Viet Capital Bank: Kết thúc 2019, chỉ tiêu nợ xấu vẫn là ẩn số
Vừa qua, ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) vừa công bố BCTC hợp nhất quý IV/2019. Lãi thuần đạt 243 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngân hàng Bản Việt tiếp tục không công bố đầy đủ báo cáo tài chính gồm cả phần thuyết minh như các năm trước nên chỉ tiêu nợ xấu vẫn là ẩn số của nhà băng này.
Theo báo cáo, lũy kế 2019, ngân hàng lãi thuần 932 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 38 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư là 101 tỷ đồng, gấp 2 lần năm trước. Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 13% còn 27 tỷ đồng.
Ngân hàng Bản Việt tiếp tục không công bố đầy đủ báo cáo tài chính gồm cả phần thuyết minh như các năm trước nên chỉ tiêu nợ xấu vẫn là ẩn số của nhà băng này. |
Riêng quý 4/2019 lợi nhuận sau thuế đóng góp hơn 59 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 21 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động là 868 tỷ đồng, tăng 24%. Chi phí dự phòng là 110 tỷ đồng, giảm 13%. Ngân hàng lãi trước thuế gần 158 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước nhưng không đạt kế hoạch 205 tỷ đồng được cổ đông thông qua từ đầu năm.
Kết thúc năm 2019, tổng tài sản đạt 51.809 tỷ đồng, tăng 11,3% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng tăng 14,2% lên 33.542 tỷ đồng. Ngân hàng không công bố chi tiết số liệu nợ xấu. Tiền gửi khách hàng tăng nhẹ 5,1% lên 35.219 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2019, cho vay khách hàng của Ngân hàng Bản Việt tăng khá 14,5% lên 33.994 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng cũng tăng 5% khi đạt 35.218 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2019, Ngân hàng đã xử lý nợ và tất toán được trên 80% và dự kiến ngay trong quý 1/2020 sẽ xử lý xong toàn bộ nợ đã bán cho VAMC.
Viet Capital Bank không đưa ra thông tin nợ xấu trong thời gian dài
Trong báo cáo tài chính quý 3/2019, Viet Capital Bank tiếp tục không công bố thuyết minh báo cáo tài chính, do đó không có thông tin về nợ xấu.
Tại Việt Nam, lộ trình áp dụng Basel II được Ngân hàng Nhà nước đưa ra gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm áp dụng tại 10 ngân hàng từ tháng 2/2016, gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank. Giai đoạn 2 là cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn này.
Trong bối cảnh Viet Capital Bank không công bố thông tin chi tiết về nợ xấu mà ngân hàng vẫn được áp dụng tiêu chuẩn Basel II quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng khiến các nhà đầu tư và nhà băng khác không khỏi bất ngờ.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã soát xét, Viet Capital Bank cũng không công bố hợp phần thuyết minh. Ngoài ra, các báo cáo tài chính đã soát xét mà VietTimes đề cập được nhà băng này gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cũng ghi nhận tình trạng trên.
Việc báo cáo tài chính “thiếu” thuyết minh dường như vẫn đủ để Viet Capital Bank đáp ứng các yêu cầu về công bố thông tin. Song, với một nhóm ngành mà tính minh bạch luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu như ngành ngân hàng, nhà đầu tư sẽ không khỏi băn khoăn về trường hợp của nhà băng này.
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cũng đã có thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán cho tổ chức phát hành là Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank).
Cụ thể, VSD sẽ nhận lưu ký 317,1 triệu cổ phiếu BVB của Viet Capital Bank kể từ ngày 16/9/2019. Thông báo của VSD cũng cho biết, ngân hàng này đăng ký giao dịch cổ phiếu BVB trên sàn UPCOM tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Mặc dù sắp lên sàn chứng khoán nhưng việc minh bạch trong công bố thông tin nhất là tình hình nợ xấu vẫn là vấn đề đáng lưu tâm của nhà băng này.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ