Cục Thuế tỉnh Nghệ An vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với CTCP Nafoods Group (NAF).
Theo Quyết định này, Nafoods Group đã có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Nafoods Group bị phạt vi phạm hành chính về thuế với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng và phải khắc phục hậu quả.
Công ty bị truy thu thuế Nhà thầu nước ngoài năm 2018 hơn 61 triệu đồng, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp gần 31 triệu đồng, và còn lại là thuế giá trị gia tăng.
Song song đó, Nafoods Group bị truy hoàn thuế giá trị gia tăng qua thanh tra hơn 940 triệu đồng, nộp tiền chậm nộp thuế hơn 41 triệu đồng (tiền chậm nộp tính đến ngày 2/12). Như vậy, tổng số tiền truy thu, truy hoàn, tiền phạt, tiền chậm nộp mà Công ty phải nộp là 1,2 tỷ đồng.
Ngoài nộp phạt, Nafoods Group buộc phải điều chỉnh số lỗ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 là 2,9 tỷ đồng.
Tổng cộng các khoản Nafoods phải nộp truy thu, truy hoàn, tiền chậm nộp và tiền phạt là 1.243.133.601 đồng.
Đây không phải là lần duy nhất Nafoods Group bị Cục Thuế phạt. Trước đó, năm 2018, Nafoods Group cũng đã bị truy thu, xử phạt cả tỷ đồng tiền thuế.
Tháng 9/2019 vừa qua, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã xử phạt 4 triệu đồng đối với Nafoods do Công ty làm mất hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ.
Lũy kế 9 tháng, Nafoods Group đạt doanh thu 801 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ, đóng góp chính là mảng xuất khẩu với 700 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Nafoods Group chỉ đạt 40 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ nhưng chỉ mới thực hiện gần 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tăng trưởng lợi nhuận của Nafoods phần lớn đến từ các công ty con. Báo cáo riêng lẻ cho thấy, lợi nhuận công ty mẹ 9 tháng chỉ đạt 13 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với 97 tỷ đồng năm ngoái (giảm gần 87%).
Nguyên nhân là doanh thu tài chính 9 tháng đầu năm nay của công ty mẹ chỉ vỏn vẹn 2,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ mang về gần 100 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính lại tăng vọt lên hơn 22 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ mất hơn 2 tỷ đồng.
Như vậy, sau một thời gian tăng trưởng nóng (2013-2015), Nafoods tăng trưởng chậm lại và ngày càng hụt hơi, liên tiếp không đạt kế hoạch đề ra. Năm 2018, công ty này cũng chỉ đạt 45 tỷ đồng lợi nhuận, đạt 60% mục tiêu lợi nhuận của cả năm và giảm 42% so với năm 2017. Với kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay, Nafoods chắc chắn khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm.
Đặc biệt, báo cáo tài chính cũng cho thấy, nhiều khoản phải thu của Nafoods đã chuyển nợ xấu và phải trích lập dự phòng rủi ro 100%. Cụ thể là khoản nợ quá hạn không thanh toán 4,1 tỷ đồng của Công ty cổ phần Tân Tân, khoản nợ quá hạn 1,26 tỷ đồng của Công ty TNHH màu xanh Đổi mới, hơn 1 tỷ đồng của khách mua lẻ cây giống, khoản nợ 300 triệu đồng của Công ty cổ phần bánh kẹo ANCO. Đấy là chưa kể hơn 8 tỷ đồng các khoản phải thu về lãi trả chậm phát sinh từ các khoản nợ quá hạn trên.
Tại ngày 30/9/2019, nợ phải trả của Công ty lên tới 627 tỷ đồng (chủ yếu là nợ ngắn hạn), tăng mạnh so với mức 560 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm.
Mặc dù kết quả kinh doanh đi xuống song cổ phiếu NAF tăng khá mạnh từ đầu năm đến nay. Trên thị trường, mỗi cổ phiếu NAF đang được giao dịch với giá 24.600 đồng/CP, tăng gấp đôi so với đầu năm.
Được biết, Nafoods Group tiền thân là Công ty TNHH Thành Vinh thành lập vào ngày 26/8/1995 với vốn điều lệ ban đầu là 150 triệu đồng, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, dịch vụ kinh doanh nước giải khát có ga và chế biến kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm. Đến ngày 29/6/2010, Công ty chuyển đổi sang mô hình hoạt động công ty cổ phần, đổi tên thành CTCP Thực phẩm Choa Việt. Đến nay, Công ty được đổi tên thành CTCP Nafoods Group với vốn điều lệ là 300 tỷ đồng. |
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ