Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường tiền điện tử chứng kiến không ít biến động, với tâm điểm chú ý là đồng bitcoin. Giá bitcoin liên tục xô đổ các kỷ lục, đột ngột quay đầu giảm mạnh và phục hồi trong thời gian ngắn.
Gần đây, CEO Elon Musk của hãng xe điện Tesla thường xuyên đăng bài ủng hộ bitcoin và các đồng tiền điện tử khác như Dogecoin. Ngoài ra, Tesla cũng tuyên bố sẽ chấp nhận thanh toán bằng bitcoin. Các tập đoàn lớn khác như Mastercard, BNY Mellon và PayPal cũng phát tín hiệu ủng hộ bitcoin.
Tuy nhiên, hôm 22/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo về những hệ lụy nguy hiểm mà bitcoin có thể gây ra cho nhà đầu tư và công chúng. Bà Yellen cũng nhấn mạnh rằng chính phủ Mỹ cần ban hành quy định để kiểm soát bitcoin.
"Theo tôi, chúng ta cần phải đảm bảo rằng bitcoin không được sử dụng cho các giao dịch bất hợp pháp và cần đưa ra cơ chế bảo vệ nhà đầu tư. Do đó, quản lý các tổ chức kinh doanh bitcoin và buộc họ phải tuân thủ trách nhiệm pháp lý liên quan là rất quan trọng", bà Yellen chia sẻ với CNBC.
Hệ thống quản lý chắp vá
Kitco News dẫn lời các nhà phân tích cho biết, hệ thống giám sát bitcoin hiện tại "khá chắp vá" và thay đổi theo từng bang của nước Mỹ.
"Chính quyền liên bang thường giao nhiệm vụ quản lý chính cho một cơ quan liên bang nhất định. Ví dụ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chịu trách nhiệm quản lý hệ thống ngân hàng, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) sẽ giám sát các công ty môi giới và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) sẽ kiểm soát các công ty giao dịch hàng hóa", nhà phân tích Ben Elliot của Bloomberg Intelligence lý giải.
"Hoạt động của nhiều cơ quan có thể liên quan đến bitcoin nhưng lại không có cơ quan liên bang phụ trách giám sát chính đối với đồng tiền điện tử này", ông Elliot nhấn mạnh.
Kitco News có chỉ ra một số hoạt động giám sát riêng lẻ đối với bitcoin tại Mỹ. Cụ thể, theo quy định về hoạt động chuyển tiền giữa các bang, cơ quan quản lý ngân hàng từng bang chịu trách nhiệm giám sát các sàn giao dịch tiền ảo giao ngay.
Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) xem tiền điện tử là tài sản, do đó người sở hữu bitcoin phải chịu thuế trên thặng dư vốn (capital gains tax). Mạng lưới Điều tra Tội phạm Tài chính của Bộ Tài chính Mỹ (FinCEN) chịu trách nhiệm giám sát các giao dịch bitcoin để ngăn chặn hành vi rửa tiền.
Cùng với đó, SEC chịu trách nhiệm phát hiện các thương vụ ICO chưa qua đăng ký. ICO là hình thức phát hành đồng tiền ảo ra thị trường, tương tự IPO trên thị trường chứng khoán.
Bitcoin được xác định là một hàng hóa tài chính, do đó CFTC có thể điều chỉnh các hợp đồng tương lai và giao dịch phái sinh được thanh toán hoặc dựa trên bitcoin.
Tóm lại, chính phủ Mỹ chưa thực sự có một cơ quan giám sát cấp liên bang dành cho thị trường bitcoin giao ngay. Ông Elliot kết luận: "Các công ty cho phép bạn mua và bán bitcoin, sau đó giao dịch bitcoin như một loại tiền định danh (fiat currency) về cơ bản không hề được kiểm soát".
Hiện tại cũng không có luật liên bang nào quy định bitcoin phải được giám sát hay chỉ định cơ quan chịu tráchnhiệm quản lý bitcoin, ông Elliot nói thêm.
Theo Kinh tế Chứng khoán