Hà Nội, Thứ Hai Ngày 09/09/2024

Năm 2023 sẽ kiểm toán nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn

DTVN 11:21 15/12/2022

Năm 2023, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 129 nhiệm vụ, tập trung các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Petro Vietnam, BIDV, Vietin

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ban hành Quyết định số 1482/QĐ-KTNN về việc ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước.

Theo đó, năm 2023, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 129 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 49 nhiệm vụ so với năm 2022, tập trung kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Năm 2023, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và Báo cáo nợ công năm 2022; thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 tại 16 bộ, cơ quan Trung ương gồm: Tòa án Nhân dân tối cao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, VCCI, Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao, Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ, Bộ TN&MT, Văn phòng Chính phủ, Bộ VHTT&DL, Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 129 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 49 nhiệm vụ so với năm 2022.

Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 129 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 49 nhiệm vụ so với năm 2022.

Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 tại 11 bộ, cơ quan Trung ương.

Kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 tại 33 tỉnh, thành phố; Kiểm toán ngân sách địa phương năm 2022 tại 7 tỉnh, thành phố; Kiểm toán ngân sách địa phương và Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 tại 19 tỉnh, thành phố.

Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 7 cuộc kiểm toán hoạt động, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến: Bảo vệ môi trường, xử lý rác thải; việc quản lý sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích; nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế; Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế-xã hội vùng tài định cư thủy điện Sơn La (Đề án 666).

Cơ quan Kiểm toán sẽ thực hiện kiểm toán 23 chuyên đề (không tính khối cơ quan Đảng), bao gồm "Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15", "Việc quản lý và sử dụng Quỹ viễn thông công ích", "Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm"...

Kiểm toán 3 chương trình mục tiêu quốc gia về: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; để phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023 đối với chủ đề việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 28 cuộc kiểm toán (không tính lĩnh vực an ninh, quốc phòng), trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long; các dự án đường ven biển Việt Nam; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án xây dựng bệnh viện…

Đối với lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 16 cuộc kiểm toán, như: Ngân hàng Nhà nước; các tập đoàn, tổng công ty: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam…, và doanh nghiệp quốc phòng. Tại các cuộc kiểm toán này, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2022 của các cơ quan, đơn vị.

Lĩnh vực quốc phòng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 11 nhiệm vụ kiểm toán, gồm: Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2022 tại 8 đầu mối; kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2022 tại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đầu tư xây dựng sân bay quân sự tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận và dự án nâng cấp, cải tạo sân bay Chu Lai/Quân chủng Phòng không-Không quân; kiểm toán chuyên đề "Việc quản lý, sử dụng ngân sách thực hiện nhiệm vụ quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế xã hội của các đoàn kinh tế quốc phòng giai đoạn 2020-2022.

Lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 5 nhiệm vụ kiểm toán, gồm: Các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ Công an; 25 công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 17 tỉnh ủy, thành ủy; 1 cuộc kiêm toán chuyên đề và 1 cuộc kiểm toán dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, trong năm 2023, Kiểm toán Nhà nước sẽ trình ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024.

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nam-2023-se-kiem-toan-nhieu-tap-doan-doanh-nghiep-lon-d35176.html

Bạn đang đọc bài viết Năm 2023 sẽ kiểm toán nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật