Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa thông báo Quỹ đầu tư PYN Elite Fund (Phần Lan) đã không còn là cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ của ngân hàng, theo thông tin do chính cổ đông này cung cấp.
Tỷ lệ sở hữu hiện tại của PYN Elite Fund tại TPBank chưa được công bố. Trước đó, theo thông báo ngày 2/4/2025, quỹ ngoại này vẫn đang nắm giữ hơn 56,7 triệu cổ phiếu TPB, tương đương 2,15% vốn điều lệ. Như vậy, để giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 1%, PYN Elite Fund đã bán ra hàng chục triệu cổ phiếu TPB chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.
Động thái trên tiếp nối xu hướng thoái vốn của quỹ Phần Lan tại TPBank. Cụ thể, vào ngày 30/9/2024, PYN Elite Fund từng sở hữu hơn 104 triệu cổ phiếu TPB (tương đương 4,728% vốn điều lệ), sau khi gia tăng hơn 25 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, số cổ phần này sau đó đã giảm gần một nửa, còn 56,7 triệu đơn vị vào đầu tháng 4/2025.
Không chỉ PYN Elite Fund, trước đó, vào ngày 9/10/2024, International Finance Corporation cũng không còn là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ tại TPBank.

Theo danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn được công bố hồi cuối tháng 8, trừ PYN Elite Fund và International Finance Corporation, TPBank còn ghi nhận 20 cổ đông khác, bao gồm nhiều cá nhân và tổ chức, trong đó cổ đông lớn nhất là Công ty Cổ phần FPT, nắm giữ hơn 149 triệu cổ phiếu, tương đương 6,77% vốn.
Xét tổng thể giao dịch của khối ngoại với cổ phiếu TPB từ đầu tháng 3 đến nay, có thể nhận thấy xu hướng bán ròng khá rõ rệt. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 3/4, cổ phiếu TPB ghi nhận khối lượng bán ròng hơn 26,5 triệu đơn vị – mức cao nhất kể từ đầu năm 2025. Riêng trong tháng 4, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng cổ phiếu TPB với tổng giá trị hơn 800 tỷ đồng.
Về diễn biến giá, cổ phiếu TPB đã giảm khoảng 19% kể từ đầu năm 2025, từ mức 16.550 đồng/cổ phiếu (phiên 2/1) xuống còn 13.400 đồng/cổ phiếu (giá mở cửa phiên 22/4). Trước đó, vào ngày 9/4, cổ phiếu này từng chạm đáy hai năm ở mức 11.700 đồng/cổ phiếu, song sau đó đã phục hồi về vùng trên 13.000 đồng/cổ phiếu.
Năm 2025, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm trước. Tổng tài sản dự kiến đạt 450.000 tỷ đồng, tăng 7,6%. Huy động vốn dự kiến tăng 12,3%, đạt mức 420.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay và đầu tư trái phiếu tổ chức kinh tế dự kiến tăng khoảng 20%, lên mức 313.750 tỷ đồng. Ngân hàng cũng cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Năm 2024, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 7.599 tỷ đồng, hoàn thành 101,33% kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông giao. Sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ, lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng đạt 4.851 tỷ đồng. TPBank cho biết sẽ không trình phương án chia cổ tức tại kỳ đại hội năm nay.
Trong hai tháng đầu năm 2025, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 1.430 tỷ đồng và dự kiến đạt khoảng 2.100 tỷ đồng trong quý I. Tổng thu nhập hoạt động trong hai tháng đầu năm đạt hơn 2.800 tỷ đồng và được kỳ vọng chạm mốc 4.300 tỷ đồng vào cuối quý I. Dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng trưởng đáng kể, đạt 263.920 tỷ đồng và dự kiến đạt khoảng 269.000 tỷ đồng vào cuối quý.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của TPBank sẽ được tổ chức vào ngày 24/4 tại Hà Nội. Cuộc họp sẽ thảo luận về kết quả kinh doanh năm 2024, kế hoạch tăng trưởng cho năm 2025 và các định hướng chiến lược nhằm duy trì đà tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới.