Ngành bán lẻ Việt Nam đang ghi nhận những bước tăng trưởng đột phá.Triển vọng ngành bán lẻ là một trong những lý do quan trọng nhất khiến MWG, PNJ hiện nay nhận được sự ưu ái từ giới đầu tư.
Triển vọng ngành bán lẻ là một trong những lý do quan trọng nhất khiến các cổ phiếu trên nhận được sự ưu ái từ giới đầu tư.
Nhìn lại năm 2019, số liệu 10 tháng cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 3.083 ngàn tỷ đồng (tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái), nếu loại trừ yếu tố giá, thì mức tăng đạt 9,4%. Tăng trưởng chính đến từ nhóm sản phẩm Văn hóa – Giáo dục, Thực phẩm và Gia dụng.
Những đô thị cấp 1-2 đang cho thấy tốc độ tăng trưởng cao (trên 15%) so với các trung tâm kinh tế Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM (khoảng 12%)
Bên cạnh đó, mạng lưới bán lẻ hiện đại (tăng trưởng 19% về giá trị) tăng trưởng mạnh hơn kênh truyền thống (tăng trưởng 5% về giá trị).
Lãi ròng PNJ tăng 60% so với cùng kỳ
Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), doanh thu thuần tháng 11 của PNJ đạt 1.677 tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 136 tỷ đồng (tăng 60% so với cùng kỳ).
Lũy kế 11 tháng 2019, biên lợi nhuận gộp của PNJ tăng từ 19% của cùng kỳ 2018 lên mức 20,8% nhờ các hoạt động cơ cấu danh mục sản phẩm và nỗ lực tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Lũy kế 11 tháng, tỷ lệ chi phí bán hàng/lợi nhuận gộp giảm 2% so với cùng kỳ xuống còn 39,8%. Tỷ lệ chi phí quản lý doanh nghiệp/lợi nhuận gộp tăng từ 11,7% lên 13,7%.
Như vậy kết thúc 11 tháng, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.072 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.072 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ), hoàn thành 83% kế hoạch doanh thu và 91% kế hoạch lợi nhuận năm 2019.
PNJ hiện có 353 cửa hàng, bao gồm 286 cửa hàng PNJ Gold, 63 cửa hàng PNJ Silver, 4 cửa hàng CAO và 24 cửa hàng PNJ Watch.
MWG mục tiêu 1.000 cửa hàng Điện máy Xanh và 1.000 cửa hàng Bách hóa Xanh cuối tháng 12
MWG đặt mục tiêu nâng tỷ trọng doanh thu chuỗi Bách hóa Xanh từ khoảng 10% năm 2019 lên khoảng 20% vào năm 2020, tương đương khoảng 24.500 tỷ đồng. Được biết, lũy kế 11 tháng năm 2019, chuỗi Bách hóa Xanh đạt doanh thu hơn 9.400 tỷ đồng.
Theo đó, doanh thu thuần năm sau của MWG dự kiến đạt 122.554 tỷ đồng, tăng 13% so với kế hoạch cả năm 2019.
Lợi nhuận sau thuế năm 2020 dự kiến đạt 4.835 tỷ đồng, tăng trưởng 35%.
Cung cấp thêm thông tin, phía MWG cho biết hoạt động kinh doanh bán lẻ sản phẩm điện thoại, điện máy vẫn mang lại dòng tiền chính cho công ty năm 2020 khi chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh dự kiến đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu.
"Ngành hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu được kỳ vọng tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất (trên 100% so với năm 2019) và giúp chuỗi Bách hóa Xanh tăng gấp đôi phần đóng góp trong tổng doanh thu của MWG từ khoảng 10% năm 2019 lên xấp xỉ 20% năm 2020", phía MWG cho hay.
Luỹ kế 11 tháng năm 2019, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 93.086 tỷ đồng (tăng trưởng 18%) và lợi nhuận sau thuế đạt 3.542 tỷ đồng (tăng trưởng 34%) so với cùng kỳ năm 2018.
Với kết quả này, MWG hoàn thành 86% kế hoạch doanh thu và 99% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
MWG mở mới trung bình 4 cửa hàng mỗi ngày trong tháng 11. Tới thời điểm 30/11, MWG có 2.929 cửa hàng, tăng thêm 117 cửa hàng so với cuối tháng 10. Trong đó, chuỗi Điện máy Xanh có 983 cửa hàng, tăng thêm 46 cửa hàng mới do cả mở mới và chuyển đổi từ cửa hàng Thế giới di động. Chuỗi Bách hóa Xanh thêm 72 điểm bán, nâng tổng số cửa hàng Bách hóa Xanh lên 938.
"Công ty đang đẩy nhanh tiến độ mở rộng, hướng tới mục tiêu 1.000 cửa hàng Điện máy Xanh và 1.000 cửa hàng Bách hóa Xanh cuối tháng 12/2019", phía MWG cho biết.
Cổ phiếu ngành hấp dẫn
Đúng như dự báo của các nhà phân tích trong những tháng trước, nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp, tại thời điểm trung tuần quý IV/2019, nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ đang đã chứng tỏ được sức hấp dẫn trên sàn chứng khoán, xứng đáng được lựa chọn để “chọn mặt, gửi tiền” dịp cuối năm.
Sự khả quan của ngành này còn được thể hiện qua kết quả kinh doanh tích cực trong ba quý đầu năm của các doanh nghiệp bán lẻ, nhất là các đơn vị đầu ngành.
Với kết quả kinh doanh khả quan, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động đã thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư và liên tục “phá đỉnh” trong năm 2019, bất chấp diễn biến thị trường chung không thực sự thuận lợi.
Cũng nằm trong khối bán lẻ, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) tại thời điểm ngày 11/12/2019, cổ phiếu MWG đang giao dịch tại mức giá 113.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 30% so với mức 85.530 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh) hồi đầu năm, vốn hóa thị trường đạt hơn 50.000 tỷ đồng. Trước đó, hồi cuối tháng 9, cổ phiếu MWG đã đạt mức giá 128.000 đồng/cổ phiếu.
Theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, mức giá hiện tại vẫn chưa phản ánh được hết giá trị thực của cổ phiếu MWG.
Trong một động thái cách đây không lâu, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã bất ngờ nâng giá mục tiêu mỗi cổ phiếu MWG thêm tới 31%, lên 215.000 đồng/cổ phiếu. Cơ sở của việc nâng mạnh giá mục tiêu lần này là VCSC nâng dự báo lãi ròng các năm 2019, 2020, 2021 thêm lần lượt 5%, 12%, 15%, xuất phát từ việc tăng giả định doanh số/cửa hàng của chuỗi siêu thị mini và cập nhật mô hình định giá.
Tương tự, cổ phiếu PNJ cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao từ vùng giá 66.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh) lên mức 84.100 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 11/12/2019, tương đương mức tăng 26% kể từ đầu năm.
Trước đó hồi giữa tháng 8, cổ phiếu PNJ đã chinh phục thành công ngưỡng 87.000 đồng/cổ phiếu nhưng sau đó đã điều chỉnh về mức giá hiện nay. Nguyên nhân có thể đến từ việc điều chỉnh kỹ thuật, một phần cũng có thể đến từ việc thị trường thiếu tích cực trong thời gian qua.
Mới đây nhất, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đã đưa ra mức giá mục tiêu cho cổ phiếu PNJ tại mức 95.988 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2020, tương đương tổng tỷ suất sinh lợi đạt 17,4%, đồng thời duy trì khuyến nghị mua và chuyển giá mục tiêu sang năm tới.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ