Hà Nội, Thứ Ba Ngày 16/04/2024

Viễn cảnh tiêu cực của ngành ngân hàng trong nửa cuối năm

DTVN 15:19 01/09/2020

SSI dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 sẽ chỉ ở mức 7,5-8,5%, đồng thời nêu quan điểm "Tiêu cực" về ngành ngân hàng trong phần còn lại của năm.

Theo SSI, nửa cuối năm, nợ tái cơ cấu sẽ tiếp tục tăng làm biên lợi nhuận giảm sâu hơn nữa; cùng với đó, các ngân hàng cũng phải đối mặt với áp lực thoái lãi dự thu và gia tăng trích lập dự phòng.

SSI nêu quan điểm "Tiêu cực" về ngành ngân hàng trong phần còn lại của năm

7 điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh của các ngân hàng nửa đầu năm

Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố nêu ra 7 điểm đáng chú ý về hoạt động kinh doanh của 12 ngân hàng niêm yết trong phạm vi theo dõi của công ty chứng khoán này trong 6 tháng đầu năm 2020.

Thứ nhất, các ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh ở mức vừa phải với tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình là 14,2%. Có sự phân hóa giữa top các ngân hàng quốc doanh (bao gồm Vietcombank, BIDV và VietinBank), có tăng trưởng tín dụng ảm đạm (2,25%) và tăng trưởng lợi nhuận trước thuế thấp hơn (7,3%). Trong khi đó, các ngân hàng tư nhân đạt tăng trưởng tín dụng cao hơn (6,9%) và tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao hơn (19,7%).

Thứ hai, tăng trưởng tín dụng nhìn chung yếu. Tính toán của SSI cho thấy tăng trưởng tín dụng trung bình đạt 3,65%, bằng một nửa mức 7,4% trong nửa đầu năm 2019.

Khách hàng doanh nghiệp lớn và trái phiếu doanh nghiệp là động lực tăng trưởng chính với tăng trưởng cao nhất là 6,1%, có thể kể đến một số ngân hàng bao gồm VPBank, TPBank, Techcombank và MB. Tăng trưởng cho vay cá nhân đạt 2,9%, dẫn đầu là Vietcombank, ACB và VIB. Tăng trưởng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) xếp vị trí thấp nhất khi đạt 1,8%.

Thứ ba, lãi suất huy động giảm mạnh. Tính toán cho thấy tăng trưởng nguồn vốn huy động bình quân cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng, đạt 4,75%, dẫn đến thanh khoản dồi dào với hệ số LDR (tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động) giảm trong toàn hệ thống. Tỷ lệ LDR trung bình giảm xuống mức thấp nhất trong 8 quý qua.

Cùng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần giảm lãi suất vào tháng 3 và tháng 5, giảm mức trần lãi suất huy động từ 0,6 đến 0,75 điểm% cho kỳ hạn từ dưới 1 tháng đến 6 tháng. Đến cuối tháng 7, lãi suất huy động toàn ngành đã giảm từ 0,9 đến 2,1 điểm% trên tất cả các kỳ hạn.

Điểm đáng chú ý thứ tư là NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên - phản ánh mức độ hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng) thu hẹp.

Theo đó, bất chấp xu hướng giảm lãi suất huy động và chi phí vốn, NIM trung bình giảm 0,39 điểm% trong quý II/2020, do các ngân hàng triển khai các gói hỗ trợ miễn/giảm lãi suất cho vay và tái cơ cấu nợ (tương đương khoảng 2,1% tổng dư nợ cho vay). Thu nhập lãi ròng (NII) tăng trưởng hạn chế, chỉ 6,9%, so với mức tăng 18% nửa đầu năm 2019.

Thứ năm, thu nhập ngoài lãi tăng khá. Tổng thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng trong diện theo dõi tăng trưởng khá ở mức 15,1% nhờ hoạt động kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán. Trong khi đó, tăng trưởng thu nhập từ phí ở mức khiêm tốn (8%) và thu nhập từ nợ xấu đã xóa giảm (-22%).

Thứ sáu, chi phí hoạt động được quản lý tốt. Tổng chi phí hoạt động (OPEX) tăng nhẹ 4% và hệ số CIR (tỷ lệ tổng chi phí hoạt động/tổng thu nhập hoạt động) giảm 1,7 điểm% xuống 37,1% do chi phí được kiểm soát tốt hơn.

Thứ bảy, việc tái cơ cấu nợ đã giúp giảm mức tăng nợ xấu và giảm bớt áp lực trích lập dự phòng.

Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2020, tổng nợ tái cơ cấu toàn ngành theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN là 177 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,1% tổng tín dụng. Đối với các ngân hàng nằm trong phạm vi nghiên cứu của SSI, nợ vay tái cơ cấu tăng lên 120,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,7% tổng dư nợ, trong đó BIDV và VPBank chiếm hơn một nửa.

Nợ xấu (tổng nợ Nhóm 3, Nhóm 4 và Nhóm 5) tăng 18,1% trong nửa đầu năm, trong khi nợ Nhóm 2 tăng 15,4%, cho thấy viễn cảnh tăng nợ xấu mới hình thành trong nửa cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng 0,2 điểm% lên 1,63%. Techcombank và VPBank là hai ngân hàng duy nhất có tỷ lệ nợ xấu giảm, phần lớn là do tích cực xóa nợ (Techcombank) và tái cơ cấu lượng lớn nợ (VPBank).

Mặt khác, HDBank và LienVietPostBank đã xử lý hết trái phiếu VAMC còn lại (đây là một thành tựu mang tính bước ngoặt làm thay đổi kết quả tài chính trong tương lai), trong khi VietinBank giảm 46% giá trị ròng trái phiếu VAMC.

Tỷ lệ nợ xấu kết hợp của các ngân hàng trong diện theo dõi, bao gồm cả trái phiếu VAMC, tương đối ổn định ở mức 2,29% so với mức 2,26% trong năm 2019.

Chi phí dự phòng tăng vọt trong quý I/2020 (tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái), nhưng giảm trong quý II/2020 (giảm 13%) cùng với đà tăng nợ tái cơ cấu. Nếu bao gồm trái phiếu VAMC, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu có xu hướng tăng.

Tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 dự báo chỉ 7,5-8,5%, viễn cảnh tiêu cực nửa cuối năm

Tính đến cuối tháng 7/2020, tổng tín dụng toàn hệ thống tăng nhẹ 3,7% so với đầu năm, so với mức tăng 3,65% trong 6 tháng đầu năm 2020 và bằng một nửa mức tăng trưởng 7,5% trong 7 tháng năm 2019.

"Chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ nằm trong khoảng 7,5-8,5%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu của Ngân hàng Nhà nước là 11-14%. Nhu cầu tín dụng có thể tiếp tục suy yếu do cả nước hiện đang đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai trong khi các ngân hàng có thể sẽ không hạ tiêu chí cấp tín dụng", nhóm chuyên gia của SSI dự báo.

Theo SSI, cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn và trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng, trong khi tăng trưởng tín dụng mảng bán lẻ sẽ không mạnh mẽ như trước. Tăng trưởng huy động ước tính tiếp tục duy trì mạnh mẽ, tạo thanh khoản dồi dào cho ngành ngân hàng trong nửa cuối năm 2020.

Đặc biệt, tác động của việc cắt giảm lãi suất huy động được dự báo sẽ phản ánh rõ ràng hơn trong 6 tháng cuối năm 2020.

Tính đến cuối tháng 7, các ngân hàng niêm yết đã giảm lãi suất huy động từ 0,9 đến 2,1 điểm% so với đầu năm. Tuy nhiên, mức cắt giảm lớn nhất thuộc về lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng (là lãi suất tham chiếu cho lãi suất cho vay dài hạn) đã được thực hiện kể từ tháng 6 và tháng 7.

"Chúng tôi ước tính lãi suất huy động tiếp tục giảm khoảng 0,5 điểm% đối với kỳ hạn trên 6 tháng và 0,7 điểm% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng. Động thái này là do nhu cầu tín dụng yếu, cũng như quyết định gần đây của Ngân hàng Nhà nước về việc nới rộng thời gian áp dụng mức trần 40% về tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung và dài hạn thêm một năm nữa đến hết ngày 30/9/2021", nhóm chuyên gia của SSI nêu quan điểm.

Nửa cuối năm 2020, SSI dự báo nợ tái cơ cấu sẽ tiếp tục tăng, làm NIM giảm hơn nữa.

"Chúng tôi ước tính nợ xấu và nợ vay tái cơ cấu sẽ tăng nhanh vào cuối năm. Dựa trên ước tính của Ngân hàng Nhà nước vào quý I/2020, khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay, chiếm 23% tổng tín dụng, chịu ảnh hưởng bất lợi bởi đại dịch. Khi đại dịch kéo dài, số lượng khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền sẽ tiếp tục tăng lên. Các ngân hàng sẽ phải đưa các khoản vay này vào danh sách tái cơ cấu, hoặc phân loại lại thành nợ xấu. Do đó, thu nhập lãi mất đi liên quan đến nợ tái cơ cấu và nợ xấu có thể ở mức đáng kể hơn", báo cáo của SSI nhấn mạnh.

Hơn nữa, một phần thu nhập lãi được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2020 có thể sẽ được thoái thu do khoản nợ này bị hạ xếp loại. Những tác động tiêu cực của việc giảm lãi suất và miễn lãi sẽ kéo dài trong suốt nửa cuối năm 2020, lâu hơn giai đoạn trong nửa đầu năm. Do đó, SSI ước tính NIM sẽ giảm thêm 0,6 điểm% trong nửa cuối năm 2020.

Cùng với đó, trích lập dự phòng sẽ làm giảm thêm lợi nhuận. SSI ước tính các ngân hàng sẽ đẩy nhanh việc trích lập dự phòng cho nợ xấu mới và nợ tái cơ cấu, mặc dù thời hạn của Thông tư 01 có thể được kéo dài để trì hoãn thời gian ghi nhận nợ xấu.

Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong nửa cuối năm được SSI ước tính giảm 22,1%, do thu nhập hoạt động giảm (-4%) và chi phí dự phòng tăng (47,8%). Trong đó, riêng 3 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV và VietinBank dự báo sẽ giảm 35,7% lợi nhuận (chủ yếu do chi phí dự phòng tăng 58,8%).

Tựu trung, SSI có quan điểm "Tiêu cực" về ngành ngân hàng trong phần còn lại của năm 2020.

Năm 2021: Phân hóa tăng trưởng lợi nhuận giữa ngân hàng quốc doanh và tư nhân

Năm 2021, SSI dự báo tất cả các nguồn thu nhập của ngành ngân hàng sẽ được hồi phục.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng được SSI dự báo phục hồi lên mức 9-10%, chủ yếu nhờ đầu tư công được đẩy mạnh trong năm 2021 (đặc biệt là nửa cuối năm 2021). Đây sẽ là chất xúc tác tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực cũng như tất cả các nhóm khách hàng từ khách hàng doanh nghiệp lớn, đến SME và cá nhân, giúp nhu cầu vay phục hồi.

NIM có thể tăng nhẹ do áp lực huy động vốn dài hạn giảm. Việc CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn) vẫn đang trong quá trình liên tục cải thiện, dư địa để tối ưu hóa tỷ lệ LDR và việc trì hoãn giảm mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn thêm 1 năm nữa (Thông tư 08) là những yếu tố chính cho phép các ngân hàng cải thiện NIM vào năm 2021.

"Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chúng tôi không kỳ vọng NIM trong năm 2021 sẽ quay trở lại mức 2019", nhóm chuyên gia của SSI nhấn mạnh.

Tăng trưởng thu nhập phí cũng được dự báo sẽ phục hồi. Năm 2020, các dịch vụ thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại chịu ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động giao dịch giảm trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Thu nhập từ bancassurance (bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng) cũng bị ảnh hưởng tiêu cực vào tháng 4/2020 khi giãn cách xã hội. SSI ước tính các nguồn thu nhập này sẽ tăng trở lại vào năm 2021 cùng với sự phục hồi kinh tế chung trong nửa cuối năm 2021. Do đó, tăng trưởng thu nhập phí trên tổng thu nhập hoạt động sẽ cải thiện từ 12% lên 13% trong năm 2020.

Bên cạnh triển vọng tích cực hơn về nguồn thu, ngành ngân hàng vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều vấn đề trong năm 2021.

Đầu tiên phải kể đến rủi ro nợ xấu tiềm ẩn dần xuất hiện trên bảng cân đối kế toán.

"Dựa trên kịch bản cơ sở mới của chúng tôi rằng Covid-19 sẽ được kiểm soát vào giữa năm 2021, chúng tôi tin rằng thời gian tái cơ cấu nợ có thể kéo dài hết nửa đầu năm 2021. Do đó, nợ xấu tiềm ẩn sẽ bắt đầu nổi lên mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2021 và chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và 2022", nhóm chuyên gia của SSI lưu ý.

Thêm vào đó, những thách thức về vốn vẫn tồn tại. Các khoản nợ xấu mới từ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ đặt ra những thách thức hơn nữa về vốn cho các ngân hàng. Với mỗi 1% nợ xấu tăng thêm, CAR có thể giảm từ 0,4 đến 0,8 điểm%. Do đó, đối với các ngân hàng có hệ số CAR trên 11%, SSI cho rằng áp lực về vốn sẽ không quá lớn trong năm 2021 nếu nợ xấu tăng khoảng 1-2%. Tuy nhiên, đối với Vietcombank, BIDV và VietinBank, nhu cầu tăng vốn trong năm 2021 là khá rõ ràng.

Theo quan điểm của SSI, năm 2020, các ngân hàng quốc doanh chịu nhiều áp lực hơn từ Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ khách hàng trong thời kỳ đại dịch, trong khi các ngân hàng tư nhân vẫn có dư địa nhất định để cân đối giữa việc hỗ trợ khách hàng và đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý. Nhưng vào năm 2021, khi ngân hàng quốc doanh hoàn thành việc hỗ trợ khách hàng hiện tại, lợi nhuận sẽ bật tăng 22,6% so với 11,2% của nhóm ngân hàng tư nhân.

Theo Vietnamfinance

Link gốc : https://vietnamfinance.vn/vien-canh-tieu-cuc-cua-nganh-ngan-hang-trong-nua-cuoi-nam-20180504224243148.htm

Bạn đang đọc bài viết Viễn cảnh tiêu cực của ngành ngân hàng trong nửa cuối năm tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng