Theo số liệu đã công bố kết quả kinh doanh năm 2019 có thể chắc chắn rằng, vị trí dẫn đầu hoàn toàn “bất di bất dịch” với Vietcombank (VCB) khi ngân hàng này ghi nhận con số 23.155 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 27% so với năm trước và đạt được 116% kế hoạch năm 2019 đã đề ra.
Đáng chú ý nhất là BIDV (BID) khi trước đó, trong 9 tháng đầu năm, nhà băng này ngậm ngùi với mức lãi trước thuế đi lùi 3% so với cùng kỳ năm trước, song, đến cuối năm 2019, lãi trước thuế lũy kế của BIDV đã tăng trưởng 14%, đạt 10.768 tỷ đồng. Hơn nữa, BIDV đã thực hiện được 105% kế hoạch năm 2019.
Trong số những mảng kinh doanh thì hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối, chứng khoán thường góp phần tạo nên con số lợi nhuận rất đẹp của các ngân hàng thương mại. Thế nhưng, từ năm 2012 đến nay, hoạt động này lại xói mòn khoản lợi nhuận vốn đã bị co hẹp lại rất nhiều do tín dụng tăng trưởng chậm và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh của các nhà băng. Điểm này cũng "dấy" lên những nốt trầm đáng e ngại đối với một số nhà băng, nhất là Vietcombank và BIDV.
Bên cạnh lợi nhuận khủng thì mảng chứng khoán kinh doanh của ‘ông lớn’ Vietcombank lại kém đi. Cụ thể, theo BCTC hợp nhất quý 4/2019, lãi thuần từ hoạt động chứng khoán kinh doanh giảm từ 250 tỷ đồng năm 2018 xuống còn 146 tỷ đồng năm 2019, giảm 41,7%.
Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác năm 2019 chỉ đạt 3.070 tỷ đồng, trong khi năm 2018 đạt tới 3.234 tỷ đồng, giảm 5,1%. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phẩn của nhà băng này cũng giảm mạnh từ 1.716 tỷ đồng năm 2018 xuống còn 245 tỷ đồng năm 2019, giảm tới 85,7%.
Đặc biệt, trong quý 4/2019, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietcombank giảm tới 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái (từ 8.986 tỷ đồng xuống còn 7.481 tỷ đồng).
Nối tiếp "gót chân" đó, mảng chứng khoán kinh doanh của BIDV trong năm 2019 cũng đáng phải lưu tâm.
Cụ thể, năm 2019 lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh chỉ đạt 326 tỷ đồng, giảm 49,6% so với năm 2018 (đạt 646 tỷ đồng). Ngoài ra, mảng thu nhập từ góp vốn, mua cổ phẩn của BIDV cũng giảm nhẹ từ 242 tỷ đồng năm 2018 xuống 215 tỷ đồng năm 2019, giảm 11,4%.
Trước đó, theo BCTC hợp nhất quý 3/2019, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư bị lỗ 266 tỷ đồng. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh chỉ đạt 262 tỷ đồng, giảm 61,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Chú ý hơn, năm 2019 BIDV trích hơn 20.000 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, tăng 6,2% so với năm 2018. Hơn nữa, nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này tăng hơn 4.000 tỷ đồng (từ 7.170 tỷ đồng năm 2018 tăng lên 11.208 tỷ đồng năm 2019).
Mai Hà / Theo Sở Hữu Trí Tuệ