Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VietinBank tăng cao
Theo báo cáo tài chính quý I/2020 của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán: CTG), lợi nhuận trước thuế sụt giảm còn 2.974,4 tỷ đồng so với mức 3.153 tỷ đồng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế quý I/2020 đạt 2.404,7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức lợi nhuận 2.539 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Thu nhập lãi quý I/2020 của VietinBank là 21.511,5 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 19.658,6 tỷ đồng), chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự là 13.093 tỷ đồng (cùng kỳ là 11.709 tỷ đồng). Thu nhập lãi thuần theo đó là 8.418,4 tỷ đồng (cùng kỳ là 7.949,6 tỷ đồng).
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ là 1.059 tỷ đồng (cùng kỳ là 969 tỷ đồng), lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối là 393 tỷ đồng, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh là 263 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư là 164,6 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động khác là 275,4 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý I/2020 là 4.392,8 tỷ đồng, tăng khá cao so với mức 3.241,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước (tăng 35,52% so với cùng kỳ năm 2019) do tăng trích lập cho nợ nhóm 3 tăng lên. Việc đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro xuất phát từ chính sách quản trị rủi ro thận trọng của VietinBank.
Tài sản cố định của VietinBank có giá trị là 11.009 tỷ đồng, góp vốn và đầu tư dài hạn là 3.444 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế quý I/2020 đạt 2.404,7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức lợi nhuận 2.539 tỷ đồng cùng kỳ năm trước |
Tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của VietinBank tính đến ngày 31/3/2020 là hơn 1,2 triệu tỷ đồng, giảm 1,46% so với cuối năm 2019. Tiền gửi khách hàng tại thời điểm 31/3 đạt 896.000 tỷ đồng, tăng 0,33% so với cuối năm 2019.
Tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác và cho vay các tổ chức tín dụng khác là 126,4 nghìn tỷ đồng. Cho vay khách hàng là 910,5 nghìn tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng là hơn 13 nghìn tỷ đồng.
Dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm 31/3/2020 đạt 924.000 tỷ đồng, giảm 1,25% so với cuối năm 2019 do ảnh hưởng từ suy giảm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế.
Chứng khoán đầu tư có giá trị là 105 nghìn tỷ đồng, dự phòng rủi ro chứng khoán đầu tư là 5.370,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cơ cấu dư nợ cho vay khách hàng vẫn có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các phân khúc có hiệu quả sinh lời cao như bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (tỷ trọng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 56% dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm 31/3).
Tăng trưởng hoạt động kinh doanh quý I/2020 của VietinBank gắn với hiệu quả tăng trưởng, tích cực thu hồi nợ và kiểm soát tốt chất lượng tín dụng.
Tổng thu nhập hoạt động của VietinBank lũy kế 3 tháng đầu năm 2020 đạt 10.685 tỷ đồng, tăng 10,93% so với cùng kỳ năm 2019. Cơ cấu thu nhập từng bước được cải thiện, tỷ trọng thu ngoài lãi đã tăng từ 20% lên 23% tổng thu nhập hoạt động. Lũy kế 3 tháng năm 2020, thu nhập ngoài lãi (bao gồm cả bảo lãnh) của VietinBank đạt 2.462 tỷ đồng, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Vì sao lợi nhuận giảm?
VietinBank cho biết, ngân hàng đang thực hiện tiết kiệm tối đa chi phí hoạt động, ưu tiên cho những nhu cầu quan trọng, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng chi phí, tối ưu chi phí huy động vốn để tạo nền tảng, cơ sở cho giảm lãi suất cho vay. Chi phí hoạt động của VietinBank tiếp tục được quản trị hiệu quả, tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) 3 tháng đầu năm 2020 đạt 31,05%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 (33,61%).
Lý giải về tình hình hoạt động trong quý I/2020, ViettinBank cho hay, trước diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của dịch COVID-19, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, VietinBank luôn chủ động, tiên phong trong thực thi các định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để đồng hành, chia sẻ với khách hàng, cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn và dịch vụ tài chính ngân hàng, đáp ứng tối đa nhu cầu hợp lý của doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, VietinBank đã chủ động triển khai chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất trong nhóm thấp nhất thị trường, quy mô lên đến 60.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín dụng đã từng triển khai trước đây (trước thời điểm có dịch). Đặc biệt ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân trong giai đoạn đại dịch COVID-19; miễn, giảm lãi, cơ cấu lại nợ, hỗ trợ thanh khoản theo tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 01 và giảm nhiều loại phí dịch vụ…
Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất không giới hạn quy mô, triển khai mới chương trình tín dụng với lãi suất thấp nhất từ trước tới nay, triển khai các chương trình ưu đãi phí bao gồm cả phí chuyển tiền ngoài hệ thống, phí tài trợ thương mại… sẽ ảnh hưởng giảm thu nhập lãi, thu nhập từ phí của VietinBank, từ đó tác động tới lợi nhuận của ngân hàng.
T.Hà/Sở hữu Trí tuệ