quả tăng điểm từ đầu năm, với chỉ số Dow Jones rớt về mức thấp nhất tính từ ngày 31/10/2019 đến nay.
Nỗi lo sợ dịch bệnh có thể lan rộng hơn tại Mỹ, sau khi chứng kiến diễn biến tương tự tại Hàn Quốc, Italy và Iran khiến các nhà đầu tư phải thật sự e ngại, bất chấp Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi tranh thủ mua cổ phiếu khi thị trường chìm sâu. Thật ra, thị trường có lý do để lo sợ khi mới đây, ông Trump yêu cầu Quốc hội cấp 2.5 tỷ USD để chống dịch, trong bối cảnh nước này ghi nhận 53 trường hợp nhiễm bệnh tính đến ngày 24/02, trong đó có 14 trường hợp lây nhiễm ngay trên đất Mỹ.
Dù ông Trump đã lên tiếng trấn an dư luận khi khẳng định trên Twitter cá nhân rằng dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt ở Mỹ, nhưng lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer vẫn chỉ trích chính quyền của ông Trump chậm chạp trong việc đối phó với dịch COVID-19.
Ngoài ra, thực tế là các chỉ số chứng khoán Mỹ đang ở mức quá cao sau xu hướng tăng dài suốt nhiều năm qua, liên tiếp phá vỡ các đỉnh cao và lập kỷ lục mới, bất chấp những rủi ro và cảnh báo về kinh tế toàn cầu nói chung cũng như kinh tế Mỹ nói riêng khi vướng vào các cuộc chiến thương mại. Do đó, giờ đây, sự điều chỉnh có thể diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn các thị trường khác cũng là điều tất yếu.
Các tỷ phú bốc hơi hàng tỷ USD chỉ trong 1 ngày
Chỉ trong 2 phiên thị trường lao dốc vừa qua, tài sản của các tỷ phú Mỹ có doanh nghiệp hoặc sở hữu cổ phiếu niêm yết trên sàn đã bốc hơi hàng tỷ USD. Trong danh sách 10 tỷ phú có tài sản giảm mạnh nhất trong phiên 25/02, có 7 người nằm trong tốp 10 người giàu nhất thế giới và có đến 8 tỷ phú là người Mỹ, 1 người Pháp và 1 người Mexico.
Người có tài sản giảm mạnh nhất là Bill Gates - người giàu thứ 2 thế giới, khi mất 2.17 tỷ USD chỉ riêng phiên 25/02. Tỷ phú giàu nhất là Jeff Bezos cũng chẳng khá hơn, khi tài sản bốc hơi 2.06 tỷ USD, xếp ngay sau Bill Gates về tốc độ hao hụt tài sản. Ba vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng những người bị thiệt hại nặng nề nhất cũng đều là các tỷ phú người Mỹ, gồm Larry Ellison của Oracle mất 1.69 tỷ USD; ông chủ Facebook Mark Zuckerberg mất 1.45 tỷ USD và đồng sáng lập Google Larry Page mất 1.43 tỷ USD.
Vị tỷ phú người Pháp Bernard Arnault kinh doanh trong ngành hàng tiêu dùng mất 1.43 tỷ USD, xếp thứ 6. Tiếp theo là đồng sáng lập còn lại của Google, Sergey Brin, mất 1.38 tỷ USD, tỷ phú người Mexico Carlos Slim xếp thứ 8 khi mất 1.33 tỷ USD. Tài sản Elon Musk dù so với đầu năm vẫn tăng 13.9 tỷ USD nhờ cổ phiếu Tesla bứt phá, nhưng riêng phiên 25/02 đã mất 1.31 tỷ USD, và cuối cùng là thiên tài đầu tư Warren Buffet mất 1.3 tỷ USD. Người còn lại cũng có tài sản mất hơn 1 tỷ USD là tỷ phú năng lượng người Nga Leonid Mikhelson khi mất 1.27 tỷ USD.
Đáng lưu ý là, các tỷ phú công nghệ chiếm chủ yếu trong danh sách này, dù ngành này được cho là ít ảnh hưởng nhất từ dịch Corona. Các cổ phiếu công nghệ đã ở mức định giá quá cao nên bị bán tháo nhiều nhất cũng là điều dễ hiểu. Đơn cử như, cổ phiếu Microsft rớt 1.65%, Amazon giảm 1,82%, Oracle giảm 3.19%, Facebook giảm 1.97%. Cùng với Apple, cổ phiếu Facebook đã rơi vào vùng điều chỉnh, khi giảm hơn 10% từ đỉnh cao mọi thời đại đạt được trong tháng trước. Cổ phiếu công ty mẹ của Google là Alphabet cũng mất 2.36% vào 25/02, còn cổ phiếu hãng xe điện Tesla của Elon Musk lao dốc hơn 4% sau chuỗi tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Thực tế, trong tốp 10 tỷ phú có giá trị tài sản lớn nhất hiện nay, có 6 vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, do quy mô tài sản lớn nên cũng có mức biến động mạnh mỗi khi thị trường rung chuyển. Ngoài các vị kể trên, còn có Steve Balmer của Microsoft giảm 965 triệu USD tài sản sở hữu, Michael Dell giảm 877 triệu USD, MacKenzie Bezos - vợ cũ của Bezos giảm 738 triệu USD, Masayoshi Son giảm 540 triệu USD. Tính đến thời điểm này, ngoài lĩnh vực công nghệ, tỷ phú thuộc các ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng và năng lượng là chứng kiến sự hao hụt tài sản nhiều nhất.
Tỷ phú “thịt lợn”, dịch vụ chuyển phát nhanh tăng mạnh tài sản
Đối lập với sự sụt giảm tài sản của các tỷ phú phương Tây, trong danh sách tỷ phú có tài sản tăng mạnh nhất gần đây là các tên tuổi đến từ Trung Quốc và Hồng Kông, bất chấp thực tế các khu vực này đang phải chống chọi với dịch Corona và nền kinh tế bị thiệt hại nặng khi trong vùng tâm dịch. Mã Hóa Đằng (Pony Ma) - sáng lập hãng công nghệ Tencent - Trung Quốc, chứng kiến tài sản tăng hơn 1 tỷ USD chỉ trong ngày 25/02 và cũng là người có tài sản tăng mạnh nhất. Nếu so với đầu năm nay, tài sản của vị tỷ phú đang xếp thứ 23 thế giới này cũng tăng hơn 2.4 tỷ USD.
Vị trí thứ 2 và thứ 3 về tốc độ tăng tài sản cũng là 2 tỷ phú người Trung Quốc, gồm tỷ phú “thịt lợn” Qin Yinglin - tăng 876 triệu USD, nhờ giá lợn tại Trung Quốc leo thang gần đây, và tỷ phú Vương Vệ (Wang Wei) - Chủ tịch công ty dịch vụ chuyển phát nhanh SF Express - tăng 833 triệu USD. Nếu so với đầu năm, giá trị tài sản của 2 tỷ phú này tăng tương ứng là 3.09 tỷ USD và 2.69 tỷ USD.
Dù chỉ xếp thứ 4 tính theo mức tăng vào hôm qua với giá trị tăng thêm 634 triệu USD, nhưng nếu so với đầu năm thì tài sản của tỷ phú Zeng Yuqun, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CATL (Contemporary Amperex Technology), nhà sản xuất pin điện hàng đầu ở Trung Quốc, tăng đến 4.46 tỷ USD, mức tăng cao nhất trong số các vị kể trên. Xếp thứ 5 là tỷ phú người Singapore Li Xiting, hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vốn được lợi trong dịch bệnh, với tài sản tăng thêm 521 triệu USD vào hôm qua và tăng hơn 4 tỷ USD so với đầu năm.
Năm tên tuổi còn lại trong danh sách top 10 có mức tăng lớn nhất vào hôm qua gồm tỷ phú công nghệ người Trung Quốc Zhang Zhidong, tăng 476 triệu USD và tăng 1.09 tỷ USD so đầu năm; tỷ phú Hồng Kông Xu Hang trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tăng 473 triệu USD và tăng 3.65 tỷ USD so đầu năm; tỷ phú hàng tiêu dùng người Trung Quốc Wang Chuan-Fu tăng 354 triệu USD và tăng 1.69 tỷ USD so đầu năm. Hai vị còn lại dù tài sản tăng vào hôm qua nhưng lại giảm so với đầu năm là tỷ phú Hàn Quốc Lee Kun Hee - Chủ tịch Samsung, tăng 345 triệu USD nhưng giảm 769 triệu USD so đầu năm; tỷ phú Sun Hongbin hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và có quốc tịch Mỹ tăng 343 triệu USD nhưng giảm 1.1 tỷ USD so đầu năm.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ