Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 13/12/2024

'Sợi dây' TPBank - TPS

DTVN 06:37 30/04/2023

TPBank chỉ trực tiếp sở hữu 9% TPS, nhưng trên thực tế lại là động lực tăng trưởng lớn nhất của công ty chứng khoán này.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HSX: TPB) vừa có Nghị quyết về việc tái cấp hạn mức tín dụng cho CTCP Chứng khoán Tiên Phong (HSX: TPS). Cùng thời điểm, HĐQT TPS có Nghị quyết về việc tiếp tục sử dụng hạn mức tín dụng tối đa 2.100 tỷ đồng tại TPBank.

Hạn mức tín dụng 2.100 tỷ đồng tương đương 13,3% vốn điều lệ của TPBank, trong khi quy định hiện hành chỉ cho ngân hàng cấp tín dụng không quá 15% vốn tự có cho một khách hàng, phần nào cho thấy sự quan tâm đặc biệt của TPBank dành cho TPS.

"Sợi dây" TPBank - TPS



Để giải thích cho mối quan hệ này, cần đi ngược lại nhiều năm về quá khứ.

Tháng 3/2019, CTCP Chứng khoán Phương Đông (ORS) đổi tên thành CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) như hiện nay, nhưng dấu hiệu đổi chủ đã xuất hiện từ một năm trước, khi HĐQT ORS có Quyết định chuyển trụ sở về 75-77 Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Tp.HCM - cũng là chi nhánh của TPBank. Tới đầu năm 2019, ông Trần Sơn Hải - một nhân sự lâu năm của TPBank, được bầu bổ sung vào HĐQT và đồng thời đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT ORS.

Việc giới chủ ngân hàng sở hữu công ty chứng khoán là phổ biến, bởi những giá trị tích hợp mà nghiệp vụ chứng khoán mang lại, nhưng thương vụ nhà chủ TPBank đầu tư vào ORS - khi đó chìm trong thua lỗ và liên quan đến đại án Huỳnh Thị Huyền Như, thì không chỉ đơn giản như vậy.

8 năm trước đó, TPBank năm 2011 uỷ thác đã ủy thác 380 tỷ đồng cho ORS để thực hiện các hợp đồng môi giới chứng khoán, ORS gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank). Đến khi vụ án Huỳnh Thị Huyền Như bị khởi tố, ORS đã phải "treo" khoản tiền gửi quá hạn tại Vietinbank cho đến năm 2018.

Vào tháng 5/2018, Tòa án Nhân dân Tp.HCM đã xét xử tuyên án phúc thẩm buộc Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường cho ORS 380 tỷ đồng. Lúc này, cả ORS lẫn TPBank đều đối mặt với nguy cơ "mất trắng" khoản tiền rất lớn này.

Trong bối cảnh đó, cuối năm 2018, TPBank đã bán khoản công nợ này cho CTCP Mua bán nợ Thế hệ mới, qua đó làm "sạch" ORS, đồng thời cũng loại bỏ những rủi ro pháp lý (nếu có) với chính TPBank hay nhà chủ ngân hàng này. Trong BCTC kiểm toán năm 2018, Công ty kiểm toán Tư vấn Đất Việt đã nhấn mạnh lưu ý nghiệp vụ bán nợ này.

Ở một chi tiết đáng lưu ý, Mua bán nợ Thế hệ mới - pháp nhân giúp TPBank cơ cấu khoản nợ 380 tỷ đồng nêu trên, có liên hệ mật thiết tới một doanh nhân 8x. Nhóm TPBank của Chủ tịch Đỗ Minh Phú, nên biết là một trong những bên tài trợ vốn chính để vị doanh nhân này hoàn tất thâu tóm một tổng công ty nhà nước thuộc Bộ Công thương vào giai đoạn 2015-2016.

Sau khi về tay nhóm TPBank và đổi tên, TPS liên tục tăng vốn, từ 240 tỷ đồng, sau 3 đợt phát hành riêng lẻ (trong đó 1 đợt phát hành cho TPBank từ 400 lên 440 tỷ đồng), và 1 đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu, vốn điều lệ của TPS tăng chóng mặt, lên 2.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021, và duy trì cho đến nay.


Tổng tài sản cũng có sự tăng trưởng ấn tượng, lên mức 6.707 tỷ đồng cuối năm ngoái, gấp gần 100 lần cuối năm 2018.

TPS cũng nhanh chóng trở thành "tay chơi" đáng chú ý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị giao dịch tự doanh trái phiếu trong năm ngoái lên tới 150.000 tỷ đồng.

Sự lớn mạnh không ngừng của TPS có động lực rất lớn từ TPBank. Đơn cử, trong năm 2022, báo cáo lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính cho thấy trong số 10.745 tỷ đồng tiền vay trong kỳ của TPS, thì chiếm tới 2/3, tức gần 6.900 tỷ đồng, là TPBank cho vay.

Ở chiều ngược lại, phần nhiều các hoạt động của TPS, chủ yếu là tư vấn phát hành, giao dịch trái phiếu, cũng là để phục vụ cho các khách hàng lớn của nhà chủ TPBank, như đã đề cập trong bài viết gần đây.

Cách cổ phiếu TPS được phân phối

Từ khi đổi chủ (2018 đến nay), dù qua nhiều đợt phát hành riêng lẻ, song TPS chỉ có một cổ đông lớn duy nhất, là TPBank, sở hữu 9% từ đợt phát hành riêng lẻ năm 2020.

Tuy nhiên, sự chi phối gần như hoàn toàn của nhóm TPBank tại TPS là không phải bàn cãi, không chỉ thể hiện qua hoạt động của TPS đã nêu ở trên, mà còn thấy rõ từ cơ cấu HĐQT, khi cả 3/3 Thành viên HĐQT của TPS đều là "người" của TPBank, trong đó Chủ tịch Đỗ Anh Tú là em trai của Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú.

Ở diễn biến đáng chú ý khác, theo quan sát của Người Đưa Tin, một số lượng đáng kể cổ phiếu TPS đã được các "tay to" phân phối cho nhà đầu tư nhỏ lẻ trong giai đoạn thị trường chứng khoán sôi động nhất: năm 2021, đầu năm 2022.

Biên bản ĐHĐCĐ thường niên (AGM) năm 2021 vào ngày 15/3/2021 của TPS ghi nhận có 879 cổ đông sở hữu 100% vốn công ty, và có 84,23% cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự. Tròn 1 năm sau, vào AGM 2022 ngày 11/3/2022, TPS có tới 18.317 cổ đông, gấp 21 lần năm trước; dù vậy, lại chỉ có 66,84% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.

Thông thường, tham dự ĐHĐCĐ là cổ đông lớn/ chi phối, ít có cổ đông nhỏ lẻ. Bởi vậy, tỉ lệ tham dự ĐHĐCĐ có thể xem là một thước đo mức độ pha loãng sở hữu của một doanh nghiệp.

Với trường hợp TPS, chỉ trong vòng 1 năm, từ tháng 3/2021-3/2022, tỉ lệ này đã giảm tới 17,39%, tương đương giảm chừng 35 triệu cổ phiếu. Đáng chú ý, đây cũng là khoảng thời gian thị trường chứng khoán sôi động nhất, bản thân cổ phiếu TPS cũng tăng rất mạnh, từ vùng giá 9.000 đồng/CP lên mức đỉnh 35.000 đồng/CP (sau chia) vào cuối năm 2021. Đi kèm với đó là thanh khoản lên cao, từ vài trăm nghìn đơn vị giai đoạn trước, lên hàng triệu, thậm chí trên 5 triệu đơn vị mỗi phiên những tháng cuối năm 2021

Bạn đang đọc bài viết 'Sợi dây' TPBank - TPS tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng