Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Gỡ 'nút thắt vốn' cho doanh nghiệp Bắc Bộ: Vướng những lý do muôn thuở

DTVN 16:12 11/10/2019

Hầu hết doanh nghiệp đều không đáp ứng được điều kiện về tài sản bảo đảm của ngân hàng hoặc tài sản không đủ điều kiện pháp lý để thế chấp do không được cấp giấy phép quyền sử dụng và sở hữu tài sản.

Các đại biểu tham dự tại hội nghị. (Ảnh: CTV)

"Ngân hàng Nhà nước cố gắng điều hành lãi suất theo hướng ổn định, xu hướng giảm dần khi điều kiện vĩ mô và các chỉ số cho phép. Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành 0,25% đã tác động tích cực tới các doanh nghiệp, là hiệu ứng để các ngân hàng thương mại có động thái giảm lãi suất cho vay. Thời gian tới, trong điều kiện cho phép, ngành ngân hàng sẽ giảm lãi suất, hỗ trợ vốn, tài chính cho doanh nghiệp."

Đó là phát biểu của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Hội nghị Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ diễn ra ngày 11/10 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Doanh nghiệp mong muốn được ưu đãi lãi suất hơn nữa

Tại hội nghị, ông Lưu Quang Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Phương Trung cho biết, Công ty được thành lập từ năm 2008, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất vỏ bao ximăng, sản xuất và xuất khẩu vải dệt PP, kinh doanh thương mại ximăng và thương mại hạt nhựa. Công ty chủ yếu vay vốn tại BIDV chi nhánh Hải Phòng vì cơ chế khá thông thoáng với những doanh nghiệp sản xuất có quy mô vừa, cả về điều kiện tài sản đảm bảo lẫn cơ chế lãi suất.

"Công ty chúng tôi được tiếp cận gần hơn với vốn vay ngắn hạn, trung dài hạn của ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp tạo lập được cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị sản xuất hiện đại với thời gian và lãi suất phù hợp. Chính ngân hàng là nơi giúp cho doanh nghiệp hiểu biết thêm về kiến thức tài chính, tư vấn chính xác trong nghiệp vụ xuất nhập khẩu hàng hóa… góp phần không nhỏ giúp công ty giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập," ông Trung chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Trung, so với mặt bằng lãi suất cho các doanh nghiệp vay tại thị trường ASEAN thì lãi suất cho vay của Việt Nam có cao hơn một chút ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành của sản phẩm. Vì vậy, ông Trung đề xuất Ngân hàng Nhà nước cũng quan tâm hơn nữa đối với doanh nghiệp lớn, có các chính sách ưu đãi hơn nữa về lãi suất tương tự như doanh nghiệp vừa và nhỏ để các doanh nghiệp có thể tăng khả năng cạnh tranh.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Văn Thiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du thuyền Genesis Việt Nam cũng chia sẻ, công ty thành lập năm 2017, kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ đặc biệt là cung cấp tour du lịch nghỉ đêm trên vịnh Lan Hạ-Cát Bà-Hải Phòng. Ông Thiên cùng các cổ đông đã quyết định đóng mới một chiếc tàu du lịch vỏ thép 20 phòng với giá trị đầu tư lên tới 35 tỷ đồng.

Để thực hiện được phương án kinh doanh của mình, hiện nay doanh nghiệp đang thế chấp tài sản vay vốn tại Vietcombank và được ưu đãi lãi suất cho vay dài hạn đầu tư đóng tàu với mức cố định 8,9%/năm trong hai năm đầu, còn lại 5 năm tiếp theo sẽ được tính theo lãi suất thả nổi.

Ông Thiên cũng cho biết, với mức lãi suất như hiện nay, nhìn chung vẫn đang ở mức cạnh tranh và hợp lý, tuy nhiên ông Thiên cũng mong muốn mức lãi suất này có thể giảm tiếp thì sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Thiên cũng đưa ra đề xuất với các ngân hàng thương mại tại hội nghị cho doanh nghiệp vay theo hình thức chuỗi từ cung ứng nguyên liệu-sản xuất-tiêu thụ hàng hóa.

Là một tỉnh có tới gần 14.000 doanh nghiệp, trong đó có đến 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp tại đây đã được ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương, bên cạnh đó vẫn còn có khách hàng, trong đó có các doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Ông Đoan cho biết, các ngân hàng thường yêu cầu về tài sản đảm bảo, đây là một trong những rào cản đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức.

"Mặc dù cơ chế cho phép doanh nghiệp có thể vay có tài sản bảo đảm hoặc tín chấp không cần tài sản nhưng trên thực tế các doanh nghiệp khi muốn vay vốn từ ngân hàng hay các quỹ hỗ trợ tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh thường phải có tài sản thế chấp," ông Đoan nhấn mạnh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sẽ gỡ khó cho doanh nghiệp

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, một số hiệp hội doanh nghiệp kêu vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng là do số liệu báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu minh bạch, chưa theo kịp các chuẩn mực kế toán. Đây là những rào cản lớn khi tiếp cận vốn từ ngân hàng, trong khi các quy định về cho vay ngày càng chặt chẽ, chuẩn mực quản trị rủi ro cũng tăng.

Cũng theo lãnh đạo Vietcombank, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung, các doanh nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng đều không đáp ứng được điều kiện về tài sản bảo đảm của ngân hàng hoặc tài sản không đủ điều kiện pháp lý để thế chấp cho ngân hàng do không được cấp giấy phép về quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng nền kinh tế cuối năm 2018 tăng gần 14%, đến 4/10, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng, tăng 8,95% so với cuối năm 2018.

Riêng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch của trên 80 tổ chức tín dụng và gần 320 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, huy động vốn để đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng luôn tăng trưởng với số dư huy động bình quân gấp hơn 1,5 lần dư nợ tín dụng. Đến cuối tháng Chín, dư nợ tín dụng đạt 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,98% so với 31/12/2018 và chiếm khoảng 33,1% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết một số doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ còn gặp khó khăn và chưa đủ điều kiện vay vốn. Nguyên nhân là do năng lực quản trị còn yếu, không đảm bảo tỷ lệ tham gia vốn tự có, thiếu kinh nghiệm, không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không đủ điều kiện thế chấp...

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc bàn giao mặt bằng, các thủ tục về xây dựng phục vụ sản xuất kinh doanh, thiếu thông tin về quy hoạch, định hướng phát triển các ngành theo từng địa bàn, chưa có chính sách hỗ trợ lãi suất để đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao cạnh tranh...

Tiếp thu những ý kiến đề xuất, Phó Thống đốc cho biết, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng và các sản phẩm dịch vụ hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu tài chính của doanh nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng để tăng cường khả năng cung ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp.

Ngành ngân hàng cũng tiếp tục xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp khi gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, chưa thể trả được nợ đúng hạn theo quy định.

Cũng theo Phó Thống đốc, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục coi đối thoại với doanh nghiệp là giải pháp tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng. Qua đó kịp thời nhận diện khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ phù hợp cho các doanh nghiệp./.

Theo Thúy Hà (Vietnam+)/TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Gỡ 'nút thắt vốn' cho doanh nghiệp Bắc Bộ: Vướng những lý do muôn thuở tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp