Thông tin về "gói 10.000 tỷ đồng" chưa thấy xuất hiện dù sắp kết thúc quý I
Theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 ngày 8/11/2016, đến năm 2020, cơ bản các ngân hàng thương mại phải có mức vốn tự có (trụ cột 1) theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II.
Riêng đối với nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, mới chỉ có Vietcombank và BIDV hoàn thành trụ cột 1 nhờ việc bán cổ phần cho đối tác ngoại, còn Agribank và VietinBank vẫn đang trong tình trạng khó đáp ứng.
Tại Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách 2020, Chính phủ đưa ra yêu cầu tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank trong năm 2020.
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng từng cho biết, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đã tiến sát ngưỡng cho phép theo Thông tư 41/2016 và quy định Basel II. Vì thế, việc tăng vốn cho các nhà băng này vô cùng cấp bách, nếu không "có thể phải hạn chế cấp tín dụng, thậm chí ngừng cấp tín dụng".
Trước thực tế này, thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực xây dựng các phương án cụ thể như bán vốn cho đối tác ngoại, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tái cơ cấu lại danh mục tài sản có rủi ro theo hướng giảm tỷ trọng các tài sản có hệ số rủi ro cao; phát hành trái phiếu thứ cấp tăng vốn cấp 2 nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn...
Dù vậy, trở ngại trong tăng vốn để vừa đáp ứng chuẩn mực mới, vừa tạo không gian tăng trưởng vẫn chưa thực sự được tháo gỡ.
Ngày 30/1/2020, tại buổi làm việc với Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Quân đội (HoSE: MBB), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong quý I, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho Vietcombank (HoSE: VCB) và VietinBank (HoSE: CTG).
Theo đó, để có thể đáp ứng được mục tiêu đề ra, ngoài nỗ lực bản thân, các ngân hàng này cần phải được Nhà nước hỗ trợ bằng cơ chế cho phép giữ lại cổ tức hoặc đầu tư thêm vốn từ ngân sách.
Dù vậy, thời hạn của quý I đang chỉ còn được đếm theo từng ngày. Thông tin về "gói 10.000 tỷ đồng" cho tới hiện tại vẫn chưa xuất hiện cụ thể, ngoài phát biểu trên.
Vietcombank, Vietinbank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu trong khối quốc doanh
Năm 2019, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu trong khối quốc doanh và toàn hệ thống với 23.155 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. So với năm trước, lợi nhuận tại nhà băng này đã tăng 27%, tương đương gần 4.900 tỷ.
Đến cuối năm 2019, tổng huy động vốn tại ngân hàng ước đạt 1,039 triệu tỷ, tăng 14,1% so với đầu năm. Tương tự, số dư nợ tín dụng cùng thời điểm đạt hơn 735.000 tỷ đồng, tăng 15,9%, và tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 0,77%.
Đối với Vietinbank, tổng tài sản ngân hàng này đạt 1,24 triệu tỷ, tăng 6,5% trong năm 2019. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 7,2%, đạt 952.000 tỷ; huy động vốn tăng 5%, cũng đạt 892.000 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối năm 2019, vốn điều lệ của Vietcombank là 37.089 tỷ đồng còn VietinBank là 37.234 tỷ đồng.
Lâm Anh (T.H)/ Sở hữu trí tuệ