Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Công ty Phạm Nguyên kiện ngược Hải quan sau khi bị tố giả nhãn hiệu bánh “ChocoPie”

Mai Hương 12:04 11/03/2020

Sau khi bị UBND TP. HCM xử phạt 246 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ 1.200 thùng bánh giả mạo nhãn hiệu “ChocoPie”, Công ty Phạm Nguyên kiện ngược Hải quan, vụ việc được tiếp tục xét xử chiều 11/3.

Công ty Phạm Nguyên có 'nhái' ChocoPie của Công ty Orion?

Ngày 13-1-2016, Chi cục trưởng Chi cục HQCKCSGKV1 đã ra quyết định (QĐ) số 150/QĐ-SHTT tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng “Choco Pie” của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và bánh kẹo Phạm Nguyên (Công ty Phạm Nguyên) vì có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Cụ thể là được xác định có chứa yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu ChocoPie của Công ty Orion đã được bảo hộ.

Trước đó, liên quan đến vụ việc này, trước đó, theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 (HQCKCSGKV1), vào ngày 12-1-2016, đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu ChocoPie (Công ty Orion) có đơn yêu cầu tạm dừng thông quan lô hàng trên.

Đến ngày 14-1-2016 Chi cục HQCKCSGKV1 cùng Đội 4 - Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan với sự chứng kiến của Công ty PN, đại diện ủy quyền của Công ty Orion đã mở kiểm tra lô hàng và lấy mẫu niêm phong, lập phiếu trưng cầu giám định.

Ngày 22/1/2016, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ có Kết luận số NH019-16TC/KLGĐ đối với lô hàng bánh “Choco Pie” của Công ty Phạm Nguyên:“Dấu hiệu Choco Pie gắn trên vỏ hộp sản phẩm bánh bọc sô cô la nhân dẻo Choco Pie xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 16915 ngày 31/5/1995, 23610 ngày 1/8/1997 và 29923 ngày 3/3/1999 do Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho Công ty Orion Corporation”.

Bánh nhãn hiệu “Choco.Pie” đã được bảo hộ (bên trái) và bánh giả mạo nhãn hiệu “Choco Pie” (bên phải)

Đến ngày 4/12/2017, UBND TP.HCM đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Phạm Nguyên, với mức phạt là 246 triệu đồng do có hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Choco Pie, trùng, khó phân biệt với nhãn hiệu “ChocoPie” đã được bảo hộ.

Cụ thể, Công ty Phạm Nguyên bị xử phạt với các hình thức sau: Phạt tiền với mức phạt 246.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, cụ thể: Sản xuất bánh mang dấu hiệu “Choco Pie” trùng/khó phân biệt với nhãn hiệu “ChocoPie” được bảo hộ.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, gồm 600 thùng bánh “Choco Pie 168” (28g X 6 cái X 16 hộp/thùng) và 600 thùng bánh “Choco Pie 336” (28g X 12 cái X 8 hộp/thùng), theo quy định tại Điểm a Khoản 13 Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ.

Quyết định xử phạt hành chính của UBND TP.HCM.

Tuy nhiên, sau khi bị xử phạt, Công ty Phạm Nguyên bất ngờ khởi kiện hành chính đối với quyết định tạm dừng thông quan của Chi cục hải quan cửa khẩu khu vực 1 ban hành trong quá trình phát hiện, xử lý lô hàng hóa giả mạo nói trên.

Thông tin từ đại diện Chi cục HQCKCSGKV1 xác định: Công ty Phạm Nguyên đã khởi kiện hành chính đối với QĐ số 150/QĐ-SHTT của Chi cục HQCKCSGKV1. Sau khi có QĐ số 6300/QĐ-XPHC của UBND TP, Công ty Phạm Nguyên đã chấp hành nộp phạt theo quy định nhưng vẫn giữ nguyên việc khởi kiện.

Công ty Phạm Nguyên kiện ngược Hải quan

Cụ thể, Theo Công ty Phạm Nguyên, QĐ số 150/QĐ-SHTT không ban hành theo đúng mẫu quy định, vi phạm Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung 2009. Chi cục HQCKCSGKV1 tạm giữ hàng hoá khi chưa xác định được có vi phạm hay không; không ra QĐ tạm giữ; vi phạm thời hạn tạm giữ.

Theo đó, Công ty Phạm Nguyên khởi kiện đối với Quyết định hành chính số 150/QĐ-SHTT ngày 13/1/2016 của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1, hành vi tạm giữ hàng hóa của Công ty Phạm Nguyên và yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1 bồi thường thiệt hại.

Cụ thể, Công ty Phạm Nguyên yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 150/QĐ-SHTT của Chi cục Hải quan; buộc đơn vị này chấm dứt hành vi tạm giữ trái pháp luật đối với lô hàng của Công ty Phạm Nguyên đồng thời bồi thường thiệt hại hai khoản, gồm giá trị lô hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hơn 8.560 USD (191.978.631 đồng) và tiền lưu container, lưu bãi là 19.734 USD (442.534.950 đồng). Tổng cộng hai khoản mà Công ty Phạm Nguyên yêu cầu là 634.513.581 đồng.

Trước yêu cầu khởi kiện của Công ty Phạm Nguyên, Vụ kiện đã được TAND TP Hồ Chí Minh thụ lý và đưa ra xét xử ngày 26/2/2020. Tại các phiên hòa giải, đối thoại cũng như tại phiên tòa, đại diện Chi cục Hải Quan chứng minh đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, hoàn toàn không có lỗi nên đề nghị toà bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Phạm Nguyên. Đại diện Công ty Orion cũng có đề nghị tương tự. Đại diện Chi cục Hải Quan trình bày rõ:

Thứ nhất, Quyết định số 150/QĐ-SHTT được ký, ban hành theo đúng quy định, trình tự thủ tục, theo Điều 73 và 74 Luật Hải quan. Do không có thẩm quyền xử lý hành vi xuất khẩu nên sau khi ban hành Quyết định trên, Chi cục Hải Quan đã báo cáo cấp trên (Cục Hải quan thành phố và Tổng cục Hải quan) đồng thời chuyển hồ sơ đến cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết đối với lô hàng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, Chi cục Hải quan không ban hành Quyết định gia hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan là đúng quy định vì quyết định này chỉ được lập khi chưa có kết luận của cơ quan giám định hoặc ý kiến chuyên môn. Trong khi trường hợp này đã được Viện Khoa học sở hữu trí tuệ kết luận giám định trong thời hạn quy định (9 ngày) và kết luận hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ.

Thứ ba, Sau khi ban hành Quyết định số 150/QĐ- SHTT, Chi cục Hải quan không ban hành Quyết định tạm giữ hàng hoá hay bất cứ quyết định nào khác, nên không thể nói Chi cục Hải quan tạm giữ trái pháp luật đối với hàng hóa của Công ty Phạm Nguyên. Hàng hoá xuất khẩu muốn thông quan phải hoàn tất thủ tục hải quan. Do đây là hàng hoá vi phạm nên phải xử lý xong mới được thông quan hàng hoá.

Thứ tư, Chi cục đã có rất nhiều báo cáo, đề xuất đến các cấp có thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Vụ việc bị kéo dài do chính lỗi của Công ty Phạm Nguyên đã nộp đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực các Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu ChocoPie dẫn tới việc phải dừng xử lý để chờ kết quả giải quyết tranh chấp của Cục Sở hữu trí tuệ. Việc giải quyết tranh chấp kéo dài từ tháng 1/2016 đến tháng 7/2017, không phải do lỗi của Chi Cục Hải quan nên Công ty Phạm Nguyên yêu cầu cơ quan Hải quan bồi thường chi phí lưu container và lưu bãi là không có cơ sở.

Thứ năm, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ đã lập Đoàn thanh tra và có Kết luận thanh tra ngày 7/12/2017, khẳng định: Công ty Phạm Nguyên đã có hành vi thể hiện dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, vi phạm Điểm b, Khoản 1, Điều 211, Luật Sở hữu trí tuệ. Như vậy, Chi Cục Hải quan tạm dừng thông quan theo đề nghị của phía Công ty Orion là đúng, nên việc Công ty Phạm Nguyên yêu cầu bồi thường lô hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu là không có căn cứ.

Vụ án được TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử ngày 26/2/2020, nhưng chỉ tiến hành được vài giờ thì HĐXX cho tạm dừng để các bên cung cấp thêm chứng cứ. Chiều nay, ngày 11/3/2010, phiên tòa sẽ được mở để tiếp tục xét xử và dư luận đang chờ một phán quyết đúng pháp luật.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/cong-ty-pham-nguyen-kien-nguoc-hai-quan-sau-khi-bi-to-gia-nhan-hieu-banh-chocopie-d71571.html

Bạn đang đọc bài viết Công ty Phạm Nguyên kiện ngược Hải quan sau khi bị tố giả nhãn hiệu bánh “ChocoPie” tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp