Theo báo cáo phân tích Ngành Ngân hàng mới đây, Công ty CP chứng khoán VPBank (VPBank Securities) cho biết, tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết cuối quý 3/2023 đang ở mức 2,2%, vẫn dưới mức trần là 3% nhưng cũng là đáng cảnh báo ở thời điểm tình hình kinh tế khó khăn. Tổng nợ xấu (nhóm 3-5) của 27 ngân hàng niêm yết đạt 424,6 nghìn tỷ đồng tại quý 3/2023 (tăng 0,25% so với quý trước), là mức tăng khiêm tốn và dấu hiệu tốt. Tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) toàn ngành lại suy giảm mạnh trong 1 năm trở lại đây, từ mức 143% xuống 93,8%. LDR thuần vẫn trong xu hướng đi ngang.
Mảng cho vay bất động sản và xây dựng hàng năm thường tăng mạnh ở quý 2. Nhưng năm nay đặc biệt quý 3 vẫn tiếp diễn tình trạng dư nợ ngành này so với tổng dư nợ vẫn tăng cao tương đương quý trước. Điều này cho thấy chính sách của cơ quan quản lý đã cho phép các doanh nghiệp bất động sản đảo nợ nhưng chưa thể giải quyết triệt để tận gốc vấn đề nên nợ xấu kỳ vọng sẽ vẫn trong đà tăng từ giờ đến nửa đầu năm 2024 nhưng mức độ tăng sẽ nhẹ đi.
Nợ xấu của hầu hết các ngân hàng niêm yết đều tăng mạnh trong nửa đầu năm 2023 và tiếp tục xu hướng trong quý 3/2023. Đáng chú ý, nợ nhóm 4 (có nguy cơ nhảy sang nhóm nợ có khả năng không thu hồi được) cũng tăng đột biến chỉ trong 1 quý vừa rồi lên mức 73.604 tỷ đồng (từ 56.004 tỷ ở quý trước, tức tăng 31,4% so với quý trước).
Tính đến cuối quý 3/2023 chỉ còn duy nhất một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% là BAB (BacABank) với 0,77%. VCB (Vietcombank) cũng là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống, đạt 270% (có giảm đáng kể so với quý trước ở mức 387%).
Những lý do chính dẫn đến chất lượng tài sản suy giảm bao gồm tăng trưởng tín dụng chậm trong khi áp lực vào NIM vẫn còn, thị trường trái phiếu và bất động sản vẫn chư rã băng từ quý 2/2022 đến giờ làm các doanh nghiệp khó khăn trong việc huy động vốn để đảo nợ, đồng thời hoạt động xử lý nợ xấu khó khăn do bất động sản và tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay. Bên cạnh đó, kinh tế suy yếu rõ rệt và ngân hàng là chỉ báo chậm của nền kinh tế nên sẽ có độ trễ khi phản ánh vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Bên cạnh đó, nợ nhóm 4 gia tăng mạnh trong quý trước cũng đã phản ánh lớn lên tỷ lệ nợ xấu trong quý này.
Nhóm phân tích cho rằng, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát chất lượng tài sản. Việc tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng gia tăng trong khi lãi suất cao vẫn chỉ đang bắt đầu phản ánh vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng cho thấy xu hướng này chưa thể đảo ngược, ít nhất là đến cuối quý 3/2023. Với dự kiến tình hình kinh tế vĩ mô sẽ bắt đầu có điểm sáng rõ ràng hơn vào quý cuối năm, VPBank Securities cho rằng nợ xấu toàn ngành trong quý 4 sẽ tương đương quý 3 và có sự cải thiện nhẹ từ nửa đầu năm 2024.
Với sự hỗ trợ về mặt chính sách, cụ thể là với sự ban hành của Thông tư 02 thì áp lực lên tỷ lệ nợ xấu sẽ được hoãn đến hết nửa đầu năm 2024 để ngân hàng và người vay có thời gian để cơ cấu lại và xử lý dần trành bị nhảy nhóm nợ.
Trong khi đó, thu từ nợ đã xử lý của các ngân hàng chưa khả quan so với cùng kỳ cho thấy dù đã có nỗ lực nhưng các ngân hàng vẫn cần chính sách hỗ trợ để xử lý nợ xấu.