Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Năm lần bảy lượt thất bại, Eximbank tiếp tục họp ĐHĐCĐ liên hoàn

DTVN 14:43 25/05/2021

Eximbank dự kiến họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2 vào ngày 29/7/2021 và ĐHĐCĐ bất thường theo đề nghị của cổ đông sẽ diễn ra sau đó một ngày tại Hà Nội.

Hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) vừa thông qua nghị quyết về vệc tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 lần hai và ĐHĐCĐ bất thường.

Theo đó, ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần hai dự kiến được tổ chức vào sáng 29/7 tại Hà Nội và ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 30/7.

Nguyên nhân họp ĐHĐCĐ lần 2 là do trước đó, vào ngày 27/4, ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Eximbank đã thất bại do chỉ có 62 cổ đông tham dự, đạt tỉ lệ 41,65%, mặc dù nội bộ ngân hàng có nhiều vấn đề cần giải quyết.

Theo điều lệ hiện tại của Eximbank, ĐHĐCĐ lần 2 chỉ được tiến hành khi có thành viên tham dự là các cổ đông và những đại diện được ủy quyền dự họp đại diện cho ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Còn cuộc họp bất thường vào ngày 30/7 tới được triệu tập theo yêu cầu của nhóm cổ đông ngày 12/3 vừa qua. Được biết, Eximbank đã chốt danh sách cổ đông tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường này vào ngày 14/5.

Tại hai cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên gần đây nhất (26 và 27/4), các nhóm cổ đông của Eximbank vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, mâu thuẫn đã tồn tại dai dẳng nhiều năm tiếp tục bị đẩy lên cao.

ĐHCĐ 2021 của Eximbank sáng 27/4 bất thành sau khi cuộc họp ĐHCĐ 2020 bất thành (ảnh: H.Minh).

Trước thềm tổ chức 2 cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên nói trên, vào ngày 19/4/2021, 2 nhóm cổ đông đã có văn bản đề nghị miễn nhiệm một loạt thành viên HĐQT. Trong đó, một nhóm đề nghị miễn nhiệm ông Yasuhiro Saitoh; ông Lê Minh Quốc; ông Cao Xuân Ninh; ông Lê Văn Quyết; ông Ngô Thanh Tùng. Nhóm còn lại đề nghị miễn nhiệm ông Hoàng Tuấn Khải; ông Đặng Anh Mai và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Cùng ngày 19/4/2021, HĐQT Eximbank cũng nhận được văn bản kiến nghị của nhóm cổ đông gồm: Ông Nguyễn Tiến Dũng; ông Trần Công Cận; Lafelle Limited; Education Management Holdings Limited. Nhóm cổ đông này sở hữu 11,2% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đề nghị Eximbank miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020) gồm ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai, bà Lương Thị Cẩm Tú.

Hiện HĐQT Eximbank gồm 9 thành viên: Ông Yasuhiro Saitoh (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Quang Thông (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Lê Minh Quốc (thành viên độc lập), ông Cao Xuân Ninh (thành viên), ông Đặng Anh Mai (thành viên), ông Hoàng Tuấn Khải (thành viên), ông Ngô Thanh Tùng (thành viên), ông Lê Văn Quyết (thành viên), bà Lương Thị Cẩm Tú (thành viên).

Như vậy, chỉ còn mỗi ông Nguyễn Quang Thông là không bị 2 nhóm cổ đông trên đề nghị miễn nhiệm.

Đây chính là vị Chủ tịch HĐQT đã từng "tại vị" vỏn vẹn 55 phút tại ngân hàng này.

Trước đó, ngày 13/4, tại Eximbank đã xảy ra một sự kiện hi hữu chưa từng có trong ngành ngân hàng, đó là HĐQT ngân hàng miễn nhiệm rồi bổ nhiệm lại Chủ tịch HĐQT chỉ trong vòng chưa đến 1 giờ đồng hồ.

Cụ thể, HĐQT Eximbank đã ra 2 Nghị quyết: Nghị quyết 156 theo kết quả cuộc họp lúc 10h15 và 10h45 thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Yasuhiro Saitoh. Đồng thời, ngân hàng thông qua việc bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm thời giữ chức danh Chủ tịch HĐQT để chủ tọa cuộc họp HĐQT ngày 13/4/2021 đối với các nội dung tiếp theo của cuộc họp HĐQT cho đến khi HĐQT bầu nhân sự giữ chức danh Chủ tịch HĐQT mới.

Tiếp đó, 55 phút sau, HĐQT ngân hàng này lại thông qua Nghị quyết 157 theo kết quả cuộc họp lúc 11h10 lại thông qua việc bầu ông Yasuhiro Saitoh giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Thời gian gần đây, tranh chấp giữa các nhóm cổ đông lớn ở Eximbank để tranh giành "ghế nóng" đã khiến "thượng tầng" nhà băng này liên tục xáo trộn. Trong vòng chưa đầy 2 năm gần đây đã có tới 5 người lên ngồi vị trí Chủ tịch HĐQT, đó là các ông bà Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Cao Xuân Ninh, ông Yasuhiro Saitoh, ông Nguyễn Quang Thông. Mỗi lần thay "ghế nóng" của Eximbank đều vấp lùm xùm tranh chấp và phản đối từ các nhóm cổ đông lớn.

Sau đó, các vấn đề nhân sự HĐQT Eximbank được đưa vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 3 vào sáng 26/4/2021. Tuy nhiên, cuộc họp này lại bất thành do tỉ lệ cổ đông không đồng ý thông qua Quy chế họp chiếm tới 54,09%.

Kết thúc năm 2020, bất chấp dịch bệnh Covid-19, lợi nhuận trước thuế của Eximbank vẫn hoàn thành 100% kế hoạch của năm, tăng trưởng 22%. Các mảng kinh doanh then chốt cũng đạt tốc độ tăng trưởng vượt trội.

Quý I/2021, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 214 tỷ đồng, giảm 53,2% so với cùng kỳ năm trước và mới thực hiện được xấp xỉ 10% kế hoạch năm.

Đến cuối 3/2021, tổng tài sản của Eximbank là 160.953 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,3% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 105.032 tỷ đồng, tăng 4,2%. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 1,7%, đạt 136.146 tỷ đồng. Tuy nhiên tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Eximbank đến cuối tháng 3/2021 tăng từ mức 2,51% lên 2,63%.

Năm 2021 Eximbank đặt mục tiêu 2.150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 63% so với năm trước); huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 10%, dư nợ cấp tín dụng tăng 15% so với năm 2020 (Ngân hàng sẽ điều chỉnh trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước có thông báo mức tăng trưởng tín dụng khác trong năm 2021).

Thu nhập từ lãi trên tổng tài sản có sinh lời dự kiến được cải thiện thêm 10-20 điểm cơ bản trong năm 2021. Thu nhập ngoài lãi (gồm thu nhập thuần từ dịch vụ, thu nhập thuần kinh doanh ngoại hối) đặt mục tiêu tăng 15% so với năm 2020.

Tổng tài sản mục tiêu đạt 177.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2020.

Theo Người đưa tin pháp luật

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/nam-lan-bay-luot-that-bai-eximbank-tiep-tuc-hop-dhdcd-lien-hoan-a515490.html

Bạn đang đọc bài viết Năm lần bảy lượt thất bại, Eximbank tiếp tục họp ĐHĐCĐ liên hoàn tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng