Quý II/2020, Eximbank chỉ ghi nhận 50 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế
Eximbank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II2020. Ông Nguyễn Cảnh Vinh - Quyền Tổng giám đốc Eximbank cho biết, kết thúc 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng đạt 555 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là do kỳ này Ngân hàng trích lập hơn 220 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, dù dư nợ tăng trưởng âm 9%.
Đồng thời, ông Nguyễn Cảnh Vinh cũng cho biết, tính đến 30/06/2020, huy động và cho vay đều giảm so với đầu năm, hệ số CAR là 11,7%.
Lợi nhuận thuần quý 2/2020 của Eximbank giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 759 tỷ đồng, trong khi lãi thuần từ dịch vụ cũng chỉ tăng 12%, lên mức gần 89 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 26% đạt 166 tỷ đồng.
Trong khi đó, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 43% (chỉ có lãi 12 tỷ đồng) và lãi từ hoạt động khác giảm 1%. Eximbank cũng đã tiết giảm chi phí hoạt động 2,3% xuống 728 tỷ đồng trong quý 2/2020, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Tiền gửi khách hàng 6 tháng đầu năm nay cũng giảm 11% so với đầu năm 2020, chỉ còn 124.565 tỷ đồng. Tiền gửi của các TCTD giảm 71%, chỉ còn hơn 2.344 tỷ dồng, lợi nhuận chưa phân phối ghi nhận hơn 1.926 tỷ đồng…
Thế nhưng, đến cuối cuối quý II/2020, nợ xấu của Eximbank tăng 12% so với đầu năm nay, lên mức hơn 2.157 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ gấp 2.4 lần đầu năm, nợ có khả năng mất vốn tăng 98%. Kết quả làm tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ mức 1,71% đầu năm lên 2.08%.
Trước đó, theo báo cáo tài chính quý đầu năm 2020, kết thúc quý I/2020, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế gần 500 tỷ đồng, tăng 31% trong quý I/2019.
Riêng trong quý II/2020, Eximbank chỉ ghi nhận được 50 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (trong khi, quý II/2019, Eximbank đạt 301 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2018; lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, Eximbank đạt 651 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng 2018).
Eximbank: Lợi nhuận quý II/2020 'teo tóp' do đâu?
Năm 2020, Eximbank đặt mục tiêu cắt giảm mạnh chi phí hoạt động 326 tỷ đồng (giảm hơn 11% so với kế hoạch ban đầu năm 2020), huy động vốn đạt 147.800 tỷ đồng (giảm 8% so với kế hoạch 2020) và dư nợ cấp tín dụng đạt 122.275 tỷ đồng (giảm 4% so với kế hoạch năm 2020). Đặc biệt, theo kế hoạch điều chỉnh, chi phí dự phòng đã trích chủ động tăng 414 tỷ đồng so với kế hoạch 2020.
Sở dĩ lợi nhuận quý II/2020 của Eximbank chỉ đạt mức khiêm tốn, theo ông Nguyễn Cảnh Vinh, do Ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng khoản lớn liên quan đến cổ phiếu STB của Sacombank.
Eximbank cũng cho biết, đang tập trung xử lý gần 75 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ. Trước đó, năm 2019, Eximbank tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2 lần, nhưng đều bất thành, do đó chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 căn cứ vào phê duyệt của HĐQT tại Nghị quyết 11/2019EIB/NQ-HĐQT ngày 8/1/2019 và Nghị quyết 159/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 11/4/2019.
Ngày 2/10/2019, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn chấp thuận cho Eximbank được xử lý tài sản đảm bảo là hơn 74,9 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ vay theo quy định. Do đó, HĐQT Eximbank cho biết, năm 2020, Ngân hàng sẽ tập trung xử lý khoản nợ này.
Bên cạnh việc phải trích dự phòng cổ phiếu STB cao ảnh hưởng đến lợi nhuận quý II/2020 theo lãnh đạo Eximbank, việc phải tái cơ cấu lại nợ cho khách hàng do ảnh hưởng dịch cũng có tác động lên lợi nhuận quý II.
Tính đến ngày 30/06/2020, tổng tài sản của Eximbank giảm 11% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng giảm 9%, chỉ còn 103,529 tỷ đồng, các khoản lãi, phí phải thu giảm 20% (957 tỷ đồng), tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 43% (3.277 tỷ đồng), tiền vàng gửi tại TCTD khác giảm 40% (16.697 tỷ dồng)…
Riêng trong quý II/2020, Eximbank phải trích lập hơn 155 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi kỳ trước được hoàn nhập hơn 36 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 29/7 vừa qua, cổ phiếu EIB bất ngờ đảo chiều ngoạn mục từ mức giảm hơn 3% trong phiên sáng, đóng cửa phiên chiều ở mức trần 17.650 đồng/cổ phiếu, bất chấp sắc đỏ bao trùm bảng điện tử.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ