Năm 2012 doanh nghiệp này đã trình phương án mà đối tác đồng ý hỗ trợ 720 tỷ đồng để di dời nhà máy. Thế nhưng sau đó, Tập đoàn Hoành Sơn chỉ mất 435 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ này.
Đại gia Phạm Hoành Sơn ngồi ghế Chủ tịch Cao su Sao Vàng thế nào?
Theo tài liệu bổ sung đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần 1 năm 2019 hồi tháng 11-12/2019 có liên quan đến việc miễn nhiệm và đề cử nhân sự vào HĐQT nhiệm kì 2016-2021, nhóm cổ đông sở hữu 36% (Vinachem) tổng số cổ phần có quyền biểu quyết gồm các ông Lâm Thái Dương, Nguyễn Việt Hùng và Nguyễn Thanh Tùng đề cử ông Nguyễn Thanh Tùng tiếp tục giữ vị trí thành viên HĐQT Cao su Sao Vàng.
Được biết, ông Tùng là cán bộ lâu năm, gia nhập Cao su Sao Vàng từ tháng 5/1995 và trở thành Thành viên HĐQT kể từ tháng 4/2016. Ông là người được ủy quyền đại diện phần vốn góp của Vinachem.
Thế nhưng, điều này không được nhóm cổ đông lớn tại Cao su Sao Vàng đồng ý. Cụ thể, cổ đông Nguyễn Tiến Ngọc, người nắm gần 1,75 triệu CP SRC, tương đương 6,22% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đề nghị ĐHĐCĐ xem xét miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Thanh Tùng.
Theo vị cổ đông này, việc miễn nhiệm như đề nghị nêu trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông ngoài Nhà nước tham gia vào quản lý doanh nghiệp bởi lẽ tỉ lệ sở hữu của Nhà nước đã thay đổi từ ngày 26/6/2019, sau khi Vinachem đấu giá bán 15% cổ phần ra bên ngoài.
Bên cạnh với đề xuất miễn nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng, ông Nguyễn Tiến Ngọc đề cử ông Phạm Hoành Sơn - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoành Sơn vào HĐQT Cao su Sao Vàng.
Theo đó, HĐQT Cao su Sao Vàng bao gồm 7 thành viên. Trong đó, nhóm cổ đông liên quan đến tập đoàn Hoành Sơn từ tỉnh Hà Tĩnh giữ 2/7 ghế.
Cuộc họp HĐQT Cao su Sao Vàng diễn ra vào ngày 28/12, ngay sau khi công ty tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 diễn ra vào ngày 16/12. Tại cuộc họp này, ông Phạm Hoành Sơn đã vượt qua ông Phạm Thanh Tùng, một cán bộ thâm niên tại Cao Su Sao Vàng với tỉ lệ 55,74%/44,19% số cổ phần có quyền biểu quyết để vào HĐQT. Như vậy, việc đề cử ông Phạm Hoành Sơn thay ông Nguyễn Thanh Tùng được thông qua, nhóm này đã nắm hơn 3/7 ghế trong HĐQT.
62.400m2 “đất vàng” bị thâu tóm với giá rẻ bất ngờ!
Việc ông Hoành Sơn ngồi ghế Chủ tịch Cao su Sao vàng có vẻ như đã là kịch bản được chuẩn bị sẵn từ nhiều năm trước.
Đáng chú ý, khu đất 62.400m2 tại 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội được SRC lên kế hoạch rậm rịch làm dự án tổ hợp thương mại từ hồi 2008 - 2009, cùng với chủ trương nhà máy Cao su Sao Vàng di dời ra ngoại thành.
Vì thế, lô đất đã lọt vào “tầm ngắm” của nhiều đại gia bất động sản. Giữa năm 2012, tưởng chừng như dự án này đã thai nghén hoàn thành khi một liên doanh đối tác gồm Tập đoàn Phú Mỹ và Công ty CP bất động sản Việt Hưng hợp tác đầu tư. Thậm chí, khi đó Cao su Sao Vàng trình các cổ đông phương án mà đối tác đồng ý hỗ trợ di dời nhà máy với kinh phí 720 tỷ đồng, tương đương khoảng 12,4 triệu đồng/m2. Mức chi phí này ngang bằng với giá một số dự án tương tự ở xung quanh.
Tuy nhiên, phương án này đã không có sự đồng thuận của cổ đông nội bộ, đặc biệt vấp phải sự phản đối của cổ đông lớn nhất của Cao su Sao Vàng là Vinachem (sở hữu 51%). Với nhiều lý do, trong đó có lý do là khu đất chưa được định giá rõ, năng lực đối tác chưa được thẩm định, tính khả thi của liên doanh này (Việt Hưng và Phú Mỹ) cũng là dấu hỏi.
Đến gần cuối 2015, bất ngờ Tập đoàn Hoành Sơn, một đơn vị ở Hà Tĩnh, không phải là công ty kinh doanh chuyên nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, lại được lựa chọn là đối tác. Hoành Sơn hỗ trợ 435 tỷ đồng để SRC di dời nhà máy. Việc này đồng nghĩa với giá trị khu đất vàng....thấp hơn gần một nửa giá trị so với hồi 2012, cách đó 3 năm.
Tại ĐHCĐ Cao su Sao Vàng liền sau đó, 2 bên đã nhất trí lập công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó Cao su Sao Vàng góp 26% để triển khai dự án này. Lãnh đạo Cao su Sao Vàng còn cho rằng thực chất số tiền góp vào công ty là do đối tác “nộp hộ” cho công ty.
Nhiều chuyên gia nhận định, kịch bản này được Vinachem hỗ trợ để Cao su Sao Vàng vội vàng gán nợ 26 tỷ đồng bằng cổ phần cho Tập đoàn Hoành Sơn.
Sau khi thông qua đại hội cổ đông, bản hợp đồng giữa Cao su Sao Vàng và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đã được ký kết giữa tháng 6/2016.
Công ty này có vốn điều lệ tại thời điểm lập là 100 tỷ đồng. Trong đó Hoành Sơn góp 74%, CTCP Cao Su Sao Vàng góp 26% - bằng nguồn vốn vay lãi suất 0% của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn. Tuy nhiên, để thực hiện dự án trên khu "đất vàng" của Cao Su Sao vàng, Hoành Sơn khó có thể để vốn điều lệ công ty liên kết kể trên ở mức 100 tỷ đồng?!
Theo đó, từ cuối năm 2015, ngày 24/11/2015, SRC đã thông báo dự kiến thành lập công ty với vốn điều lệ ban đầu là 1.673 tỷ đồng.
Tại ĐHCĐ tháng 4/2016, lãnh đạo SRC cũng cho rằng, nếu theo đúng dự kiến với vốn điều lệ ban đầu, nếu SRC đóng 26% thì công ty không có đủ tiền góp vốn. Do vậy công ty học tập kinh nghiệm từ các công ty khác, lập công ty ban đầu có vốn nhỏ 100 tỷ đồng. Và Dự án 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội không phải là mục tiêu của công ty hiện nay bởi công ty không có tiền, mà trên thực tế chỉ là sang nhượng quyền sử dụng đất cho bên thứ 2, còn SRC tập trung vào việc di dời nhà máy.
Trên thực tế, SRC có khó khăn đến nỗi không có 26 tỷ đồng để đến mức phải dễ dàng “buông” công ty dự án tại khu đất trụ sở cũ hay không?
Chúng ta hãy xem tình hình tài chính công ty này xem sao: Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp này đạt 1.541,9 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2015. Nhưng lợi nhuận tăng trưởng tốt, lợi nhuận sau thuế năm 2016 của SRC đạt 172,7 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2015.
Khi đó nhiều cổ đông nghi ngờ năng lực của CTCP Tập đoàn Hoành Sơn và đề nghị phủ quyết tờ trình về việc SRC hợp tác với Hoành Sơn làm dự án tại khu đất 231 Nguyễn Trãi. Khi đó, ban lãnh đạo công ty thuyết phục các cổ đông: Dự án này manh nha triển khai từ khoảng 2008 - 2009. Vào thời kỳ trên, công ty cũng đã bàn đến phương án thành lập liên doanh 3 công ty với vốn ban đầu là 1.300 tỷ đồng: Việt Hưng, Phú Mỹ và SRC, trong đó SRC chỉ đóng góp 10% vốn. Lúc đó Nhà nước chưa có quy định cấm các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành. Chính phủ lúc đó cũng chưa có quy định quản lý về sử dụng đất về đất sản xuất công nghiệp trong thành phố. Ngoài ra, bất động sản thời điểm đó khá "nóng" nên đối tác đưa ra giá hơn 700 tỷ đồng, tuy nhiên chưa có hợp đồng nào để ký kết, chỉ mới đưa ra giá.
Tại đại hội, cổ đông vẫn còn phiếu phủ quyết việc hợp tác với Hoành Sơn và cho đến bây giờ, không ít cổ đông của SRC vẫn tỏ ra “bất mãn” với quyết định của ban lãnh đạo. Điều này cũng dễ hiểu bởi cổ đông cho rằng thương vụ hợp tác này không khác một vụ thâu tóm là mấy. Hoành Sơn bỏ ra 458 tỷ đồng để đổi lấy việc khai thác dự án trên khu "đất vàng" có giá hàng nghìn tỷ đồng.
Thâu tóm một dự án đất vàng với giá rẻ và cuối cùng nắm toàn bộ hoạt động kinh doanh cũng như đất vàng của Cao su Sao vàng, mới thấy được sức mạnh và nước cờ cao tay của Hoành Sơn, đại gia nhiều tiếng tăm từ địa phương Hà Tĩnh.
Nhà máy cao su Sao Vàng thành lập từ năm 1960, chuyên sản xuất các loại săm lốp máy bay, ôtô, xe đặc chủng, xe máy, xe đạp và các sản phẩm cao su kỹ thuật. Kế hoạch di dời nhà máy này về Hà Nam đã được phê duyệt từ nhiều năm trước.