Theo tinnhanhchungkhoan, ngân hàng sẽ phát hành chứng chỉ tiền gửi có mệnh giá 1 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng. Số đợt phát hành tối đa là 10 đợt.
Chứng chỉ tiền gửi được áp dụng lãi suất cố định trong toàn bộ kỳ hạn. Mức lãi suất cụ thể được áp dụng tùy theo điều kiện thị trường, nhu cầu của nhà đầu tư và do Tổng giám đốc hoặc người được ủy quyền của Ngân hàng quyết định với mức tối đa 6%/năm.
Lãi sẽ được thanh toán một lần cùng với tiền gốc vào ngày đáo hạn. Tuy nhiên, mức lãi suất tối đa 6%/năm của ACB thấp hơn khá nhiều so với lãi suất chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng khác, và cũng thấp hơn cả lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện nay của các ngân hàng.
Theo cafef, ACB cho biết mục đích phát hành chứng chỉ tiền gửi là nhằm tăng quy mô nguồn vốn hoạt động của ngân hàng nhằm phục vụ nhu cầu cấp tín dụng.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, mặc dù tăng trưởng huy động tiền gửi đạt mức 10,2%, ACB cũng rất tích cực huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Ngân hàng này cũng là 1 trong 2 nhà băng có lượng trái phiếu phát hành nhiều nhất từ đầu năm đến nay - khoảng 10.450 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 2 - 3 năm, lãi suất dao động từ 6,7-6,8%/năm.
ACB hiện là ngân hàng thứ 2 trong hệ thống đã huy động vượt 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm nay, theo bizlive.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ